Sau khi GV giới thiệu vấn đề, HS còn xung phong đặt vấn đề và trao đổi với GV về sự lan tỏa của chủ đề. Ngoài ra, HS còn phản biện bằng cách đưa ra những câu hỏi: “Nếu trời mưa, nước mưa có vào nhà không?”, “Chai nước nặng sẽ dễ rớt thì làm sao khắc phục?”, “Mái nhà cũ, mục thì làm sao giữ được chai nước?” … GV và HS trao đổi, giải đáp những thắc mắc của HS.
Sau đó GV giới thiệu ứng dụng, kiến thức Vật lí, nguyên lí hoạt động của sản phẩm “Chai nước Mặt trời”. Đa số các nhóm đều thắc mắc cơ chế hoạt động của sản phẩm “Ánh sáng có thể thắp sáng căn phòng như thế nào?”. Ngoài ra, GV còn yêu cầu HS suy nghĩ ý tưởng về mô hình sản phẩm. Sau khi HS trao đổi với GV về ý tưởng mô hình, GV đặt vấn đề mới: “Đề xuất cải tiến để ánh sáng Mặt trời có thể lan rộng ra khắp căn phòng”. Lúc này HS thảo luận và đưa ra phương án khác nhau như: xây dựng thêm cửa, gắn thêm nhiều chai nước, … GV nhận xét đề xuất của HS.
Kế tiếp, GV đặt vấn đề về hạn sử dụng của mỗi chai nước: nước đựng lâu ngày chuyển sang màu xanh lục do rong, rêu làm ảnh hưởng đến chất lượng ánh sáng thắp sáng căn phòng. Từ đó HS xung phong phát biểu đưa ra các giải pháp
cách sử dụng nước Javel: Việc thêm một ít nước Javel vào nước sẽ ngăn không cho nước chuyển sang màu xanh lục do rong, rêu; giữ cho nước trong suốt trong thời gian dài hơn (hạn sử dụng của chai nước có thể lên đến 5 năm). Sau khi thảo luận về các giải pháp cải tiến sản phẩm, GV tổ chức cho HS đọc tài liệu hướng dẫn, thảo luận nhóm thiết kế bản vẽ cấu tạo, trình bày nguyên lí hoạt động, lên danh sách vật liệu lên giấy, sau đó các nhóm HS sẽ thuyết trình. Trong quá trình gia công, HS đưa ra các lựa chọn về vật liệu chế tạo ngôi nhà và dung tích chai nước sử dụng cho mô hình chủ đề “Chai nước Mặt trời”.
Nếu sử dụng thùng mút làm ngôi nhà, quá trình gia công đơn giản nhưng khó khăn trong việc trang trí ngôi nhà, chi phí cao. Khi sử dụng thùng mút, HS có thể chọn chai nhựa 450 ml hoặc 330 ml.
Nếu sử dụng giấy carton làm ngôi nhà, quá trình gia công sẽ phức tạp hơn nhưng HS có thể thoải mái trang trí ngôi nhà. Nếu ngôi nhà làm từ giấy carton thì chọn chai nước 330 ml là lựa chọn thích hợp.
Sau thời gian hoạt động nhóm, GV tổ chức cho các nhóm thuyết trình bản vẽ. Hầu hết HS thuyết trình đúng nội dung nhưng chưa trôi chảy. Sau khi HS thuyết trình, các nhóm nhận xét và phản biện, sau đó GV nhận xét phần thuyết trình của mỗi nhóm và rút ra những nguyên liệu cần thiết.
Hình 3.17. Một số hình ảnh HS thuyết trình bản vẽ cấu tạo, trình bày nguyên lí hoạt động, lên danh sách vật liệu.
GV giao nhiệm vụ triển khai các hoạt động học tập ở buổi 2:
Chuẩn bị nguyên vật liệu
Tối ưu, hoàn thành bản vẽ của từng nhóm.
Cuối cùng, GV tổ chức cho từng nhóm HS phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cá nhân trong nhóm.
Buổi 2
GV yêu cầu HS báo cáo tình hình chuẩn bị vật liệu và tổ chức cho HS gia công ngôi nhà. Lúc này, nhóm trưởng phân công nhiệm vụ cho từng thành viên. Một số HS hoàn thành chai nước, một số HS gia công, trang trí mô hình ngôi nhà, HS còn lại hoàn thành phiếu học tập, bản vẽ. HS có thể tự thiết kế ngôi nhà và trang trí theo sở thích của nhóm. Sau khi hoàn thành ngôi nhà, HS tiến hành chuẩn bị chai nước và lắp chai nước vào mô hình ngôi nhà.
Trong quá trình gia công ngôi nhà, HS đã lật ngược mô hình căn nhà, dùng keo nến dán bên trong các mép giấy. Điều này giúp bên ngoài căn nhà sẽ không thấy những đường keo dán, tính thẩm mĩ của căn nhà được nâng cao.