Thị trường tiêu thụ sản phẩm là nhân tố có tính quyết định đến sự tồn tại và phát triển của ngành chăn nuôi. Trảng Bom là huyện có thế mạnh về phát triển ngành chăn nuôi theo định hướng sản xuất hàng hóa và có thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi rộng lớn. Ngoài thị trường tiêu thụ trong huyện, sản phẩm chăn nuôi của huyện còn được tiêu thụ rộng rãi với số lượng lớn ở các thị trường như tại tỉnh Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương nhưng chủ yếu cung cấp cho thị trường trong nước.
Sản phẩm thịt heo hơi xuất chuồng của các cơ sở chăn nuôi heo được tiêu thụ trong huyện khoảng 16.262 tấn/năm, chiếm 45,3% tổng sản lượng thịt heo hơi xuất chuồng của huyện sản xuất ra. Còn lại chủ yếu là tiêu thụ ở ngoài huyện được thể hiện trong bảng 2.1 và sản lượng thịt heo hơi xuất chuồng của huyện Trảng Bom xuất khẩu ra nước ngoài hầu như không đáng kể. Do đó, các cơ sở chăn nuôi heo còn có nhiều cơ hội mở rộng tiêu thụ sản phẩm ở thị trường các nước trên thế giới nhằm gia tăng giá trị sản phẩm sản xuất của các cơ sở chăn nuôi heo trong thời gian sắp tới.
Bảng 2.1. Sản lượng thịt heo hơi xuất chuồng của các cơ sở chăn nuôi heo ở huyện Trảng Bom được tiêu thụ tính bình quân 1 năm trong giai đoạn 2014 – 2017
Thị trường tiêu thụ Sản lượng thịt heo hơi xuất chuồng
(tấn) Tỷ lệ (%) Trong huyện 16.262 45,3 Ngoài huyện 19.638 54,7 Tổng 35.900 100
Nguồn: Tác giả xử lý số liệu từ NGTK huyện Trảng Bom 2015, 2016, 2017, 2018.
Sản phẩm thịt gà hơi giết, bán của các cơ sở chăn nuôi gà được tiêu thụ trong huyện khoảng 10.014 tấn/năm, chiếm 42,8% tổng sản lượng thịt gà hơi giết, bán của huyện sản xuất ra. Còn đối với số lượng trứng gà của các cơ sở chăn nuôi gà được tiêu thụ khoảng 14,749 triệu quả; chiếm khoảng 46,2% tổng số lượng trứng gà trên
địa bàn huyện làm ra. Còn lại chủ yếu là tiêu thụ ở ngoài huyện được thể hiện trong bảng 2.2 và sản lượng thịt gà hơi giết, bán; trứng gà của huyện Trảng Bom xuất khẩu ra nước ngoài hầu như không đáng kể. Do đó, các cơ sở chăn nuôi gà vẫn còn có nhiều cơ hội mở rộng tiêu thụ sản phẩm ở thị trường các nước trên thế giới nhằm gia tăng giá trị sản phẩm sản xuất của các trang trại chăn nuôi gà cũng như các cơ sở chăn nuôi khác.
Bảng 2.2. Sản lượng thịt gà hơi giết, bán và trứng gà của các cơ sở chăn nuôi gà ở huyện Trảng Bom được tiêu thụ tính bình quân 1 năm trong giai đoạn 2014 – 2017 Thị trường tiêu thụ Sản lượng thịt gà hơi giết, bán (tấn) Tỷ lệ (%) Số lượng trứng gà (triệu quả) Tỷ lệ (%) Trong huyện 10.014 42,8 14,749 46,2 Ngoài huyện 13.384 57,2 17,176 53,8 Tổng 23.398 100 31,925 100
Nguồn: Tác giả xử lý số liệu từ NGTK huyện Trảng Bom 2015, 2016, 2017, 2018.
