Nhóm giải pháp chung

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển chăn nuôi theo định hướng sản xuất hàng hóa ở huyện trảng bom (tỉnh đồng nai) (Trang 110 - 112)

3.2.1.1. Đối với tỉnh Đồng Nai

Tỉnh Đồng Nai có nhiều thuận lợi để phát triển chăn nuôi theo định hướng sản xuất hàng hóa, một trong những cơ sở chăn nuôi mang lại đó là trang trại với những ứng dụng tiến bộ trong sản xuất như là công tác chọn giống, thức ăn chăn nuôi,… Do vậy, tỉnh cần có kế hoạch cũng như chính sách tạo điều kiện ngày càng thu hút nhiều nhà đầu tư vào các trang trại chăn nuôi nhiều hơn nữa nhằm đưa các sản phẩm chăn nuôi ngày càng đáp ứng nhu cầu của thị trường tiêu thụ.

Trang trại chăn nuôi là hình thức chăn nuôi mang hiệu quả cao nhằm phát triển chăn nuôi theo định hướng hàng hóa gắn liền với tự tập trung và tích tụ đất đai. Chính sách đất đai phù hợp là khâu cơ bản để tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững và có hiệu quả của các trang trại và cả ngành chăn nuôi. Trước hết, UBND tỉnh tiếp tục thực hiện công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các trang trại để họ có được đầy đủ quyền lợi về kinh tế, bảo đảm cho họ yên tâm đầu tư, huy động vốn và tháo gỡ các khó khăn khác, khuyến khích việc khai thác có hiệu quả các điều kiện về tự nhiên và điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh.

Triển khai nhanh chóng việc di dời các trang trại chăn nuôi vào vùng quy hoạch chăn nuôi tập trung ở các huyện có diện tích chăn nuôi lớn như huyện Thống Nhất, huyện Trảng Bom, huyện Vĩnh Cửu nhằm tạo vùng chăn nuôi tập trung và giảm ô nhiễm môi trường. Từ đó đầu tư xây dựng mới, mở rộng, nâng cấp các cơ sở chế biến công nghiệp để thu hút sản phẩm nguyên liệu từ các trang trại chăn nuôi. Trên thực tế tỉnh đã và đang thực hiện quy hoạch và di dời các đơn vị chăn nuôi tập trung vào các vùng quy hoạch nhưng việc quy hoạch này còn nhiều bất cập như vị trí quy hoạch xa khu dân cư gây khó khăn trong việc vận chuyển hàng hóa, thuê mướn lao động, xa vùng nguyên liệu, khó khăn khi tiêu thụ sản phẩm; UBND tỉnh và địa phương chưa có chính sách hỗ trợ các trang trại di dời đến các vùng chăn nuôi tập trung, chưa có

chích sách khuyến khích các trang trại di dời, cơ sở hạ tầng ở các vùng chăn nuôi tập trung chưa được hoàn thiện,… Do đó, cần phải có kế hoạch chi tiết, cụ thể và những chính sách hỗ trợ các trang trại chăn nuôi thực hiện việc di dời vào vùng quy hoạch chăn nuôi trong thời gian tới.

Tỉnh cần tập trung đầu tư nhiều hơn nữa cho khoa học và công nghệ, có biện pháp hữu hiệu khuyến khích huy động tối đa sự tham gia mọi thành phần, tầng lớp trong xã hội nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ phục vụ nông nghiệp - nông thôn. Tăng cường nhập khẩu công nghệ tiên tiến của nước ngoài, nhất là các loại giống, vật nuôi, máy móc, thiết bị có năng suất, chất lượng cao phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, từng trang trại về vốn, nhân lực và các yếu tố khác.

Nhằm đảm bảo, chủ động nguồn thuốc thú ý phục vụ cho quá trình sản xuất kinh doanh của các trang trại chăn nuôi cũng như ở các hộ gia đình chăn nuôi, một số đề xuất như sau tỉnh và ngành nông nghiệp cần đầu tư chiều sâu cho lĩnh vực thú y mang tính lâu dài cả về đội ngũ cán bộ có kỹ thuật cao với các phòng thí nghiệm trọng điểm đồng bộ kết hợp với các chương trình hợp tác quốc tế về các bệnh liên quan đến đàn gia súc, gia cầm. Nghiên cứu sản xuất được các loại vắc xin để chủ động trong phòng chống có hiệu quả cho các bệnh đã có và sẽ có trong tương lai trên địa bàn tỉnh. Cơ quan chức năng tăng cường giám sát thị trường thuốc thú y trên địa bàn tỉnh về chất lượng thuốc, giá bán thuốc để đảm bảo quyền lợi của các trang trại chăn nuôi và các hộ chăn nuôi.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm qua đó giúp cho trang trại chăn nuôi và các hộ chăn nuôi sản xuất phát triển bền vững và nâng cao giá trị sản phẩm. Chính quyền địa phương cần phải có chính sách quản lý chăn nuôi, hạn chế tối đa xảy ra dịch bệnh, có biện pháp phòng chống dịch bệnh. Phải nâng cao nhận thức cho người nông dân thông qua nhiều lớp học hơn nữa về kinh nghiệm bảo vệ an toàn trong chăn nuôi.

UBND tỉnh quy hoạch, xây dựng, cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng và trang thiết bị các chợ tiêu thụ thực phẩm tươi sống, đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm, trước hết là ở các đô thị và khu công nghiệp.

Tỉnh có chính sách kêu gọi, khuyến khích các doanh nghiệp có vốn FDI đầu tư trong lĩnh vực chăn nuôi hỗ trợ, giúp đỡ, chia sẻ giữa các trang trại chăn nuôi với nhau trên địa bàn tỉnh về kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi, công nghệ, thị trường tiêu thụ.

3.2.1.2. Đối với Hiệp hội chăn nuôi của Tỉnh

Hiệp hội chăn nuôi và các sở ban ngành của tỉnh định kỳ tổ chức các chương trình triễn lãm, các buổi hội chợ nhằm giới thiệu, quảng bá các sản phẩm chất lượng, tiên tiến điển hình, các thiết bị, công nghệ chăn nuôi tiên tiến hiện nay mà các công ty FDI đang áp dụng để các trang trại khác học tập kinh nghiệm. Tổ chức các buổi giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm giữa các trang trại chăn nuôi và các hộ gia đình chăn nuôi, trong đó khuyến khích các công ty có vốn FDI tham gia tích cực hoạt động này nhằm chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm chăn nuôi cho các trang trại chăn nuôi cũng như các hộ chăn nuôi khác.

Cần cung cấp thông tin đầy đủ về giá cả, thị trường, nguyên liệu đầu vào, thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước để các trang trại chăn nuôi và các hộ chăn nuôi chủ động sản xuất kinh doanh thông qua các buổi hội thảo, trao đổi kinh nghiệm.

Hiệp hội là cầu nối để các trang trại chăn nuôi, hộ chăn nuôi của tỉnh trao đổi thông tin, phản ảnh những thông tin, những yêu cầu của các trang trại, của hộ chăn nuôi về tình hình sản xuất tiêu thụ sản phẩm tới các cơ quan ban ngành có liên quan cũng như phổ biến, tuyên truyền những chủ trương, chính sách, văn bản luật liên quan đến ngành chăn nuôi. Kịp thời nắm bắt khó khăn, nguyện vọng của các trang trại, hộ chăn nuôi để có biện pháp đề xuất lên các cơ quan chức năng cấp trên để có những biện pháp khắc phục kịp thời.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển chăn nuôi theo định hướng sản xuất hàng hóa ở huyện trảng bom (tỉnh đồng nai) (Trang 110 - 112)