Chính sách phát triển chăn nuôi ở huyện Trảng Bom

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển chăn nuôi theo định hướng sản xuất hàng hóa ở huyện trảng bom (tỉnh đồng nai) (Trang 63 - 64)

Để ngành chăn nuôi của huyện Trảng Bom phát triển theo định hướng sản xuất hàng hóa đạt hiệu quả tốt nhất, thì cần ban hành các chính sách có vai trò định hướng khả năng phát triển một cách có trọng tâm theo từng giai đoạn cụ thể.

Về tổng thể chung, tỉnh Đồng Nai đã có quyết định số 4227/QĐ-UBND ngày 31/12/2014 về Phê duyệt quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong quyết định này vạch ra hướng phát triển cụ thể cho sản xuất nông nghiệp (trong đó có ngành chăn nuôi), cũng như đưa ra nhóm giải pháp thực hiện quy hoạch, xây dựng kế hoạch phát triển, tổ chức triển khai các dự án theo thứ tự ưu tiên đầu tư.

Quyết định số 3533/QĐ-UBND ngày 23/12/2010 về việc phê duyệt quy hoạch vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi, cơ sở giết mổ tập trung giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020 huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Quyết định tập trung về mục tiêu, phương hướng phát triển, quy hoạch các vùng khuyết khích phát triển chăn nuôi, hiệu quả kinh tế - xã hội - môi trường và đưa ra các nhóm giải pháp thực hiện. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Đồng Nai cũng ban hành quyết định số 2419/QĐ- UBND ngày 26/09/2011 về việc ban hành chương trình phát triển cây trồng, vật nuôi chủ lực và xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp giai đoạn 2011 – 2015. Quyết định tập trung vào việc quy hoạch phát triển các loại cây trồng, giống vật nuôi phù hợp với điều kiện của tình để từ đó tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm.

Nhà nước khuyến khích và hỗ trợ các trang trại mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, tạo nhiều việc làm cho lao động nông thôn, ưu tiên sử dụng lao động của hộ nông dân không đất, thiếu đất sản xuất nông nghiệp, hộ nghèo. Chủ trang trại được thuê lao động không hạn chế về số lượng, trả công lao động trên cơ sở thỏa thuận với người lao động theo quy định của pháp luật về lao động.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương có kế hoạch, quy hoạch xây dựng các công trình thủy lợi để tạo nguồn nước cho phát triển sản xuất. Chủ trang trại xây dựng các công trình thủy lợi, sử dụng nước mặt, nước ngầm trong phạm vi trang trại theo quy hoạch không phải nộp thuế tài nguyên nước.

Bộ Công thương; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ủy ban các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức tốt việc cung cấp thông tin thị trường, khuyến cáo khoa học kỹ thuật, giúp các trang trại định hướng sản xuất kinh doanh phù hợp với nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.

Tóm lại; thông qua các chính sách, các nghị định của Chính phủ, các rào cản đối với sự phát triển chăn nuôi theo định hướng sản xuất hàng hóa từng bước được tháo gỡ, trước hết là đối với các yếu tố đầu vào (đất đai, lao động, vốn,...) của sản xuất ngành chăn nuôi. Nhà nước đã thừa nhận vai trò của trang trại chăn nuôi và có các chính sách khuyến khích trang trại chăn nuôi phát triển. Cơ chế chính sách chung của Nhà nước tạo ra định hướng và môi trường cho sự tồn tại và phát triển của trang trại chăn nuôi. Đây là điều kiện xúc tác có thể làm cho trang trại chăn nuôi nói riêng và các cơ sở chăn nuôi khác ngày càng phát triển hơn nữa trong thời gian sắp tới.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển chăn nuôi theo định hướng sản xuất hàng hóa ở huyện trảng bom (tỉnh đồng nai) (Trang 63 - 64)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(131 trang)