Hoạt động học tập của trẻ mầm non mới ở dạng sơ khai, chưa phải học theo hình thức chính qui như ở trường phổ thông, nhưng chúng tiếp thu kiến thức về môi trường xung quanh và hình thành cho mình những kĩ năng nhận thức và kĩ năng xã hội theo nhiều cách khác nhau.
- Trẻ học qua việc sử dụng các giác quan. Khi mới sinh ra trẻ chưa có biểu tượng về thế giới khách quan. Trẻ nhận thức thế giới chủ yếu thông qua những tiếp xúc trực tiếp với các sự vật, hiện tượng xung quanh bằng cảm giác và tri giác. Sử dụng thị giác, trẻ có thể hiểu biết về hình dáng, màu sắc, cấu tạo bên ngoài của sự vật, hiện tượng. Sử dụng xúc giác, trẻ có hiểu biết về độ cứng mềm, độ trơn nhẵn… Thính giác giúp trẻ có hiểu biết về tiếng kêu của các con vật, tiếng nước chảy, tiếng gió thổi, tiếng mưa rơi, tiếng động cơ và tiếng còi của các phương tiện giao thông… Khứu giác và vị giác giúp trẻ phân biệt mùi, vị của các sự vật, hiện tượng. Học theo cách này, trẻ thu được hiểu biết về các đặc điểm bên ngoài rõ nét của sự vật, hiện tượng. Theo sự phát triển của cơ thể và theo lứa tuổi, các giác quan của trẻ ngày càng trở nên tin nhạy hơn, vì vậy hệ thống biểu tượng về thiên nhiên và xã hội mà trẻ có được nhờ sử dụng các giác quan cũng ngày càng chính xác hơn.
- Trẻ học bằng trải nghiệm, thí nghiệm và thực hành. Trong thế giới khách quan có những lĩnh vực kiến thức mà không thể nhận biết được bằng quan sát thông thường. Để có thể nhận biết các dấu hiệu đặc trưng nhưng không biểu hiện rõ nét, các mối quan hệ và sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các sự vật, hiện tượng, cách nhanh nhất và chính xác nhất đối với trẻ là thử nghiệm, thí nghiệm. Gieo hạt vào bông ẩm trẻ biết hạt đó có nảy mầm được không và nảy mầm như thế nào; gieo hạt vào các môi trường khác nhau, trẻ biết mối quan hệ giữa sự nảy mầm của hạt với các yếu tố môi trường. Học bằng cách này trẻ vừa sử dụng các giác quan, vừa thực hiện các hành động tác động vào đối tượng, những biểu tượng mà trẻ thu được nhờ đó trở nên toàn diện, sâu sắc hơn.
- Trẻ học qua trò chơi. “Chơi mà học, học mà chơi” là phương châm tập hợp chủ yếu của trẻ lứa tuổi mầm non. Thông qua các trò chơi học tập, xây dựng và vận động trẻ khám phá các sự vật, hiện tượng đa dạng ở xung quanh, chức năng và
tính chất của chúng. Trong các trò chơi đóng vai theo chủ đề, trẻ khám phá các mối quan hệ giữa con người với thế giới khách quan, giữa con người với con người. Trẻ học cách giáo tiếp với mọi người xung quanh, học cách thể hiện tình cảm, thái độ với thiên nhiên và xã hội. Học qua vui chơi là phương thức học tập hiệu quả và phù hợp với trẻ mầm non vì vui chơi là hoạt động chủ đạo của trẻ lứa tuổi này.
- Trẻ học qua tương tác, chia sẻ kinh nghiệm với cô giáo, bạn bè và mọi người xung quanh. Phương thức học này có liên quan nhiều đến hoạt động ngôn ngữ. Bằng tư duy và giao tiếp ngôn ngữ, trẻ thu được kinh nghiệm và kết hợp các kiến thức mới vào kiến thức có sẵn để làm phong phú vốn hiểu biết, vốn kinh nghiệm của mình. Trong quá trình học, trẻ được nói ra, chia sẻ những hiểu biết của mình với cô giáo, bạn bè và những người xung quanh, đồng thời trẻ có thể nêu thắc mắc, đặt câu hỏi để nghe thông tin từ những người khác. Việc cùng nhau chơi, cùng nhau thực hiện các nhiệm vụ nhận thức cũng là cách chia sẻ kinh nghiệm và giúp trẻ học hỏi lẫn nhau.
- Trẻ học qua tư duy suy luận. Để giải thích các hiện tượng, để đưa ra cách giải quyết phù hợp, kịp thời những tình huống đa dạng xảy ra trong cuộc sống, trẻ cần phải huy động vốn kiến thức, kinh nghiệm có sẵn để phán đoán, suy luận. Những kết luận, nhận định của trẻ nêu ra có thể chưa hoàn toàn chính xác, còn rất ngây thơ, ngộ nghĩnh. Đôi khi trẻ còn lẫn lộn những thuộc tính bản chất và không bản chất của sự vật, hiện tượng. Song trong quá trình tích lũy thêm kinh nghiệm, biểu tượng cùng với sự phát triển của tư duy, những suy luận của trẻ ngày càng trở nên chính xác và hợp lí hơn.
- Trẻ tập trung chú ý, ghi nhớ và tái hiện các sự vật, hiện tượng xung quanh khi có hứng thú và được trải nghiệm phù hợp. Trẻ cần được tiếp xúc với các đối tượng đa dạng, sinh động, hấp dẫn, đồng thời trẻ cũng cần sự hiểu biết, tôn trọng, khích lệ, ủng hộ từ phía bạn bè cô giáo và mọi người xung quanh.
- Việc học của trẻ sẽ hiệu quả hơn, cũng như sự phát triển nhận thức của trẻ sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nếu trẻ được tham gia các hoạt động học phù hợp với trình độ, khả năng của mình. Vì vậy các yêu cầu, nội dung, phương pháp, hình thức dạy học nói chung và làm quen với môi trường xung quanh nói riêng cần phù
hợp với trình độ, khả năng nhận thức của trẻ ở từng độ tuổi. Giáo viên cần nắm được trình độ, khả năng cũng như “Vùng phát triển gần nhất” của trẻ để có tác động phù hợp.
-Trẻ em xuất phát từ những gia đình và cơ sở văn hóa, xã hội khác nhau, thể tạng của từng trẻ cũng không giống nhau vì vậy chúng có những khả năng khác nhau trong học tập. GV cần nắm được đặc điểm, khả năng của từng trẻ để có các biện pháp giáo dục phù hợp nhằm thúc đẩy sự phát triển của mỗi cá nhân, giúp trẻ bộc lộ và phát triển khả năng của mình.