Bộ công cụ đánh giá trầm cảm, lo âu

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tổn thương tâm lý của bệnh nhân mất ngủ mạn tính tại một số bệnh viện thành phố hồ chí minh (Trang 57 - 63)

Trong lĩnh vực tâm lý lâm sàng trên thế giới, các trắc nghiệm tâm lý được sử dụng để đánh giá về rối loạn lo âu và trầm cảm, phương pháp trắc nghiệm tâm lý là

công cụ thực hành để lượng hóa các triệu chứng tâm thần, hỗ trợ chẩn đoán lâm sàng, phát hiện những lệch lạc về trí tuệ và nhân cách mang tính chất tâm bệnh học, gợi ra phương hướng điều trị và đánh giá kết quả điều trị như thang đánh giá trầm cảm Beck (Beck Depression Inventory) năm 1961, thang đánh giá trầm cảm của Hamilton (HDRS – Hamilton Depression Rating Scale), do M.Hamilton giới thiệu 1960. Thang đánh giá lo âu Zung (Zung Self-rated Anxiety Scale) năm 1971, Thang đánh giá lo âu – trầm cảm – stress DASS (Depression-Anxiety-Stress Scale) năm 1995; Thang GDS được xây dựng để nhận diện các triệu chứng trầm cảm ở bệnh nhân là người già (Brink TL., 1982; Yesavage JA., 1983).

Thang đo Zung

Thang Đánh giá trầm cảm Zung (SDS) là thang tự đánh giá gồm có 20 đề mục, được sử dụng rộng rãi trong các nghiên cứu dịch tễ học (Zung, 1965). Một hạn chế của SDS là cách trả lời tính điểm (không bao giờ, đôi khi, phần lớn thời gian, luôn luôn), điều này có thể làm bệnh nhân người già nhầm lẫn; do đó, họ cần phải có sự trợ giúp của trắc nghiệm viên hoặc những người khác để hoàn thành trắc nghiệm. Một vấn đề khác nữa ở thang đo này là điểm trung bình đối với người già cao hơn đáng kể so với những người trẻ hơn, điều này dẫn đến nhiều người già bình thường bị đánh giá thành dương tính giả. Chẳng hạn như, Zung đưa ra ngưỡng điểm phân loại là 40 đối với trầm cảm với độ nhạy là 88%, nhưng dương tính giả lại có tỉ lệ 44%. Hơn nữa, SDS thường bỏ sót trầm cảm ở người già nếu trầm cảm biểu hiện chủ yếu bằng các triệu chứng về cơ thể. Do những hạn chế nêu trên nên nhiều tác giả cho rằng không nên sử dụng SDS trong các nghiên cứu hay đánh giá lâm sàng về trầm cảm người cao tuổi.

Thang đo CES-D

Thang đo CES-D (Center for epidemiologic studies depression) ra đời năm 1977 của Trung tâm nghiên cứu dịch tễ học thuộc Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ đã được kiểm định và sử dụng ở rất nhiều quốc gia trên thế giới (Chen, Dunne, & Han, 2004). Thang đo CES-D bao gồm 20 câu hỏi với 4 mức độ về sự thường xuyên theo cảm nhận của đối tượng trong vòng 1 tuần vừa qua về các triệu chứng liên quan đến trầm cảm, chẳng hạn như mất ngủ, chán ăn và cảm thấy cô đơn.

Các mức độ được quy đổi thành điểm từ 0 đến 3 (0= hiếm khi hoặc không lúc nào, 1 = một số ít thời gian, 2 = phần lớn thời gian, 3 = hầu hết thời gian). Điểm số chạy từ 0 đến 60, lấy điểm cắt 16 để xác định cá nhân có nguy cơ bị trầm cảm, có độ nhạy và độ đặc hiệu cao.

CES-D là một công cụ sàng lọc cho bệnh trầm cảm đã được kiểm tra trong một mẫu của 1.005 người cao tuổi tại cộng đồng cư trú (độ tuổi từ 50-96) kết quả cho thấy thang đo CES-D là thích hợp để sàng lọc trầm cảm ở những người lớn tuổi trong cộng đồng (Lewinsohn, Seeley, Roberts, & Allen, 1997).

