Trong xu thế hội nhập quốc tế về ngân hàng, đòi hỏi ngành ngân hàng phải chủ động hơn nữa trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về
hoạt động ngân hàng phù hợp thông lệ quốc tế, hoàn thiện môi trường pháp lý cho hoạt động TTQT.
a. NHNN cần ban hành thêm một số văn bản pháp lý và các văn bản hướng dẫn cụ thể hơn trong lĩnh vực TTQT như: Ban hành thông tư hướng dẫn Nghị định Nghị định 70/2014/NĐ-CP ngày 17/7/2014 về quy định chi tiết thi hành pháp lệnh ngoại hối; Sửa đổi thông tư 07/2012/TT-NHNN ngày 20/3/2012 để đảm bảo tính rõ ràng, nhất quán trong quá trình thực hiện cam kết mua bán ngoại tệ của các TCTD; Văn bản pháp lý nhằm hướng dẫn thực hiện nghiệp vụ L/C trong toàn hệ thống; soạn thảo và ban hành luật hối phiếu, séc, hoàn thiện các luật cơ bản như luật hợp đồng, các luật liên quan đến quyền sở hữu, luật thuế...
b. Tăng cường quản lý ngoại hối: NHNN vừa hoạt động với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về tài chính, tiền tệ, tín dụng vừa thực hiện chức năng của Ngân hàng trung ương, trong đó quản lý ngoại hối là một hoạt động quan trọng. Mặc dù pháp lệnh ngoại hối mới sửa đổi theo Nghị định 70/2014/NĐ-CP ngày 17/7/2014 đã tháo gỡ được nhiều vấn đề khó khăn trong quá trình triển khai quy định trước đó, song vẫn còn một số cản trở cho công tác chuyển tiền bởi còn nhiều quy định quá cụ thể, khó áp dụng vào thực tế. Vì vậy, để thực thi có hiệu quả quy chế hiện hành về quản lý ngoại hối, NHNN cần tăng cường những văn bản quy định trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát chứng từ đối với việc chuyển tiền ra nước ngoài, những thông tư hướng dẫn cụ thể nhằm tạo điều kiện cho các khách hàng hiểu được.
c. Hoàn thiện và phát triển thị trường ngoại tệ liên ngân hàng: Thị trường ngoại tệ liên ngân hàng là thị trường trao đổi, cung cấp ngoại tệ nhằm giải quyết các nhu cầu về ngoại tệ giữa các ngân hàng với nhau. NHNN tham gia với tư cách là người mua - bán cuối cùng và chỉ can thiệp khi cần thiết. Thị trường ngoại tệ liên ngân hàng phát triển giúp cho ngân hàng có thể mở rộng hoạt động kinh doanh ngoại tệ, tạo điều kiện cho hoạt động thanh toán quốc tế phát triển. Để mở rộng và phát triển thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, Ngân hàng
Nhà nước phải mở rộng đối tượng tham gia vào hoạt động của thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, đa dạng hóa các loại ngoại tệ, các hình thức giao dịch trên thị trường và phải giám sát thường xuyên hoạt động của thị trường, quản lý quá trình mua bán của các ngân hàng trên thị trường.
d. NHNN cần sớm ban hành quy chế riêng về chiết khấu và tái chiết khấu hối phiếu kèm chứng từ thanh toán: Các hình thức này có đặc thù của giao dịch TTQT liên quan tới các thông lệ quốc tế nên cần phải ban hành để phân định rõ nghĩa vụ và quyền lợi của ngân hàng chiết khấu và người hưởng lợi, làm cơ sở pháp lý cho hoạt động tài trợ thương mại của các NHTM và tăng sức cạnh tranh với các NHNNg. Sớm ban hành chế độ chiết khấu chứng từ hàng xuất khẩu, đặc biệt là hàng trả chậm. Các văn bản hướng dẫn thực hiện đồng tài trợ giữa các ngân hàng trong nước và ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh để bổ sung quy chế đồng tài trợ ban hành kèm theo quyết định số 286/QĐ/NHNN ngày 3/4/2002.
e. NHNN cần có chính sách tỷ giá linh hoạt và đảm bảo ổn định tỷ giá để giúp doanh nghiệp XNK tránh khỏi tình trạng rủi ro tỷ giá, đồng thời đảm bảo an toàn cho các ngân hàng khi thực hiện các nghiệp vụ TTQT và các nghiệp vụ liên quan đến TTQT và tài trợ ngoại thương.
f. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các NHTM:
NHNN cần tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát của mình đối với các hoạt động của NHTM, đặc biệt là trong lĩnh vực TTQT. Qua đó để có thể phát hiện kịp thời những sai sót, từ đó đưa ra biện pháp giải quyết kịp thời góp phần đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng.