Khám phá khoa học về môi trương xung quanh là một nội dung giáo dục cơ bản trong trường mầm non, vì vậy việc thực hiện nội dung này phải góp phần tích cực vào việc giải quyết các mục tiêu chung của giáo dục mầm non. Các mục đích của việc cho trẻ khám phá khoa học về môi trường xung quanh cũng xuất phát từ mục tiêu chung của ngành học. Khám phá khoa học về môi trường xung quanh trong giai đoạn hiện nay là phát triển ở trẻ năng lực nhận thức, khả năng khám phá bản chất của sự vật, hiện tượng để có thể giải quyết những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống hàng ngày. Trẻ em phải được tích cực khám phá và tham gia vào các hoạt động nhận thức đa dạng. Trong quá trình cho trẻ khám phá về môi trường xung quanh, cần chú ý đến việc phát triển ở trẻ các kỹ năng nhận thức, kỹ năng xã hội đồng thời với việc giáo dục thái độ ứng xử và thái độ khoa học. Cần quan tâm đến việc dạy trẻ cách học mà cụ thể là cách nghĩ, cách hành động, cách khám phá môi trường xung quanh hơn là quan tâm đến khối lượng kiến thức mà trẻ thu được trong các hoạt động.
b. Đảm bảo tính thực tiễn
Các sự vật, hiện tượng trong môi trường thiên nhiên và xã hội xung quanh chúng ta rất đa dạng và phong phú. Vậy GV nên chọn nội dung nào để cho trẻ khám phá? Trước hết GV cần lựa chọn các sự vật hiện tượng các nguyên vật liệu gần gũi đối với trẻ. Việc khám phá các đặc điểm, thuộc tính của chúng cần gây được hứng thú và có ý nghĩa đối với cuộc sống của trẻ. Các nội dung khám phá không nên chỉ từ phía GV lựa chọn và đưa vào kế hoạch mà nên có cả các nội dung do trẻ quan tâm và tự đề xuất. Các phương pháp hình thức và phương tiện khám phá cần phải vừa sức với trẻ và phù hợp với nhiều điều kiện, hoàn cảnh của trường lớp và địa phương.
c. Đảm bảo tính tích cực hoạt động của trẻ
Hoạt động khám phá khoa học về môi trường xung quanh cần phải có sự tham gia tích cực và chủ động của trẻ. Bởi lẽ chỉ có trải nghiệm trong các hoạt động khám phá đa dạng, trẻ mới có thể tích lũy được kinh nghiệm về cách thức hành động, khám phá khoa học. Cũng chỉ có tham gia vào các hoạt động một cách tích cực thì mới có thể hình thành và phát triền được năng lực nhận thức và năng lực
khám phá ở trẻ. Giáo viên mầm non cần phải tạo môi trường hấp dẫn, phong phú và tạo ra nhiều cơ hội cho trẻ được khám phá, tổ chức các hoạt động khám phá đa dạng để trẻ được tham gia. Trong các hoạt động khám phá khoa học về môi trường xung quanh, trẻ phải là người thực hiện tích cực các hành động khám phá, khảo sát đối tượng: sờ, nắn, ngửi, nếm, nghe hành động thử nghiệm, hành động thực hành. Trẻ cần được sử dụng các phương tiện khám phá như kính lúp, kính hiển vi, gương, cân, thước các loại, bình… Trẻ cũng phải là người đưa ra các giả thuyết, nêu các cách hành động và tự kiểm soát hành động của mình, thảo luận, chia sẻ với mọi người về quan điểm, kết luận hoặc lời giải thích về một hiện tượng nào đó, thể hiện và lưu giữ kết quả khám phá. Trẻ cũng phải biết hoạt động trong nhóm bạn bè và làm việc độc lập. Để thực hiện các hành động trải nghiệm và hoạt động tư duy một cách tích cực, chủ động, trẻ cần được hướng dẫn và dạy các kĩ năng nhận thức và kĩ năng KPKH. Đồng thời cũng chính trong các hoạt động KPKH tích cực, các kĩ năng của trẻ sẽ có cơ hội được luyện tập và theo lứa tuổi ngày càng hoàn thiện.