Bên cạnh đó, cũng cần nhìn nhận những vấn đề đang tồn tại về thị trường tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi tại huyện Trảng Bom như sau
Huyện Trảng Bom phát triển mạnh ngành chăn nuôi theo định hướng sản xuất hàng hóa nhưng nhìn chung ngành chăn nuôi của tỉnh hiện đang thiếu thông tin về thị trường khi chưa có những nghiên cứu chi tiết, chính xác về nhu cầu thị trường của các cơ quan ban ngành. Đây cũng là một trong những nguyên nhân của tình trạng phát triển ồ ạt các trang trại chăn nuôi dẫn tới tình trạng thua lỗ trong thời gian qua. Hiện huyện cũng chưa có đơn vị nào đưa ra số liệu thống kê chính xác về giá cả thị trường, về số lượng, sản lượng cung cấp cho thị trường trong và ngoài huyện cũng như nhu cầu xuất khẩu về thịt heo hơi, thịt – trứng gà, các số liệu thống kê mang tính khái quát và thiếu chi tiết nên các nhà sản xuất, các trang trại chăn nuôi, hộ chăn nuôi, tổ hợp tác chăn nuôi tiếp tục phát triển quy mô đàn mà không xuất phát từ nhu cầu của thị trường.
Thị trường xuất khẩu thịt heo hơi xuất chuồng; thịt gà hơi giết, bán; trứng gà của huyện Trảng Bom hiện nay rất hạn hẹp, khả năng cạnh tranh thấp do chất lượng còn thấp và giá thành chăn nuôi cao, các yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm từ khâu nuôi đến chế biến chưa bảo đảm yêu cầu, nhất là thị trường yêu cầu cao về chất lượng. Do đó; khi Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới sẽ mở ra nhiều cơ hội và mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm chăn nuôi của huyện Trảng Bom như thịt heo hơi xuất chuồng; thịt gà hơi giết, bán; trứng gà qua các quốc gia trong khu vực ASEAN và các khu vực khác trên thế giới.
Sản phẩm tiêu thụ của các cơ sở chăn nuôi chủ yếu là sản phẩm thô và được bán trực tiếp là chủ yếu. Điều này chứng tỏ các cơ sở chăn nuôi vẫn còn rất bị động trong quá trình tiêu thụ sản phẩm, và trong nhiều trường hợp sản phẩm của các cơ sở này bị bên mua ép giá. Đối với thị trường tiêu thụ sản phẩm, hầu hết các sản phẩm được tiêu thụ trong huyện và các tỉnh lân cận, sản phẩm để dành cho xuất khẩu còn rất hạn chế.
Huyện Trảng Bom chưa xây dựng được chuỗi tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi nói chung và chuỗi tiêu thụ thịt heo hơi xuất chuồng; thịt gà hơi giết, bán; trứng gà nói riêng từ việc hình thành vùng nguyên liệu phục vụ chăn nuôi, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để cấp giấy chứng nhận cho cơ sở, giấy chứng nhận nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa. Bên cạnh đó là khó khăn trong việc thay đổi nhận thức của người tiêu dùng sử dụng những sản phẩm sạch, xử lý những sản phẩm không đủ, hàng hóa kém chất lượng trôi nổi trên thị trường.
Các thương lái, các nhà sản xuất vì những lợi ích trước mắt đã sử dụng chất kích thích, chất tạo nạc,…trước khi tiêu thụ đã làm ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng sản phẩm của ngành chăn nuôi huyện Trảng Bom và tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh với các đơn vị chăn nuôi ở các địa phương khác, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, ảnh hưởng đến việc xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi sang thị trường các nước khác.
Thị trường tiêu thụ sản phẩm còn nhiều biến động, nhất là đối với các hộ chăn nuôi của còn phụ thuộc nhiều vào khâu trung gian. Năng lực tiếp cận thị trường của các hộ còn hạn chế, nhất là chủ hộ chăn nuôi xuất thân từ nông dân với truyền thống
sản xuất nhỏ lẻ, trình độ văn hoá còn hạn chế, quen với sản xuất nhỏ, chưa am hiểu nhiều về khoa học kỹ thuật và quản lý sản xuất kinh doanh.
Qua những nội dung đã phân tích trên đây, thấy được rằng để mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm chăn nuôi thì huyện cần chú ý hơn nữa về chất lượng; điều quan trọng là phải tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm bền vững hơn. Để làm được những việc như thế, cần có sự liên kết theo chuỗi từ khâu chăn nuôi đến chế biến sản phẩm cũng như bảo quản sản phẩm mà không dùng đến chất hóa học ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Nếu những vấn đề này được giải quyết triệt để thì huyện sẽ có khả năng mở rộng thị trường tiêu thụ không chỉ trong và còn ngoài huyện cũng như có đủ điều kiện để xuất khẩu sang các nước khác.