Thang đo HADS

HADS (Hospital Anxiety and Depression Scale) được đề xuất bởi Zigmond và Snaith vào năm 1983 và sau đó được áp dụng rộng rãi trên thế giới cho kết quả có ý nghĩa lâm sàng như một công cụ sàng lọc tâm lý, trong các nhóm so sánh lâm sàng và trong các nghiên cứu tương quan với một số khía cạnh của bệnh và chất lượng cuộc sống. Nó nhạy cảm với những thay đổi trong quá trình bệnh và đáp ứng với sự can thiệp tâm lý và tâm sinh lý. Thang đo HADS không dùng để chẩn đoán các bệnh lý rối loạn tâm thần, nó là mẫu dùng để đánh giá sàng lọc tâm trạng lo âu, trầm cảm của bệnh nhân không tâm thần, được nhiều trung tâm nghiên cứu trên thế giới sử dụng vì ngắn gọn, dễ thực hiện trong các trường hợp bệnh nhân nội trú. Thang đo gồm 14 câu hỏi, trong đó có 7 câu liên quan đến trầm cảm và 7 câu liên quan đến lo âu, mỗi câu hỏi được xếp loại từ 0 đến 3, cho biết cường độ hoặc tần số của triệu chứng. Tổng số điểm từ 0 – 42 và 0 – 21 cho mỗi câu. Điểm số càng cao, các triệu chứng nghiêm trọng hơn (Zigmond và Snaith, 1983).

Thang đo đánh giá rối loạn lo âu Hamilton Axiety Rate Scale (HAMA)

Hamilton anxiety rate scale là thang công cụ dùng để đánh giá mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng lo âu ở trẻ em và người lớn. Nó cũng được sử dụng như là công cụ đánh giá tác động kết cục của thuốc chống lo âu, các liệu pháp, trị liệu lo âu, hay là một thước đo tiêu chuẩn trong đánh giá tác dụng các loại thuốc hướng thần. Thang điểm có tính bình ổn, nhạy cảm cao. Có nhiều bảng cấu trúc và hướng dẫn sử dụng đã được các nhà tâm lý học trên thế giới phát triển để thuận tiện hơn cho việc sử dụng thang đo HAMA (Bruss, Gruenberg, Goldstein, & Barber, 1994).

Thang đo đánh giá trầm cảm Hamilton Depression Rating Scale (HAMD)

Hamilton Depression Rating Scale được phát triển lần đầu tiên bởi Max Hamilton năm 1960 là một công cụ do các bác sĩ sử dụng để đánh giá mức độ nghiêm trọng của triệu chứng trong các rối loạn trầm cảm cũng như là một trong các biện pháp cho việc thử nghiệm thuốc chống trầm cảm. Thang đo này cũng được sử dụng rộng rãi cho việc lựa chọn bệnh nhân và theo dõi họ trong các nghiên cứu về điều trị trầm cảm. Thang HAM-D đã được chứng minh có ích trong việc xác định mức độ trầm cảm của bệnh nhân trước và sau khi điều trị (Zimmerman, Martinez, Young, Chelminski, & Dalrymple, 2013).

Thang đo PHQ-9

PHQ-9 là một công cụ tự báo cáo để sàng lọc và tìm kiếm các triệu chứng rối loạn trầm cảm chính (MDD) và dựa trên Đánh giá chăm sóc về rối loạn tâm thần được phát triển vào những năm 1990. Bộ công cụ này được sử dụng rộng rãi trong cả hai mặt lâm sàng và nghiên cứu.

PHQ-9 được phát triển bởi Spitzer, Williams, Kroenke và các đồng nghiệp tại đại học Colombia, Hoa Kỳ năm 1999 dưới sự tài trợ của tập đoàn dược phẩm Pfizer, dựa trên các tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn trầm cảm theo DSM–IV. Thang đo này khá độc đáo ở chỗ nó có chức năng như một công cụ sàng lọc, hỗ trợ chẩn đoán, theo dõi mức độ trầm cảm tổng thể của bệnh nhân cũng như theo dõi sự cải thiện các triệu chứng cụ thể với điều trị (Kroenke, Spitzer, & Williams, 2001).

Thang đo DASS 21

Thang đo DASS21 đã được kiểm tra về độ tin cậy và tính giá trị. Kết quả các nghiên cứu đã báo cáo các ước tính tốt về độ tin cậy (coefficient-α) khoảng từ 0,82 đến 0,97 trong các mẫu thực nghiệm và lâm sàng (Henry và Crawford, 2005). Thang đo DASS-21 không dùng để chẩn đoán bệnh mà nó chỉ là một công cụ sàng lọc mức độ của rối loạn lo âu, stress và trầm cảm (Tổ chức Tâm lý học Úc, 2011), thích hợp cho việc sàng lọc ở nhiều bệnh nhân trong cộng đồng rộng lớn. Điều này làm cho nó trở thành một thang đo thích hợp trong một phạm vi rộng với các nghiên cứu và trong lâm sàng.

