Trầm cảm được định nghĩa khác nhau ở những quan niệm khác nhau
Trầm cảm là một thuật ngữ y khoa xác định một căn bệnh cụ thể. Nhiều hơn chỉ là một tâm trạng buồn hay chán nản, mà hầu hết chúng ta cảm thấy theo thời gian. Trầm cảm, còn được gọi là trầm cảm chủ yếu hay rối loạn trầm cảm chủ yếu, là một tâm trạng chán nản kéo dài, cảm giác buồn bã, mất hứng thú hoặc niềm vui trong hầu hết các hoạt động, cảm giác vô dụng, hoặc cảm giác tội lỗi, khó tập trung, suy nghĩ và đưa ra quyết định (Erika's Lighthouse, 2009). Trầm cảm thường được định nghĩa là một trải nghiệm kéo dài, dai dẳng của một tâm trạng buồn hay khó chịu/cáu gắt/bị kích thích cũng như mất khoái cảm, mất khả năng trải nghiệm niềm vui trong gần như tất cả các hoạt động. Nó cũng bao gồm một loạt các triệu chứng khác như thay đổi cảm giác ngon miệng, giấc ngủ bị gián đoạn, tăng hoặc giảm sút mức độ hoạt động, sự chú ý và tập trung suy giảm, và giảm đáng kể cảm giác giá trị bản thân/cái tôi (Ralph, 2004).
mà hiện diện với tâm trạng chán nản, mất hứng thú hoặc niềm vui, giảm năng lượng, cảm giác tội lỗi hay giá trị bản thân thấp, giấc ngủ bị quấy rầy/xáo trộn hoặc thèm ăn, và kém tập trung (World Health Organization, 2013).
Hơn nữa, trầm cảm thường đi kèm với các triệu chứng lo âu. Những vấn đề này có thể trở thành mạn tính hoặc tái phát và dẫn đến suy yếu đáng kể trong khả năng của một cá nhân để chăm sóc/chú ý các trách nhiệm hàng ngày của mình. Ở mức tồi tệ nhất, trầm cảm có thể dẫn đến tự tử. Gần 1 triệu người chết hàng năm do tự tử, mà trong đó trầm cảm được cho là nguyên nhân dẫn đến tự tử của 3000 người mỗi ngày (World Health Organization, 2008).
Theo các nhà tâm thần học, trầm cảm mô tả một trạng thái tâm trạng thoáng qua, tạm thời, được trải nghiệm bởi hầu hết tất cả các cá nhân tại một thời điểm nào đó trong cuộc sống của họ, thường đáp ứng với các sự kiện cuộc sống căng thẳng cũng như một rối loạn lâm sàng nghiêm trọng (American Psychiatric Association - APA, 2014). Trầm cảm gây trở ngại đáng kể đến khả năng hoạt động bình thường của người bị ảnh hưởng, các triệu chứng bao gồm tâm trạng buồn hay "trống rỗng", cảm giác vô vọng, vô dụng kéo dài dai dẳng và liên tục; rối loạn trong giấc ngủ và sự ngon miệng khi ăn; mất quan tâm, hứng thú trong các hoạt động mang lại niềm vui thông thường; khó tập trung, ghi nhớ, ra quyết định; suy nghĩ về cái chết hoặc tự sát (Fava và Kendler, 2000). Nếu không được điều trị, trầm cảm có thể dẫn đến giảm kết quả học tập, hạnh kiểm, phạm pháp, chán ăn/ăn vô độ, ám ảnh trường học, các cơn hoảng loạn, lạm dụng thuốc, hoặc thậm chí tự tử (Ralph, 2004).
Theo các nhà tâm lí học lâm sàng, trầm cảm không chỉ là nỗi buồn. Những người bị trầm cảm có thể bị thiếu sự quan tâm và niềm vui trong các hoạt động hàng ngày, giảm cân đáng kể hoặc tăng cân, mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều, thiếu năng lượng, không có khả năng tập trung, cảm giác vô dụng, hoặc tội lỗi quá nhiều và thường xuyên suy nghĩ về cái chết hoặc tự sát (American Psychological Association - APA, 2014b).
Như vậy, khái niệm trầm cảm chỉ ra những vấn đề của trạng thái tâm lí phổ biến, ảnh hưởng đến gần như tất cả mọi người thông qua hoặc là trải nghiệm cá nhân hoặc hoạt động lao động, học tập của cá nhân đó. Trước tiên xem xét dưới dạng tâm
tính, người bị trầm cảm buồn rầu, chán nản, cáu kỉnh và vô vọng. Họ hầu như không thích thú với cuộc sống. Họ thường bị nỗi buồn làm cho héo hắt. Các suy nghĩ thường xuyên xuất hiện như ca thán, tự thấy mình vô dụng, thấp hèn, kém cỏi, có thể thấy tương lai thật ảm đạm. Một trong những đặc điểm của người bị trầm cảm là họ không tạo hình ảnh bản thân bằng niềm vui và cách suy nghĩ tích cực (APA, 2013; World Health Organization, 2013).
Đa số mọi người đều đã từng có lần cảm thấy buồn, chán nản vào một lúc nào đó trong cuộc đời. Các cảm giác nản lòng, bực bội và ngay cả tuyệt vọng đều là các phản ứng bình thường khi bị mất mát, thiệt hại hoặc thất vọng và có thể kéo dài vài ngày rồi mới từ từ hết. Đó là những biến đổi về trạng thái tâm lí, biểu hiện thông thường trong đời sống hằng ngày.
Theo Vikram P. (2008) đau khổ của con người không thể ước tính được. Hội chứng trầm cảm có thể ảnh hưởng đến hoạt động bình thường, thường xuyên gây ra các khó khăn trong công việc, gia đình và xã hội. Trầm cảm gây đau đớn và đau khổ không chỉ cho những người bị rối loạn, mà còn cho những người quan tâm đến họ. Trầm cảm nghiêm trọng có thể phá hủy cuộc sống gia đình cũng như cuộc sống của cá nhân đó (Vikram et al., 2008).
Đôi khi cá nhân cảm thấy mệt mỏi vì làm việc cực nhọc hoặc nản lòng khi phải đối mặt với khó khăn nghiêm trọng, điều này không có nghĩa là trầm cảm, những cảm xúc này thường vượt qua trong vòng vài ngày hoặc vài tuần khi mà cá nhân có thể điều chỉnh sự căng thẳng.