1.1.4.1. Hậu quả của nợ xấu đối với ngân hàng
- Giảm khả năng sinh lời của vốn: Nợ xấu phát sinh làm cho nguồn vốn của các NHTM bị thất thoát do không thu hồi được đầy đủ hoặc không thu hồi được toàn bộ nợ gốc/lãi. Trong khi đó, các NHTM vẫn phải chi trả tiền lãi cho nguồn vốn huy động, chi phí cho nguồn vốn tăng cao dẫn đến sử dụng vốn kém hiệu quả, lợi nhuận bị giảm sút. Nếu lợi nhuận không bù đắp đủ thì ngân hàng còn phải dùng chính vốn tự có của mình để bù đắp thiệt hại.
- Giảm khả năng thanh toán của NHTM: nợ xấu phát sinh làm thay đổi kế hoạch thanh toán các khoản tiền đến hạn của ngân hàng. Nếu tình trạng này kéo dài, nguy cơ rút tiền ồ ạt từ các khách hàng gửi tiền là hoàn toàn có thể xảy ra, khả năng thanh khoản của ngân hàng bị đe dọa và nguy cơ phá sản ngân hàng là hiện hữu. - Giảm uy tín của NHTM: nợ xấu diễn ra liên tục, thường xuyên và không
được xử lý dứt điểm, triệt để thể hiện năng lực quản trị chưa tốt và chất lượng hoạt động cho vay của NHTM kém, khiến các NHTM bị mất uy tín trong hoạt động kinh doanh của mình, đặc biệt là hoạt động hợp tác đầu tư với các đối tác, các nhà đầu tư,
các tổ chức tài chính nước ngoài hoặc bị đánh tụt hạng xếp loại tín nhiệm từ các bảng xếp hạng.
- Ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển kinh doanh của NHTM: Nợ xấu có ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch mở rộng mạng lưới kinh doanh của NHTM. Cụ thể,
điều kiện thành lập chi nhánh trong nước của NHTM có quy định về tỉ lệ nợ xấu như sau “Tỷ lệ nợ xấu so với tổng dư nợ tại thời điểm 31 tháng 12 của năm trước liền kề năm đề nghị không vượt quá 3% hoặc một tỷ lệ khác theo quyết định của Thống đốc Ngân hàng nhà nước trong từng thời kỳ”.
1.1.4.2. Hậu quả của nợ xấu đối với khách hàng
- Khách hàng không có khả năng hoàn trả gốc (lãi) cho ngân hàng sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng trong tương lai do đã mất đi uy tín bởi lịch sử nợ xấu được ghi nhận trên hệ thống CIC trong vòng 5 năm. Bên cạnh đó, chi phí lãi tăng cao (lãi phạt) có thể gây khó khăn hoặc thay đổi hoàn toàn phương án kinh doanh của chủ thể vay vốn, kéo theo thiệt hại của phương án hoặc hoạt động kinh doanh khác.
- Nợ xấu cũng làm cho cơ hội tiếp cận vốn ngân hàng của các chủ thể đi vay khác trong nền kinh tế bị hạn chế hơn khi buộc các NHTM phải thắt chặt hoạt động cho vay do thiếu hụt nguồn cho vay hay thậm chí phải thu hẹp quy mô hoạt động. - Các khách hàng gửi tiền tại NHTM có nguy cơ không thu hồi được khoản
tiền gửi và lãi của mình nếu như NHTM lâm vào tình trạng phá sản do nợ xấu kéo dài và mất khả năng thanh khoản.
1.1.4.3. Hậu quả của nợ xấu đối với nền kinh tế
- Hệ thống NHTM có mối quan hệ chặt chẽ với nền kinh tế, là một trong các kênh chính huy động nguồn vốn nhàn rỗi và cung cấp cho các chủ thể trong nền kinh tế. Do đó, nợ xấu phát sinh sẽ làm chậm quá trình tuần hoàn và luân chuyển vốn, từ đó làm giảm vòng quay vốn và giảm hiệu quả sử dụng vốn. Nợ xấu cũng khiến cơ hội tiếp cận, sử dụng vốn nhằm phục vụ cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh hoặc cho mục đích tiêu dùng của các chủ thể bị hạn chế, tác động tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Nếu có một hoặc một số NHTM rơi vào tình trạng khó khăn hoặc phá sản do nợ xấu thì hiệu ứng đổ vỡ dây chuyền rất dễ xảy ra trong toàn bộ hệ thống ngân hàng cũng như hệ thống tài chính, nguy cơ gây nên khủng hoảng đối với toàn bộ nền kinh tế cũng như sự ổn định và phát triển của đất nước.
- Chi phí để xử lý nợ xấu gây tổn thất cho xã hội. Các chi phí xử lý nợ xấu rất lớn gồm chi phí trả lãi phát sinh thêm do kế hoạch sử dụng vốn của NHTM bị thay đổi, chi phí quản lý- xử lý nợ xấu.. ..Các chi phí này làm giảm lợi nhuận của ngân hàng, từ đó giảm thu ngân sách nhà nước về thuế.Đồng thời nợ xấu làm các NHTM phải duy trì mức lãi suất cao hơn vì việc trích lập dự phòng rủi ro, kéo theo chi phí vốn của doanh nghiệp vay vốn tăng lên theo làm cho lợi nhuận của doanh nghiệp giảm đi, và thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp cũng thấp hơn, ảnh hưởng đến kế hoạch thu- chi tiêu công và hàng loạt các chương trình an sinh xã hội khác.