Đặc điểm phát triển tâm lí, nhận thức của của trẻ 5-6 tuổi

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực trạng môi trường khám phá khoa học cho trẻ 5 6 tuổi tại một số trường mầm non vùng khó khăn tỉnh sóc trăng​ (Trang 32)

1.3.1. Quan điểm về sự phát triển của trẻ

a. Quan điểm của J. Piaget về sự phát triển của trẻ

Sự phát triển trí tuệ của trẻ bắt đầu từ đồng hóa, nghĩa là khi có kích thích thì não tiếp nhận thông tin, tiêu hóa chúng, biến chúng thành cái có nghĩa cho bản thân trong quá trình thích ứng với môi trường. Nói cách khác đó chính là sự tạo lập cấu trúc (sơ đồ) trong não hay còn gọi là quá trình đồng hóa. Cấu trúc này hấp dẫn và kiểm soát hành động của trẻ trong khoảng thời gian nhất định, tạo ra sự cân bằng tạm thời tương đối giữa cá thể và môi trường. Khi gặp hoàn cảnh mới, các cấu trúc cũ không đủ đáp ứng dẫn đến mất cân bằng, chủ thể buộc phải thay đổi cấu trúc cũ tạo ra cấu trúc (sơ đồ) mới để tạo ra sự cân bằng mới, đó chính là quá trình điều ứng. Thực chất điều ứng là quá trình thích nghi của chủ thể đối với những đòi hỏi đa dạng của môi trường bằng cách biến đổi những cấu trúc đã có tạo ra những cấu trúc mới dẫn đến trạng thái cân bằng mới, nói cách khác là tạo ra bước phát triển mới.

Quá trình hình thành và phát triển trí tuệ là sự liên tục hình thành các cấu trúc mới trên cơ sở các cấu trúc đã có. Để đạt được sự phát triển đó, chủ thể phải tiến hành các hoạt động tương tác với môi trường nhằm tích lũy và hoàn thiện những tri thức, thao tác đã có, để đạt đến mức cho phép, chuyển hóa chúng thành một cấu trúc mới có chất lượng cao hơn. Điều này cho thấy, để kích thích sự phát triển trí tuệ của trẻ cần phải cho trẻ tích cực tiếp xúc với môi trường xung quanh, đồng thời tạo ra nhiều các tình huống có vấn đề, các nhiệm vụ nhận thức đa dạng để tạo ra ở trẻ động cơ học hỏi và sẵn sàng tiếp thu thông tin mới (nói cách khác là tạo ra ở trẻ

trạng thái mất cân bằng). Đây chính là thời điểm để chúng ta có thể dạy trẻ, để đưa chúng đến với những kiến thức mới. Bởi vì khi đứa trẻ rơi vào trạng thái mất cân bằng, chúng sẽ không ngừng tìm kiếm bằng cách hỏi dò, quan sát kĩ lưỡng, tìm hiểu, khám phá các nguyên vật liệu xung quanh… cho đến khi chúng tìm ra một cách giải thích mới, phù hợp hơn. Vai trò của người lớn là vừa phải tạo ra ở trẻ động cơ học hỏi (trạng thái mất cân bằng), vừa tạo điều kiện, cơ hội và hướng dẫn trẻ tìm kiếm thông tin mới có thể lí giải phần lớn các sự kiện (đưa trẻ về trạng thái cân bằng). Đây chính là quá trình hình thành ở trẻ kiến thức về thế giới xung quanh.

Khi lí giải về sự phát triển trí tuệ của trẻ, Piaget cho rằng sự phát triển đó xuất phát từ chính bản thân đưa trẻ dưới áp lực của môi trường xã hội bên ngoài, từ quá trình trưởng thành ngay bên trong cơ thể và từ những phát hiện tự phát.

