Thể thức và phương pháp nghiên cứu tổn thương tâm lý của bệnh nhân

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tổn thương tâm lý của bệnh nhân mất ngủ mạn tính tại một số bệnh viện thành phố hồ chí minh (Trang 63 - 69)

2.1. Thể thức và phương pháp nghiên cứu tổn thương tâm lý của bệnh nhân mất ngủ mạn tính ngủ mạn tính

Thiết kế nghiên cứu:Nghiên cứu cắt ngang mô tả

Địa điểm: Bệnh viện Quận 2, thành phố Hồ Chí Minh

Thời gian: nghiên cứu được tiến hành từ tháng 7 đến tháng 8 năm 2018

Khách thể nghiên cứu: Là Những người bị chứng mất ngủ mạn tính trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, khách thể được chọn vào mẫu nghiên cứu là những người bị chứng mất ngủ mạn tính đến khám tại bệnh viện Quận 2 trong thời gian diễn ra nghiên cứu.

Tiêu chí chọn chọn mẫu nghiên cứu: Người có độ tuổi từ 18 tuổi trở lên; Đồng ý tham gia nghiên cứu; Đáp ứng tiêu chuẩn sàng lọc ban đầu dựa trên tiêu chuẩn DSM-IV

(1) Bệnh nhân có than phiền về giấc ngủ:

Khó đi vào giấc ngủ

Khó duy trì giấc ngủ

Khó ngủ lại khi bắt đầu thức giấc

(2) Thời gian có các than phiền về giấc ngủ kéo dài trên 1 tháng (3) Không do hiệu quả sinh lý của một số chất (cafe, rượu, bia…) (4) Bệnh nhân có mệt mỏi hoặc suy giảm hoạt động và ban ngày

(5) Làm suy giảm hoạt động xã hội, nghề nghiệp hoặc trong các lĩnh vực quan trọng khác

Chứng mất ngủ mạn tính được xác định khi có đầy đủ 4/5 ý trên, tiêu chí (1), (2) bắt buộc phải có thì mới chọn vào khách thể nghiên cứu

Tiêu chí loại ra mẫu nghiên cứu: Đối tượng không đủ sức khỏe để tham gia nghiên cứu (người khiếm thính hoặc bị câm, không đủ sức khỏe để giao tiếp, trả lời câu hỏi); Không trả lời được quá hai phần ba bộ câu hỏi.

Cỡ mẫu: Những người đến khám tại khoa khám bệnh và phòng khám bác sĩ gia đình thuộc bệnh viện quận 2 có than phiền với bác sĩ xuất hiện triệu chứng mất ngủ thì sẽ được mời tham gia sàng lọc ban đầu dựa trên tiêu chuẩn DSM- IV. Cuối cùng mẫu chúng tôi thu được là 103 khách thể đáp ứng đủ tiêu chí của nghiên cứu và đồng ý tham gia nghiên cứu.

Kỹ thuật chọn mẫu: trong nghiên cứu này chúng tôi sử dụng phương pháp chọn mẫu thuận tiện, quy trình lấy mẫu được tiến hành theo các bước.

Bước 1: Liên hệ và xin phép được thực hiện nghiên cứu đối với lãnh đạo bệnh viện cũng như lãnh đạo khoa khám bệnh và phòng khám bác sĩ gia đình.

Bước 2: Trao đổi với bác sĩ trong hai khoa khi có người bệnh than phiền mất ngủ sẽ được giới thiệu và mời tham gia vào nghiên cứu.

Bước 3: Giới thiệu, giải thích rõ mục tiêu, các bước tiến hành của nghiên cứu với người bệnh, nếu họ đồng ý tham gia nghiên cứu, chúng tôi sẽ lấy mẫu bằng cách phỏng vấn trực tiếp mặt đối mặt với người bệnh, bằng tiêu chuẩn sàng lọc ban đầu (dựa trên DSM-IV).

Bước 4: Hoàn thành đầy đủ thông tin trong bộ câu hỏi đối với những người phù hợp với tiêu chí của sàng lọc ban đầu.

