Trong thị trường tài chính tiền tệ Việt Nam, cũng giống như các NHTM khác, khả năng cạnh tranh của hệ thống BIDV nói chung và của Chi
nhánh Thăng Long nói riêng được đánh giá qua phân tích SWOT với những điểm nổi bật sau:
Điểm mạnh
Điểm mạnh đầu tiên là BIDV luôn tự hào là ngân hàng có thương hiệu mạnh, có nhiều uy tín và bề dày lịch sử cũng như kinh nghiệm dồi dào trong phong cách lẫn khả năng phục vụ đối tượng khách hàng là những doanh nghiệp lớn trong suốt thời gian qua, điều này sẽ tạo ảnh hưởng rất tốt cho việc phát triển hoạt động tín dụng bán lẻ.
Ngoài ra, BIDV còn là một trong những ngân hàng có mạng lưới hoạt động rộng lớn nhất hệ thống NHTM Việt Nam với hơn 1000 chi nhánh và phòng giao dịch phủ khắp trên toàn quốc và ngày càng được mở rộng hơn nữa, đây chính là nền tảng phát triển kênh phân phối chủ yếu trong hoạt động ngân hàng bán lẻ nói chung và tín dụng bán lẻ nói riêng. Đây cũng chính là những thế mạnh trong thế cạnh tranh của các NHTM quốc doanh nói chung và của hệ thống BIDV nói riêng.
Kế đến, một thế mạnh nữa của BIDV đó là xây dựng và duy trì được một tiềm lực tài chính mạnh với tổng nguồn vốn đạt hơn 1.053.841 tỷ đồng cùng lợi thế về qui mô thị phần trong mọi hoạt động gồm cả huy động vốn, tín dụng và các dịch vụ ngân hàng, từ đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn để đẩy mạnh hơn nữa hoạt động tín dụng bán lẻ của BIDV.
Bên cạnh đó, nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động cũng là một thế mạnh đã được BIDV chú trọng toàn lực đầu tư nhằm hỗ trợ cho công tác nghiệp vụ, khai thác và bảo mật thông tin, đồng thời đảm bảo cho các giao dịch luôn chính xác, an toàn, nhanh chóng và đảm bảo an toàn cho tất cả các hoạt động của Ngân hàng.
Ngoài ra, một thế mạnh lớn của
BIDV không thể không nhắc đến đó là đội ngũ cán bộ nhân viên nòng cốt có thâm niên, giàu kinh nghiệm cùng đội ngũ cán bộ nhân viên trẻ, năng động và tràn đầy nhiệt huyết. Đây là lực lượng chủ đạo đã tạo nên sự phát triển từ trước đến nay của BIDV.
Điểm yếu
Bên cạnh những thế mạnh thì trong hoạt động của BIDV vẫn còn tồn tại những điểm yếu cần được khắc phục. Mặc dù BIDV là một trong những ngân hàng lớn và uy tín trong hệ thống NHTM của Việt Nam nhưng trên thực tế vị thế của BIDV trong lĩnh vực hoạt động kinh doanh bán lẻ còn khá khiêm tốn với hình ảnh và thương hiệu chưa thực sự chiếm ưu thế trên thị trường.
Nguyên nhân chính của điểm yếu này là do từ trước đến nay, BIDV chủ yếu phát triển theo mô hình ngân hàng bán buôn với đối tượng khách hàng chiếm đa số là các doanh nghiệp lớn, các tổng công ty... Tuy nhiên, nếu xét trên xu hướng phát triển hiện nay, đặc biệt là sự xâm nhập của các Ngân hàng nước ngoài vào Việt Nam thì với định hướng phát triển như cũ sẽ khiến BIDV không cạnh tranh được với các đối thủ, mất dần thị phần từ đó đòi hỏi BIDV tất yếu phải đẩy mạnh phát triển toàn diện với mô hình hoạt động đa năng, đặc biệt là trong lĩnh vực hoạt động ngân hàng bán lẻ bên cạnh những hoạt động hiện tại mà điển hình là cải thiện năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực tín dụng bán lẻ trên thị trường.