b. Quan điểm của L.S.Vưgotxki về sự phát triển của trẻ

Vưgotxki cho rằng, quá trình phát triển trí tuệ của trẻ chính là kết quả của việc chiếm lĩnh, lĩnh hội những tri thức, kinh nghiệm lịch sử xã hội của loài người trong các hoạt động với đồ vật. Trong hoạt động với đồ vật, trẻ học cách sử dụng các công cụ lao động và đồng thời ở chúng cũng phát triển các công cụ trí tuệ… Tuy vậy, sự lĩnh hội các kinh nghiệm đó của trẻ em phải thông qua người lớn và trong các hoạt động giao tiếp. Sự phát triển trí tuệ của trẻ chịu ảnh hưởng đến nhiều yếu tố, trong đó giáo dục được đặt ở vị trí hàng đầu, giữ vai trò chủ đạo, dẫn dắt sự phát triển. L.S.Vưgotxki đánh giá cao ảnh hưởng của người lớn, của bạn chơi trưởng thành hơn đến sự phát triển trí tuệ của trẻ. Ông cho rằng các ảnh hưởng bên ngoài và bên trong tương tác với nhau để tạo thành tư tưởng mới và mở rộng các dạng lí hiệu.L.S.Vưgotxki đặc biệt đề cao vai trò của việc lĩnh hội và sử dụng các công cụ kí hiệu trong việc hình thành chức năng trí tuệ cấp cao của trẻ. Ông cho rằng ngôn ngữ là hệ thống kí hiệu quan trọng nhất. Với sự giúp đỡ của ngôn ngữ trẻ nhỏ bắt đầu làm chủ tình huống, làm chủ hành vi bản thân, xuất hiện hình thức tổ chức hành vi hoàn toàn mới cũng như quan hệ mới với môi trường. Ngôn ngữ cho phép trẻ giao tiếp xã hội và đồng thời thúc đẩy sự phát triển tư duy và các chức năng tâm lí.

L.S.Vưgotxki cho rằng dạy học phải đi trước sự phát triển và kéo theo sự phát triển. Quan niệm này gắn với khái niệm “Vùng phát triển gần nhất” của ông. Vùng phát triển gần nhất là vùng mà trong đó các chức năng tâm lí đang sắp sửa được hình thành. Điều này được biểu hiện trong các tình huống khi trẻ chưa thể hình thành được nhiệm vụ nhận thức một cách độc lập mà còn có sự hợp tác, giúp đỡ của người khác. Nếu dạy học đi sau sự phát triển, nó sẽ kìm hãm sự phát triển, ngược lại nếu dạy học đi trước sự phát triển nó sẽ thúc đẩy và kéo sự phát triển đi lên. Vì vậy, người giáo viên tốt là người phải đưa ra những yêu cầu, những nhiệm vụ nhận thức cao hơn một chút so với sự phát triển của trẻ. Trẻ có thể sẽ chưa giải quyết nhiệm vụ một cách trọn vẹn được ngay nhưng với sự giúp đỡ của người lớn và sự hợp tác của bạn bè thì trẻ có khả năng giải quyết được. Điều quan trọng là người giáo viên phải xác định được trình độ hiện thời và vùng phát triển gần nhất của mỗi đứa trẻ để đưa ra những hướng dẫn phù hợp. Cần phải phát huy tính chủ động, tích cực hoạt động của trẻ sao cho hoạt động dạy và học phải là hoạt động hợp tác giữa giáo viên và trẻ, có như vậy thì việc dạy học mới đạt hiệu quả tối ưu đối với sự phát triển của trẻ.

c. Quan điểm của Howard Gardner về trí thông minh đa dạng

Ông nhấn mạnh năng lực trí tuệ phong phú của con người. Trí tuệ được định nghĩa là tài năng giải quyết hay sáng tạo ra vấn đề trong môi trường văn hóa.

Quan niệm của Gardner: Có nhiều dạng trí thông minh và chúng phản ánh theo nhiều cách thức khác nhau trong cuộc sống... và thông qua phong cách học tập và giải quyết vấn đề.

Ông đề xuất 10 loại hình trí thông minh: Ngôn ngữ, Logic- toán học, âm nhạc, không gian hình ảnh, vận động cơ thể, tương tác cá nhân, nội tại, trí thông minh tự nhiên, tồn tại, tâm linh.

Vận dụng thuyết thông minh trong phát triển nhận thức, tư duy cho trẻ lưu ý: Khi người lớn tạo cơ hội giáo dục và điều kiện môi trường và trẻ được hoạt động phong phú để được tương tác với môi trường trẻ sẽ được phát triển tốt hơn.

1.3.2. Đặc điểm nhận thức về môi trường xung quanh

Hoạt động học tập của trẻ mầm non mới ở dạng sơ khai, chưa phải học theo hình thức chính qui như ở trường phổ thông, nhưng chúng tiếp thu kiến thức về môi trường xung quanh và hình thành cho mình những kĩ năng nhận thức và kĩ năng xã hội theo nhiều cách khác nhau.