Trên thực tế trong quá trình nghiên cứu chúng ta thường có những sai lệch làm ảnh hưởng đến kết quả nghiên cứu, do đó để kiểm soát những sai lệch này, trước khi tiến hành nghiên cứu chính chúng tôi đưa ra những quy trình để hạn chế những sai lệch:

Kiểm soát sai lệch chọn lựa

- Tuân thủ theo tiêu chí của sàng lọc ban đầu - Tuân thủ theo tiêu chí chọn vào và tiêu chí loại ra

Kiểm soát sai lệch thông tin

- Định nghĩa biến số rõ ràng

- Tập huấn kỹ lưỡng cho các phỏng vấn viên để đảm bảo không có sự khác biệt về ý nghĩa các câu hỏi thông qua quá trình diễn đạt. Phỏng vấn đọc và giải thích rõ ràng từng câu hỏi và giải đáp thắc mắc cho đối tượng nghiên cứu.

- Bộ câu hỏi được tiến hành phỏng vấn thử trên 10 người sau đó được chỉnh sửa lại cho phù hợp.

Định nghĩa biến số: Dựa trên phần cơ sở lý luận tổn thương tâm lý của bệnh nhân mất ngủ mạn tính, trước khi tiến hành nghiên cứu thực tiễn chúng tôi phải định nghĩa những biến số có trong nghiên cứu.

Nhóm biến số nền

(1) Giới tính là giới tính sinh học của đối tượng, xác định dựa trên chứng minh nhân dân. Đây là biến số nhị giá gồm 2 giá trị: Nam và Nữ

(2) Tuổi là biến số định lượng, được tính bằng cách lấy 2018 –năm sinh dương lịch

(3) Nhóm tuổi là biến số nhị giá gồm 2 giá trị. Sau khi khi xác định tuổi của đối tượng thì tiến hành phân tuổi của đối tượng và hai nhóm sau: Dưới 60 tuổi và Từ 60 tuổi trở lên

(4) Dân tộc là biến số danh định gồm 3 giá trị: Kinh; Hoa; Khác

(5) Niềm tin tôn giáo là tôn giáo mà đối tượng đang theo, được xác định dựa trên câu trả lời của đối tượng. Đây là biến số danh định gồm 6 giá trị: Phật giáo; Thiên chúa giáo; Tin lành; Cao đài/ Hòa hảo; Không theo tôn giáo; Khác.

(6) Trình độ học vấn là biến số thứ tự. Được đánh giá dựa vào trình độ cao nhất mà đối tượng đạt được tính tới thời điểm thực hiện nghiên cứu, gồm 7 giá trị:

- Dưới tiểu học: là những đối tượng không được đi học hoặc chưa học hết tiểu học

- Tiểu học: từ lớp 1 đến lớp 5 theo hệ 12 năm hoặc từ lớp 1 đến lớp 4 theo hệ 10 năm. Người được đánh giá là học ở vị trí tiểu học khi họ đã tốt nghiệp tiểu học (thường được cấp bằng) tiểu học

- Trung học cơ sở: từ lớp 6 đến lớp 9 theo hệ 12 năm hoặc từ lớp 5 đến lớp 7 theo hệ 10 năm. Người được đánh giá hoàn thành mức học trung học cơ sở khi họ đã tốt nghiệp trường trung học cơ sở (thường được cấp bằng) trung học cơ sở .

- Trung học phổ thông: từ lớp 10 đến lớp 12 theo hệ 12 năm hoặc từ lớp 8 đến lớp 10 theo hệ 10 năm. Người được đánh giá hoàn thành mức học trung học phổ thông khi họ đã tốt nghiệp trường trung học phổ thông (thường được cấp bằng) trung

học phổ thông.

- Trung cấp/ cao đẳng: bao gồm các đối tượng sau: Những người đã tốt nghiệp (thường đã được cấp bằng hoặc chứng chỉ) các trường sơ cấp nghề, trung cấp nghề hoặc cao đẳng nghề; Những người đã tốt nghiệp (thường đã được cấp bằng) bậc trung cấp chuyên nghiệp; Những người đã tốt nghiệp cao đẳng (thường đã được cấp bằng cử nhân cao đẳng)

- Đại học: những người đã tốt nghiệp đại học (thường đã được cấp bằng cử nhân đại học)

- Sau đại học: những người đã tốt nghiệp (được cấp học vị) thạc sĩ, tiến sĩ.

(7) Bệnh lý đi kèm là biến số danh định, đã và đang được bác sĩ chẩn đoán hoặc đang điều trị, gồm 8 giá trị: Tăng huyết áp; Rối loạn Lipid máu; Đái tháo đường; Bệnh phổi; Cơ, xương, khớp; Bệnh gan, thận; Ung thư; Khác.