Mặt khác, tuy nhận thức được việc phát triển hoạt động tín dụng bán lẻ phải được thực hiện ở mọi cấp, đặc biệt là tại các chi nhánh trực thuộc do đây chính là hệ thống kênh phân phối chính của tín dụng bán lẻ, tuy nhiên trên thực tế việc triển khai này lại chưa được thực hiện một cách đầy đủ. Và đội ngũ cán bộ nhân viên làm công tác tín dụng bán lẻ chưa được đào tạo theo chuẩn mực tín dụng bán lẻ, dẫn đến phần nào lúng túng và chưa nhạy với
những biến động của thị trường nhất là trong hoạt động marketing, quảng bá thương hiệu và sản phẩm tín dụng bán lẻ đến với công chúng. Về cơ chế tổ chức cũng chưa thực sự phù hợp với nhu cầu phát triển và đổi mới của một NHTM trong cơ chế thị trường.
Việc phân quyền, phân cấp trách nhiệm của từng cấp lãnh đạo, của từng bộ phận chuyên môn còn nhiều bất cập. Từ đó dẫn đến năng lực quản trị rủi ro trong tín dụng bán lẻ chưa cao, rủi ro về đạo đức và tác nghiệp có nguy cơ tăng cao.
Ngoài ra, hiệu quả của hoạt động tín dụng bán lẻ vẫn chưa được đánh giá đầy đủ và đúng mực, dẫn đến chưa nhận thấy hết những vai trò của tín dụng bán lẻ trong hoạt động ngân hàng. Bên cạnh đó, các qui định và qui trình sản phẩm tín dụng bán lẻ chỉ đang trong giai đoạn mới triển khai và dần chỉnh sửa, hoàn thiện.
Chưa xây dựng được hệ thống quản lý, đánh giá cho từng loại hình sản phẩm tín dụng bán lẻ để xây dựng chính sách kinh doanh và lộ trình phát triển của từng sản phẩm. Đồng thời, một số sản phẩm của tín dụng bán lẻ chỉ đang trong quá trình thiết kết hoặc đang mày mò triển khai, liên kết với các sản phẩm - dịch vụ bán lẻ khác theo gói nhằm tăng doanh số bán nên hiệu quả chưa cao.
Về việc chuyển dịch cơ cấu khách hàng trong hoạt động tín dụng vẫn còn diễn ra rất chậm. Hiện nay, hoạt động tín dụng của hệ thống BIDV tập trung chủ yếu vào các dự án đầu tư trung và dài hạn và cho vay các doanh nghiệp Nhà nước và mới đây vừa phát triển thêm đối tượng khách hàng là các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, các doanh nghiệp vửa và nhỏ, nhưng đối tượng khách hàng là cá nhân, hộ gia đình lại chưa được chú trọng một cách đúng mực.
Nền tảng công nghệ thông tin hiện nay của BIDV hiện đã được đầu tư phát triển với công nghệ hiện đại, có thể sánh ngang thậm chí vượt hơn mặt bằng công nghệ chung của hệ thống NHTM Việt Nam. Tuy nhiên do công tác triển khai chậm, chưa tận dụng hết những tiện ích sẵn có nên ít nhiều đã khiến BIDV không cạnh tranh kịp với các NHTM khác. Cụ thể như việc triển khai dịch vụ ngân hàng hiện đại như Home Banking, Internet Banking, SMS Banking... được triển khai chậm hơn các NHTM khác nên đã chậm chân trong việc tìm kiếm và thu hút khách hàng.
Cơ hội
Trong xu thế hội nhập kinh tế toàn cầu, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền tài chính - tiền tệ của thế giới, hệ thống BIDV nói riêng và các NHTM Việt Nam nói chung có rất nhiều cơ hội để tiếp cận và đón nhận những thành tựu về công nghệ cũng như kinh nghiệm thực tế nhằm tự hoàn thiện bản thân hoạt động của ngân hàng mình đồng thời tạo điều kiện phát triển mạnh mẻ trong xu thế hội nhập chung
Đối với thị trường tài chính Việt Nam hiện nay thì mảng thị trường tín dụng bán lẻ cón khá mới mẻ, chỉ mới du nhập vào Việt Nam trong thời gian gần đây và đang trong giai đoạn tăng trưởng , tuy đã có một số Ngân hàng khai thác lĩnh vực này tuy nhiên khả năng mở rộng cũng như tiềm năng phát triển của tín dụng bán lẻ còn rất dồi dào.