Thang đo DASS-21 (bảng tiếng Anh) đã được chứng minh là có tính thống nhất nội bộ cao và mang lại sự phân biệt có ý nghĩa trong một loạt các môi trường, thang đo đáp ứng các nhu cầu của cả các nhà nghiên cứu và các nhà lâm sàng, những người muốn đo lường trạng thái hiện tại hoặc thay đổi trong trạng thái theo thời gian (ví dụ: trong quá trình điều trị) về trầm cảm, lo âu, stress.

Hiện nay có rất nhiều thang đo được dùng để đánh giá stress, trầm cảm. Tuy nhiên hầu hết các thang đo đều là bản tiếng anh, việc áp dụng những bộ công cụ này cho bệnh nhân tại Việt Nam phải được chuyển giao, chuẩn hóa một cách cẩn thận để phù hợp với văn hóa từng vùng, từng quốc gia (Tian P. S. Oe 2013). Trong nghiên cứu này chúng tôi sử dụng thang đo DASS-21 vì thang đo này được dùng phổ biến tại Việt Nam, và đã được chuẩn hóa để phụ hợp với người dân Việt Nam. (Trần Thanh Đức, 2013).

Thang đo DASS-21 quy định từ mức độ trầm cảm, lo âu, stress nặng và rất nặng làm ngưỡng hướng đến chẩn đoán trầm cảm, lo âu, stress cho các bác sĩ lâm sàng. Tuy nhiên để chẩn đoán xác định bệnh bác sĩ lâm sàng cần kết hợp với các phương tiện chẩn đoán khác vì DASS không có những tác động trực tiếp đối với việc phân bổ bệnh nhân đối với các loại chẩn đoán rời rạc được mặc nhiên công nhận trong hệ thống phân loại như DSM và ICD. Những bệnh nhân có điểm từ mức độ nặng trở lên được đánh giá là bị trầm cảm, lo âu, stress cần tìm kiếm sự giúp đỡ. Những bệnh nhân có điểm ở mức độ nhẹ là những người có mức điểm cao hơn trung bình so với dân số chung nhưng vẫn còn dưới mức độ nghiêm trọng điển hình, tức là nó không có nghĩa là mức độ nhẹ của rối loạn.

Trong nghiên cứu của chúng tôi chỉ đề cập đến lo âu và trầm cảm nên đã loại các câu xác định stress ra ngoài bảng hỏi, đề giảm bớt thời gian trả lời bảng hỏi của người được khảo sát.

Tiểu kết Chương 1

Từ cuối thế kỷ XIX các vấn đề về sức khỏe tâm thần và những tổn thương tâm lý đã được bắt đầu được quan tâm, nghiên cứu. Những nghiên cứu ban đầu chủ yếu tập trung vào những vấn đề nguyên nhân, triệu chứng lâm sàng của những tổn thương tâm lý.

Dựa trên quan điểm của nhiều tác giả trong và ngoài nước nghiên cứu về tổn thương tâm lý, tôi xin tưa ra định nghĩa về tổn thương tâm lý như sau: “tổn thương tâm lý là những rối nhiễu làm mất cân bằng về mặt tâm lý một cách ngắn hạn (hoặc dài hạn) của cá nhân được biểu hiện thông qua sự lệch lạc trong đời sống tinh thần, nhận thức, thái độ, hành vi, lo âu, trầm cảm, v.v… khi cá nhân đã trải qua một hay nhiều sự kiện có tính chất bất thường ảnh hưởng sự toàn vẹn về mặt thể chất hay tinh thần làm cho chất lượng cuộc sống của cá nhân ngày càng thấp.”

Trong các biểu hiện của tổn thương tâm lý, ở đề tài này tác giả quan tâm nghiên cứu hai biểu hiện phổ biến trong xã hội là lo âu và trầm cảm.

Chương 2. THỰC TRẠNG TỔN THƯƠNG TÂM LÝ CỦA

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tổn thương tâm lý của bệnh nhân mất ngủ mạn tính tại một số bệnh viện thành phố hồ chí minh (Trang 57 - 63)