(8) Số bệnh cùng mắc là biến số nhị giá gồm 2 giá trị, được xác định dựa trên chẩn đoán bệnh lý kèm theo của bác sĩ:

- Một bệnh: khi được chẩn đoán có một bệnh lý kèm theo

- Nhiều hơn một bệnh: được chẩn đoán có nhiều hơn một bệnh lý kèm theo

(9) Thời gian mất ngủ: được tính bằng năm. Đối với những câu trả lời có tháng sẽ được chia cho 12 để quy đổi ra năm, lấy sau dấu phẩy một đơn vị. Sau đó được chia thành từng khoảng thời gian dưới đây: dưới 1 năm; từ 1 đến 5 năm; trên 5 năm.

(10) Mức độ mất ngủ: là biến danh định, được xác định dựa trên sự cảm nhận của bệnh nhân về mức độ mất ngủ của chính mình, theo các mức độ dưới đây: không biết; bình thường; nhẹ; nặng; rất nặng.

(11) Cảm thấy kết quả điều trị: được đánh giá dựa trên cảm nhận của người trả lời. Là biến số nhị giá gồm 2 giá trị: có thuyên giảm; không thuyên giảm (bao gồm những người cảm thấy kết quả không thay đổi nhiều hoặc ngày càng nặng thêm).

(12) Tình trạng làm việc là tình trạng việc làm của đối tượng tại thời điểm điều tra. Đây là biến số nhị giá gồm 2 giá trị, được xác định dựa trên câu trả lời của đối tượng.

- Đang đi làm: tất cả những người từ 18 tuổi trở lên, trong thời gian 07 ngày có làm bất cứ việc gì (không bị pháp luật cấm) từ 01 giờ trở lên để tạo ra sản phẩm hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ. Hoặc những người không làm việc trong tuần nghiên cứu nhưng đang có một công việc và vẫn gắn bó chặt chẽ với công việc đó.

- Không đi làm: bao gồm những người không có hoạt động kinh tế và người đang thất nghiệp.

 Người thất nghiệp: Định nghĩa thất nghiệp căn cứ vào ba tiêu chuẩn sau: hiện không làm việc; đang tìm kiếm việc làm và sẵn sàng làm việc. Các yếu tố này được thỏa mãn đồng thời. Người thất nghiệp là người trong tuần nghiên cứu (07 ngày) không làm việc, nhưng đã có những bước đi cụ thể để tìm việc làm và sẵn sàng làm việc. Những người không làm việc, sẵn sàng/ có nhu cầu làm việc nhưng trong 07 ngày không tìm được việc.

 Người không có hoạt động kinh tế: là những người không làm việc và cũng không phải là người thất nghiệp trong tuần nghiên cứu (07 ngày).

(13) Nghề nghiệp là biến số danh định gồm 7 giá trị: buôn bán; tự do; công ty tư nhân; công nhân viên chức; doanh nghiệp nước ngoài; nghỉ hưu; nghỉ sớm do lao động mất sức.

(14) Nguồn thu nhập khác khi không đi làm là biến số nhị giá có 2 giá trị: Có (khi người này không đi làm nhưng vẫn được hưởng trợ cấp từ xã hội, từ người thân hoặc lương hưu); Không.

(15) Kinh tế gia đình là biến số nhị giá được đánh giá dựa vào cảm nhận của đối tượng nghiên cứu, gồm 2 giá trị: Nghèo/ cận nghèo; Từ mức trung bình trở lên: bao gồm các mức trung bình, khá giả, giàu có

(16) Tình trạng hôn nhân là biến số danh định gồm 3 giá trị:

- Độc thân: chưa từng kết hôn theo quy định pháp luật tính đến thời điểm tham gia nghiên cứu.

- Hôn nhân không đổ vỡ: đã đăng ký kết hôn và được công nhận theo quy định của pháp luật

- Hôn nhân tan vỡ bao gồm các trường hợp sau:

 Ly thân: đã kết hôn nhưng không còn sống chung như vợ/ chồng và chưa hoàn tất thủ tục ly hôn

 Góa: đã kết hôn có vợ/ chồng nhưng vợ/ chồng đã mất

(17) Sống chung là biến số nhị giá gồm 2 giá trị:

Sống một mình

Sống với người thân là những đối tượng sống chung với một hoặc nhiều người thân trong các trường hợp sau: Sống chung với chồng/ vợ; Sống cùng với con/cháu; Sống chung với ba mẹ ruột; Sống chung với ba mẹ chồng/ vợ; Sống chung với anh chị em; Sống với những người khác

(18) Mối quan hệ trong gia đình là biến số danh định gồm 4 giá trị: mâu thuẫn; bất đồng quan điểm nhưng giải quyết được; hòa thuận/hạnh phúc; khác.