Mặt khác, trong những năm qua, kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển, GDP bình quân đầu người tăng trưởng liên tục và còn khả năng tăng trưởng cao trong những năm tới nên hoàn toàn có thể kỳ vọng vào số lượng khách hàng bán lẻ cũng sẽ tăng mạnh, đây là cơ sở trọng yếu để phát triển hoạt động ngân hàng bán lẻ nói chung là tín dụng bán lẻ nói riêng.
Ngoài ra, với những chính sách can thiệp thị trường của Chính phủ về kích cầu đầu tư và tiêu dùng để chống tình trạng suy thoái nền kinh tế, hỗ trợ
lãi suất cho vay và nhiều những chính sách khác vẫn đang tiếp tục được triển khai là cơ hội để các thành phần kinh tế tiếp cận được nguồn vốn rất lớn của các ngân hàng để khôi phục và cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như đẩy mạnh tiêu dùng của xã hội, từ đó hoạt động tín dụng bán lẻ cũng có nhiều điều kiện để mở rộng và phát triển.
Ngoài ra, với quá trình hội nhập, BIDV còn có nhiều cơ hội để khai thác và sử dụng một cách hiệu quả những lợi thế về hoạt động của một ngân hàng hiện đại, đa chức năng cũng như công nghệ, kinh nghiệm quản lý trong lĩnh vực hoạt động bán lẻ từ các nước phát triển. Đội ngũ cán bộ nhân viên của BIDV có cơ hội để học tập, nghiên cứu những kinh nghiệm, kiến thức cũng như những chiến lược kinh doanh của các Ngân hàng lớn trên thế giới.
Thách thức
Bên cạnh những cơ hội, cũng như các NHTM Việt Nam khác BIDV cũng đã và đang phải đối mặt với những thách thức để có thể tồn tại và phát triển, cạnh tranh với các đối thủ mà đặc biệt là sự cạnh tranh lớn với các Ngân hàng nước ngoài có tiềm lực rất mạnh về nguồn lực hoạt động, kinh nghiệm, thị phần... đang xâm nhập vào thị trường Việt Nam.
Một phần khác là do điểm xuất phát của hệ thống BIDV trong hoạt động bán lẻ là tương đối thấp nên chưa xây dựng được uy tín đối với khách hàng, dẫn đến việc BIDV khó có thể cạnh tranh với các ngân hàng nước ngoài nổi tiếng trong kinh doanh lĩnh vực bán lẻ trên thế giới như Citibank, HSBC, Shinhan. Điều này cũng là do tình hình chung của Việt Nam đã tồn tại quá lâu trong cơ chế quản lý cũ, bao cấp của Nhà nước làm cho hoạt động dịch vụ ngân hàng trong nước phát triển chậm, khả năng tài chính của ngân hàng lại có hạn và phụ thuộc vào chính sách của Nhà nước, dẫn đến chưa thực sự năng động trong khi các ngân hàng nước ngoài đã có nền tảng vững chắc và lâu đời nên hoạt động rất linh hoạt.
Ngoài ra, nền kinh tế Việt Nam còn chưa thoát khỏi những khó khăn do hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế diễn ra trên phạm vi toàn cầu. Dan đến tăng trưởng kinh tế tuy có nhưng có phần chậm lại trong một vài năm tới. Thị trường Việt Nam dự báo có thể còn nhiều biến động khiến các cá nhân và hộ gia đình sẽ gặp nhiều khó khăn nên sẽ dè dặt trong tiêu dùng và đầu tư sản xuất kinh doanh trong thời gian tới, tạo hạn chế cho khả năng phát triển hoạt động tín dụng bán lẻ của các Ngân hàng.