- Trẻ học qua việc sử dụng các giác quan. Khi mới sinh ra trẻ chưa có biểu tượng về thế giới khách quan. Trẻ nhận thức thế giới chủ yếu thông qua những tiếp xúc trực tiếp với các sự vật, hiện tượng xung quanh bằng cảm giác và tri giác. Sử dụng thị giác, trẻ có thể hiểu biết về hình dáng, màu sắc, cấu tạo bên ngoài của sự vật, hiện tượng. Sử dụng xúc giác, trẻ có hiểu biết về độ cứng mềm, độ trơn nhẵn… Thính giác giúp trẻ có hiểu biết về tiếng kêu của các con vật, tiếng nước chảy, tiếng gió thổi, tiếng mưa rơi, tiếng động cơ và tiếng còi của các phương tiện giao thông… Khứu giác và vị giác giúp trẻ phân biệt mùi, vị của các sự vật, hiện tượng. Học theo cách này, trẻ thu được hiểu biết về các đặc điểm bên ngoài rõ nét của sự vật, hiện tượng. Theo sự phát triển của cơ thể và theo lứa tuổi, các giác quan của trẻ ngày càng trở nên tin nhạy hơn, vì vậy hệ thống biểu tượng về thiên nhiên và xã hội mà trẻ có được nhờ sử dụng các giác quan cũng ngày càng chính xác hơn.

- Trẻ học bằng trải nghiệm, thí nghiệm và thực hành. Trong thế giới khách quan có những lĩnh vực kiến thức mà không thể nhận biết được bằng quan sát thông thường. Để có thể nhận biết các dấu hiệu đặc trưng nhưng không biểu hiện rõ nét, các mối quan hệ và sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các sự vật, hiện tượng, cách nhanh nhất và chính xác nhất đối với trẻ là thử nghiệm, thí nghiệm. Gieo hạt vào bông ẩm trẻ biết hạt đó có nảy mầm được không và nảy mầm như thế nào; gieo hạt vào các môi trường khác nhau, trẻ biết mối quan hệ giữa sự nảy mầm của hạt với các yếu tố môi trường. Học bằng cách này trẻ vừa sử dụng các giác quan, vừa thực hiện các hành động tác động vào đối tượng, những biểu tượng mà trẻ thu được nhờ đó trở nên toàn diện, sâu sắc hơn.

- Trẻ học qua trò chơi. “Chơi mà học, học mà chơi” là phương châm tập hợp chủ yếu của trẻ lứa tuổi mầm non. Thông qua các trò chơi học tập, xây dựng và vận động trẻ khám phá các sự vật, hiện tượng đa dạng ở xung quanh, chức năng và

tính chất của chúng. Trong các trò chơi đóng vai theo chủ đề, trẻ khám phá các mối quan hệ giữa con người với thế giới khách quan, giữa con người với con người. Trẻ học cách giáo tiếp với mọi người xung quanh, học cách thể hiện tình cảm, thái độ với thiên nhiên và xã hội. Học qua vui chơi là phương thức học tập hiệu quả và phù hợp với trẻ mầm non vì vui chơi là hoạt động chủ đạo của trẻ lứa tuổi này.

- Trẻ học qua tương tác, chia sẻ kinh nghiệm với cô giáo, bạn bè và mọi người xung quanh. Phương thức học này có liên quan nhiều đến hoạt động ngôn ngữ. Bằng tư duy và giao tiếp ngôn ngữ, trẻ thu được kinh nghiệm và kết hợp các kiến thức mới vào kiến thức có sẵn để làm phong phú vốn hiểu biết, vốn kinh nghiệm của mình. Trong quá trình học, trẻ được nói ra, chia sẻ những hiểu biết của mình với cô giáo, bạn bè và những người xung quanh, đồng thời trẻ có thể nêu thắc mắc, đặt câu hỏi để nghe thông tin từ những người khác. Việc cùng nhau chơi, cùng nhau thực hiện các nhiệm vụ nhận thức cũng là cách chia sẻ kinh nghiệm và giúp trẻ học hỏi lẫn nhau.

- Trẻ học qua tư duy suy luận. Để giải thích các hiện tượng, để đưa ra cách giải quyết phù hợp, kịp thời những tình huống đa dạng xảy ra trong cuộc sống, trẻ cần phải huy động vốn kiến thức, kinh nghiệm có sẵn để phán đoán, suy luận. Những kết luận, nhận định của trẻ nêu ra có thể chưa hoàn toàn chính xác, còn rất ngây thơ, ngộ nghĩnh. Đôi khi trẻ còn lẫn lộn những thuộc tính bản chất và không bản chất của sự vật, hiện tượng. Song trong quá trình tích lũy thêm kinh nghiệm, biểu tượng cùng với sự phát triển của tư duy, những suy luận của trẻ ngày càng trở nên chính xác và hợp lí hơn.

- Trẻ tập trung chú ý, ghi nhớ và tái hiện các sự vật, hiện tượng xung quanh khi có hứng thú và được trải nghiệm phù hợp. Trẻ cần được tiếp xúc với các đối tượng đa dạng, sinh động, hấp dẫn, đồng thời trẻ cũng cần sự hiểu biết, tôn trọng, khích lệ, ủng hộ từ phía bạn bè cô giáo và mọi người xung quanh.