(19) Chăm sóc từ người thân, bạn bè là biến số nhị giá gồm hai giá trị: Có; Không

(20) Quan tâm thăm hỏi/ động viên từ người thân, bạn bè là biến số nhị giá gồm 2 giá trị: Có; Không

(21) Hỗ trợ chi phí điều trị từ người thân, bạn bè là biến số nhị giá gồm 2 giá trị: Có; Không

(22) Quan tâm, hỗ trợ từ người thân, bạn bè là biến số nhị giá gồm 2 giá trị: Có (khi có từ một trong ba giá trị là chăm sóc, quan tâm thăm hỏi/ động viên và hỗ trợ chi phí điều trị từ người thân, bạn bè mang giá trị có); Không: khi giá trị là thờ ơ bỏ mặc

(23) Số lần sử dụng thuốc ngủ là biến số nhị giá, được tính trong một tuần cả cả thuốc ngủ được kê đơn và thuốc ngủ tự mua để dùng. Gồm 2 giá trị: Từ 3 lần/ tuần trở xuống; Trên 3 lần/tuần.

(24) Số giờ ngủ thực tế là biến số định lượng, được tính bằng cách quy đổi ra giờ. Số phút sẽ được chia 60 để quy đổi ra giờ lấy sau dấu phẩy một chữ số.

(25) Mức độ lo lắng về giấc ngủ là biến số nhị giá gồm 2 giá trị. Đước đánh giá dựa trên cảm nhận của đối tượng nghiên cứu, khi khảo sát được chia làm 4 mực độ, nhưng khi phân tích được gộp lại thành 2 giá trị như bên dưới: Không lo lắng/ lo lắng một chút; Lo lắng nhiều/ lo lắng rất nhiều.

(26) Ảnh hưởng của vấn đề giấc ngủ là biến số nhị giá gồm 2 giá trị, xác định dựa trên cảm nhận của bệnh nhân về mức độ ảnh hưởng của vấn đề về giấc ngủ ảnh hưởng như thế nào đối với sức khỏe, sinh hoạt thường ngày, tinh thần của bệnh nhân. Khi hỏi được chia làm 5 mức độ, nhưng khi phân tích dữ liệu thì được gộp lại thành hai giá trị như bên dưới:

- Không ảnh hưởng/ ảnh hưởng một ít/ ảnh hưởng không nhiều - Ảnh hưởng nhiều/ ảnh hưởng rất nhiều

Nhóm biến số kết cuộc

Thang đo DASS21: gồm 21 câu được chia làm ba phần đánh giá tình trạng lo âu, trầm cảm và stress. Dựa vào mục tiêu của nghiên cứu tác giả đã lọc ra 14 câu dùng để đánh giá lo âu và trầm cảm trên bệnh nhân có chứng mất ngủ mạn tính. Điểm số từng câu được tính như sau:

0: Không đúng chút nào cả 1: Thỉnh thoảng mới đúng 2: Phần lớn thời gian là đúng 3: Hầu hết thời gian là đúng

Điểm số lo âu: được tính bằng cách cộng điểm 7 câu B1, B3, B5, B6, B9, B12, B13

Điểm số trầm cảm: được tính bằng cách cộng điểm 7 câu B2, B4, B7, B8, B10, B11, B14

Trầm cảm: là biến số nhị giá gồm 2 giá trị:

Có: có điểm số trầm cảm ở mức nặng tới rất nặng tương đương với mức điểm từ 11 điểm trở lên

Không: các mức độ còn lại

Lo âu: là biến số nhị giá gồm 2 giá trị:

Có: điểm số lo âu ở mức nặng tới rất nặng tương đương với mức điểm từ 8 điểm trở lên

Không: các mức độ còn lại

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tổn thương tâm lý của bệnh nhân mất ngủ mạn tính tại một số bệnh viện thành phố hồ chí minh (Trang 63 - 69)