Vốn đầu tư trong chăn nuôi ở huyện Trảng Bom

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển chăn nuôi theo định hướng sản xuất hàng hóa ở huyện trảng bom (tỉnh đồng nai) (Trang 55 - 57)

Để có thể phát triển chăn nuôi theo định hướng sản xuất hàng hóa thì rất cần nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực này. Nguồn vốn này rất có ý nghĩa trong việc đầu tư không chỉ cơ sở vật chất kĩ thuật cho các cơ sở chăn nuôi (nhất là các trang trại chăn nuôi theo kiểu sản xuất dây chuyền khép kín). Vốn đầu tư từ khâu chăn nuôi (giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi…) cho đến khâu chế biến sản phẩm chăn nuôi thành thực phẩm cho thị trường tiêu thụ (dây chuyền chế biến, công nghệ chế biến thực phẩm…). Để tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm chăn nuôi của huyện Trảng Bom thì nguồn này cần được huy động từ nhiều nguồn khác nhau (từ nguồn vốn trong nước cho đến nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài), tập trung vào cơ sở giết mổ tập trung cho đến cơ sở chế biến để tăng tính hiệu quả khi áp dụng những tiến bộ của khoa học công nghệ vào trong các khâu từ sản xuất đến tiêu dùng.

Ngành chăn nuôi của huyện Trảng Bom luôn được chú trọng đầu tư bằng các nguồn vốn khác nhau; nhưng trong đó đáng kể là nguồn vốn trong nước, còn nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thì huyện đã và đang có kế hoạch tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, nhưng từ năm 2014 đến năm 2018 chỉ tăng 2,07 tỷ đồng (do các trang trại chăn nuôi hình thành và phát triển mạnh từ năm 2014). Nguồn vốn trong nước giai đoạn 2008 – 2012 đã tăng 2,42 tỷ đồng, trong giai đoạn 2012 – 2016 thì nguồn vốn tiếp tục tăng thêm 6,32 tỷ đồng và giai đoạn 2016 – 2018 nguồn vốn tăng thêm 2,07 tỷ đồng. Vốn đầu tư vào các khâu trong chăn nuôi theo định hướng sản xuất hàng hóa, từ khâu chọn lọc con giống đến thiết bị phục vụ trong các dây chuyền sản xuất có sử dụng công nghệ hiện đại. Do vậy, vốn là một trong những yếu tố mang tính quyết định đến mức độ phát triển chăn nuôi theo định hướng sản xuất hàng hóa ở huyện Trảng Bom trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện nói chung.

Riêng đối với nguồn vốn phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh thì hầu hết các trang trại chăn nuôi đều có nhu cầu vay vốn để mở rộng quy mô đàn hoặc chuyển từ mô hình kiểu chuồng hở sang kiểu chuồng kín. Hầu hết các chủ trang trại đều có nhu cầu vay vốn ngân hàng nhưng dòng vốn được cho vay còn phụ thuộc vào tài sản thế chấp của chủ trang trại chăn nuôi. Theo kết quả khảo sát thực tế cho thấy các trang trại chăn nuôi chỉ vay được khoảng 50% trên tổng vốn đầu tư, lãi suất tiền vay có thấp hơn so với lãi suất ngân hàng niêm yết, có hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi nhưng thời gian vay ngắn, thường dao động từ 1 – 1,5 năm. Vì vậy, để có thể mở rộng quy mô chăn nuôi, tạo điều kiện cho người dân tham gia vào chăn nuôi hay chuyển đổi từ chăn nuôi chuồng hở sang chăn nuôi chuồng kín, người chăn nuôi cần có nguồn vốn lớn, đây cũng là nguyện vọng cần được hỗ trợ nhiều nhất của chủ trang trại chăn nuôi. Thời gian qua hệ thống ngân hàng thương mại đã tạo điều kiện cho người chăn nuôi vay vốn nhưng theo phân tích tỷ lệ vốn vay sử dụng tại các trang trại chăn nuôi hiện nay còn thấp và lãi suất cho vay còn cao, thời gian cho vay còn ngắn, nghĩa là trong thời gian tới các chủ trang trại chăn nuôi cần sự hỗ trợ của các ngành chức năng và ngân hàng trung ương, ngân hàng thương mại.

Còn đối với hộ chăn nuôi thì nhu cầu về vốn để phát triển về quy mô đàn, chuồng nuôi, thức ăn chăn nuôi,…là vấn đề cần được quan tâm cũng như có kế hoạch hỗ trợ cho những hộ chăn nuôi này. Khả năng vay vốn của các hộ chăn nuôi thường không có tài sản thế chấp để vay một khoản vốn lớn, cũng như việc vay vốn với lãi suất khá cao và thời gian cho vay thì ngắn nên cũng phần nào gây ra những khó khăn nhất định đối với người chăn nuôi.

Vốn đầu tư để phát triển chăn nuôi theo định hướng sản xuất hàng hóa cần được huy động từ nhiều nguồn khác nhau, cũng như có kế hoạch nhằm khuyến khích cho các cơ sở chăn nuôi ở huyện Trảng Bom vay vốn. Bên cạnh đó, người chăn nuôi cần lên kế hoạch sản xuất chi tiết nhằm sử dụng nguồn vốn huy động được một cách có hiệu quả tốt nhất. Vốn huy động được không chỉ đầu tư cho khâu chăn nuôi mà quan trọng đó là khả năng áp dụng sản xuất dây chuyền chế biến với công nghệ tiên tiến để được thị trường tiêu thụ ngày càng nhiều.

Cùng với đó, huyện Trảng Bom cũng cần thể hiện những điều kiện thuận lợi nhất để phát triển chăn nuôi theo định hướng sản xuất hàng hóa nhằm thu hút sự đầu tư ngày càng nhiều từ nguồn vốn trực tiếp nước ngoài. Nguồn vốn này có vai trò lớn trong việc phát triển từ khâu chăn nuôi đến chế biến và khả năng được thị trường tiêu thụ đón nhận là rất cao. Từ đó, nâng cao giá trị sản xuất không chỉ cũng ngành chăn nuôi mà cho cả ngành công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm ở huyện Trảng Bom qua từng năm và tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của huyện nói chung.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển chăn nuôi theo định hướng sản xuất hàng hóa ở huyện trảng bom (tỉnh đồng nai) (Trang 55 - 57)