- Việc học của trẻ sẽ hiệu quả hơn, cũng như sự phát triển nhận thức của trẻ sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nếu trẻ được tham gia các hoạt động học phù hợp với trình độ, khả năng của mình. Vì vậy các yêu cầu, nội dung, phương pháp, hình thức dạy học nói chung và làm quen với môi trường xung quanh nói riêng cần phù

hợp với trình độ, khả năng nhận thức của trẻ ở từng độ tuổi. Giáo viên cần nắm được trình độ, khả năng cũng như “Vùng phát triển gần nhất” của trẻ để có tác động phù hợp.

-Trẻ em xuất phát từ những gia đình và cơ sở văn hóa, xã hội khác nhau, thể tạng của từng trẻ cũng không giống nhau vì vậy chúng có những khả năng khác nhau trong học tập. GV cần nắm được đặc điểm, khả năng của từng trẻ để có các biện pháp giáo dục phù hợp nhằm thúc đẩy sự phát triển của mỗi cá nhân, giúp trẻ bộc lộ và phát triển khả năng của mình.

1.3.3. Các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển nhận thức của của trẻ 5 - 6 tuổi

Sự nhận thức của trẻ là cả một quá trình lớn lên, phát triển về thể chất, sức khỏe, vận động, tinh thần và trí truệ. Tùy thuộc vào đặc điểm tâm lý lứa tuổi và cá nhân, trẻ đều có cái nhìn riêng từ đó soi chiếu, suy ngẫm, tìm và hiểu về thế giới xung quanh mình và rút ra một bài học kinh nghiệm từ thực tiễn. Đối với trẻ ở độ tuổi 5-6 nhận thức tích cực đạt ở mức cao nhất, bởi vì trẻ có tâm lý ổn định hơn khi tham gia giải quyết một vấn đề nào đó, trẻ nổ lực tập trung, huy động hết chức năng tâm lý để nhìn nhận và phán đoán sự việc xung quanh trẻ. Tuy nhiên những yếu tố sau cũng có thể ảnh hưởng đến phát triển nhận thức của trẻ:

- Thái độ của trẻ trước sự vật hiện tượng nhìn thấy, nghe, cảm nhận (có hấp dẫn, mới lạ, gây hứng thú...)

- Động cơ khi tham gia vào giải quyết vấn đề (để làm gì, cho ai, có được khen không?, thỏa mãn nhu cầu...)

- Mối quan tâm đến sự vật, hiện tượng như thế nào?

- Kinh nghiệm của trẻ chính là điều muốn nói lên sự khác biệt giữa những trẻ - Sức khỏe, thể chất ảnh hưởng khá lớn đến phát triển nhận thức.

1.3.4. Vai trò của việc xây dựng môi trường và tổ chức hoạt động khám phá khoa học đối với sự phát triển của trẻ 5 - 6 tuổi khoa học đối với sự phát triển của trẻ 5 - 6 tuổi

Xây dựng môi trường giáo dục trong trường mầm non là một nhiệm vụ hết sức quan trọng và có ý nghĩa đối với sự phát triển của trẻ ở lứa tuổi này. Môi trường tạo cơ hội cho trẻ tìm tòi, khám phá, phát hiện nhiều điều mới lạ, hấp dẫn trong cuộc sống, trẻ được tự lựa chọn hoạt động cá nhân hoặc theo nhóm một cách tích

cực, qua đó kiến thức và kỹ năng ở trẻ dần được hình thành. Môi trường đó phải đảm bảo an toàn về thể chất, tâm lý cho trẻ vừa có tác dụng giáo dục, có tính thẩm mỹ và phải được xây dựng trong suốt quá trình thực hiện chương trình chăm sóc giáo dục trẻ.

Đối với trẻ 5-6 tuổi do nhận thức phát triển, nhu cầu khám phá càng cao đòi hỏi môi trường được mở rộng nhiều chiều…

- Vai trò môi trường đối với nhận thức, kho tàng cung cấp kiến thức - Đối với sức khỏe, tinh thần và cả tâm linh

- Cung cấp kỹ năng sống (vốn sống) và sự trải nghiệm lý thú (kỳ diệu)…

* Đối với trẻ

Môi trường là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ. Yếu tố môi trường trong giáo dục không chỉ góp phần quyết định đến sự hình thành và phát triển nhân cách con người mà quan trọng hơn là yếu tố môi trường thực tế đã kích thích chủ thể hoạt động năng động và sáng tạo hơn.

Đối với trẻ mầm non, môi trường ảnh hưởng đến tất cả các mặt phát triển của trẻ. Một môi trường xã hội thân thiện cùng với một môi trường vật chất được thiết

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực trạng môi trường khám phá khoa học cho trẻ 5 6 tuổi tại một số trường mầm non vùng khó khăn tỉnh sóc trăng​ (Trang 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(158 trang)