Nguyên nhân và cơ chế bẩm sinh của trầm cảm

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tổn thương tâm lý của bệnh nhân mất ngủ mạn tính tại một số bệnh viện thành phố hồ chí minh (Trang 30 - 33)

Nguyên nhân sinh học

Yếu tố di truyền

Trầm cảm có thể mang tính gia đình. Ví dụ, nếu một người trong cặp song sinh giống hệt nhau bị trầm cảm, người kia có 70% cơ hội bị một lúc nào đó trong cuộc sống. Các nghiên cứu tần suất bệnh trên các cặp sinh đôi, trong gia đình và ở dân số chung phát hiện có yếu tố di truyền góp phần trong trầm cảm. Thân nhân của người bệnh rối loạn trầm cảm có tỉ lệ trầm cảm cao hơn trong dân số chung và tỉ lệ này cao nhất trong thân nhân độ một của người bệnh. Tỉ lệ cùng bị bệnh ở các cặp sinh đôi

cùng trứng là 65% - 75%, trong khi ở các cặp sinh đôi khác trứng chỉ là 14% - 19% (Trần Trung Nghĩa, 2104).

Giảm các chất dẫn truyền thần kinh

Trầm cảm có liên quan tới sự suy giảm nồng độ các chất dẫn truyền thần kinh norepinephrine nồng độ norepinephrine ở khe tiếp hợp các đầu tận cùng thần kinh giảm trong các rối loạn trầm cảm. Các thuốc chống trầm cảm như imipramine, desipramine, venlafaxine ức chế tái thu norepinephine ở tiếp hợp thần kinh, làm tăng lượng norepinephrine ở khe tiếp hợp và có tác dụng cải thiện triệu chứng trầm cảm. Điều này khẳng định vai trò của norepinephrine trong trầm cảm. Serotonin hiệu quả của thuốc thuộc nhóm ức chế tái thu serotonin có chọn lọc (SSRIs) trên bệnh nhân trầm cảm đã chứng tỏ phần nào vai trò của serotonin trong trầm cảm. Việc làm giảm serotonin có thể thúc đẩy quá trình trầm cảm và trên một số bệnh nhân có xung động tự sát, người ta thấy nồng độ các chất chuyển hóa của serotonin trong dịch não tủy thấp. Dopamine: một số công trình nghiên cứu cho thấy hoạt động của dopamine tăng trong hưng cảm và giảm trong trầm cảm. Trầm cảm thường gặp ở những bệnh nhân sử dụng các thuốc làm giảm dopamine như reserpine.

Các bệnh do giảm nồng độ dopamine trong não như Parkinson thường kèm theo các triệu chứng trầm cảm.

Điều hòa thần kinh nội tiết

Vùng hạ đồi là trung tâm điều hòa trục thần kinh-nội tiết và tiếp nhận các chất dẫn truyền thần kinh bản chất amine sinh học (dopamine, norepinephrine, serotonin). Rối loạn điều hòa thần kinh nội tiết đã được nhận thấy ở các bệnh nhân rối loạn khí sắc. Do đó sự điều hòa bất thường trục thần kinh nội tiết có thể dẫn đến bất thường chức năng của các nơ-rôn chứa các amine sinh học kể trên. Các trục thần kinh nội tiết chính liên quan đến rối loạn khí sắc là trục hạ đồi, tuyến yên, thượng thận.

Điều hòa thần kinh thể dịch

Nhiều nghiên cứu cho thấy bệnh nhân trầm cảm và những người đau buồn do mất người thân có bất thường về hệ miễn dịch, liên quan đến rối loạn điều hòa nồng độ cortisol của vùng hạ đồi.

Nhịp ngày đêm

Thay đổi cấu trúc giấc ngủ như giảm thời gian tiềm tàng giai đoạn giấc ngủ vận động mắt nhanh, giảm sóng chậm của giấc ngủ trong trầm cảm. Những thay đổi này liên quan đến sự dao động của các triệu chứng trong ngày và được cho là cơ sở cho việc điều trị trầm cảm bằng phương pháp trị liệu ánh sáng.

Trầm cảm tuổi già

Trầm cảm khởi phát ở tuổi già thường kèm rối loạn hoạt động nhận thức hơn là trầm cảm ở người trẻ. Điều này có thể do một bệnh lý mạch máu não, bệnh Alzheimer hoặc một bệnh lý não khác kèm theo.

Các nguyên nhân tâm lí xã hội Tâm lý cá nhân

Nhân cách: Những người có lòng tự tôn thấp, dễ bị áp đảo bởi stress, hoặc những người thường bi quan dường như có nhiều khả năng bị trầm cảm hơn. Những cá nhân có suy nghĩ tiêu cực thường có khuynh hướng dễ bị trầm cảm và bị rối loạn nhận thức nặng hơn khi bị trầm cảm. Tâm lý học cá nhân đã chứng minh nhân cách dễ bị tổn thương đóng vai trò quan trọng trong việc khởi phát và kéo dài trầm cảm. Tâm lý học hành vi chú ý đến những hành vi được học từ gia đình, môi trường xung quanh và mối quan hệ trong gia đình cũng góp phần trong trầm cảm theo những cách khác nhau.

Yếu tố môi trường: Tiếp xúc/phơi nhiễm liên tục với bạo lực, bỏ bê, lạm dụng hoặc nghèo đói có thể khiến một số người dễ bị trầm cảm hơn. Sự mất mát trong tuổi thơ hay những mất mát vừa mới xảy ra, mối quan hệ bất hòa giữa các cá nhân cũng có liên quan đến trầm cảm. Sự cách ly khỏi xã hội, những lời phê bình tiêu cực hay chỉ trích từ những thành viên trong gia đình, những sự kiện cuộc sống căng thẳng có thể góp phần khởi phát hay kéo dài giai đoạn trầm cảm. Trong một nghiên cứu tiền cứu cho thấy một nhóm nam giới, trình độ đại học, có mối quan hệ xấu với anh chị em ruột trước 20 tuổi thì dễ bị trầm cảm ở độ tuổi 50.

Những sự kiện trong đời

Những sự kiện trong đời mang tính đặc thù cao hơn. Ví dụ thảm hoạ chiến tranh, thiên tai, li hôn, bệnh nặng, cái chết của người thân v.v.. ảnh hưởng của những

sự kiện trong đời còn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của xã hội.

Trong các nguyên nhân gây bệnh luôn có sự kết hợp của 2 nhóm yếu tố: những yếu tố nguy cơ và yếu tố bảo vệ. Những yếu tố bảo vệ bao gồm các trải nghiệm dương tính trong thời thơ ấu như sự đầm ấm trong gia đình, cảm giác an toàn của đứa trẻ; những yếu tố nâng đỡ hiện tại như các mối quan hệ tốt giữa vợ chồng, gia đình, bè bạn, sự đảm bảo về tài chính và sự hài lòng với công việc. Những yếu tố nguy cơ bao gồm: sự mất người thân, bạo lực, đỗ vở trong hôn nhân.

Cả 2 yếu tố gây tổn thương và bảo vệ không chỉ ảnh hưởng đến quá trình khởi phát mà còn ảnh hưởng đến cả sự hồi phục của người bị trầm cảm.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tổn thương tâm lý của bệnh nhân mất ngủ mạn tính tại một số bệnh viện thành phố hồ chí minh (Trang 30 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(130 trang)