Cùng với xu hướng phát triển chung của toàn thế giới thì các NHTM Việt Nam cũng đang từng bước phát triển sản phẩm dịch vụ hiện đại. Đã có những bài học kinh nghiệm của các nước đi trước thì nước ta nếu biết vận dụng tốt có khả năng rút ngắn được quãng đường, có thể phát triển dịch vụ ngân hàng đến một thành tựu mới trong thời gian nhanh chóng.
Đầu tiên là phải xây dựng chiến lược mở cửa và phát triển dịch vụ một cách rõ ràng, tuần tự và nhất quán trong thực hiện. Đồng thời với phát triển dịch vụ còn phải phát triển thêm hệ thống cơ sở hạ tầng khác như công nghệ thông tin, trình độ nhân sự, hành lang pháp lý... để tạo điều kiện cho dịch vụ ngân hàng có điều kiện phát triển nhanh chóng và ổn định, vững chắc cả về số lượng cũng như chất lượng, được ứng dụng rộng rãi và đem lại hiệu quả cao.
Bài học thứ hai là cần phải giảm đến mức tối đa sự can thiệp của nhà nước đối với các chủ thể cung cấp dịch vụ tài chính. Cần phải tách các khoản vay mang tính hành chính, mệnh lệnh đối với các NHTM nhà nước, đẩy mạnh tiến trình và tạo cơ chế thông thoáng đối với việc xử lý nợ khó đòi, nợ xấu của các NHTM nhà nước để các ngân hàng này có khả năng tăng sức cạnh tranh, tận dụng được các lợi thế của mình, trở thành doanh nghiệp kinh doanh tiền tệ thực sự trên thị trường. Đồng thời tạo được sân chơi công bằng cho tất cả các NHTM, giảm thiểu sự bất lợi của các NHTM không phải của nhà nước.
Bài học thứ ba là các NHTM Việt Nam cần phải phân loại khách hàng, tiếp xúc, tìm hiểu để có thể nắm bắt được các nhu cầu của khách hàng một cách đầy đủ nhất, từ đó xây dựng được chiến lược phát triển dịch vụ tập trung, định hướng rõ ràng, cụ thể, phù hợp với ngân hàng mình, tận dụng tối đa được các lợi thế cạnh tranh của mình để phát triển.
Bài học thứ tư là các ngân hàng cần phải đưa ra các chiến lược kinh doanh cả ngắn hạn và dài hạn. Tùy thuộc vào khả năng đáp ứng của hệ thống công nghệ thông tin, khả năng tiếp cận và phục vụ thị trường, các ngân hàng cần đưa ra chiến lược phát triển ứng dụng sản phẩm mới ngay trong chiến lược ngắn hạn của mình.
Đồng thời, các NHTM trong nước cần chú ý phát triển cả dịch vụ ngân hàng truyền thống và dịch vụ ngân hàng hiện đại để hoạt động kinh doanh luôn đem lại hiệu quả thu nhập tốt, tận dụng được hết khả năng và lợi thế của mình chứ không nên chỉ tập trung chạy theo các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại.
Hệ thống ngân hàng ở nước ta đang thực hiện việc tái cấu trúc ngân hàng, nhằm đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng và của người gửi tiền, đồng thời tạo ra một hệ thống ngân hàng hoạt động lành mạnh, hiệu quả, ngày càng phù hợp hơn với các chuẩn mục, thông lệ quốc tế và có khả
năng cạnh tranh tốt. Qua quá trình này, hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ có nhiều thay đổi theo hướng tích cực, kết hợp với những bài học kinh nghiệm của các nước đi trước thì mục tiêu trở thành ngân hàng hiện đại với dịch vụ phát triển của các ngân hàng nước ta chắc chắn sẽ dần theo kịp các nước trong khu vực và có đủ khả năng cạnh tranh với các ngân hàng nước ngoài.
Kết luận chương 1: Chương 1 đã hệ thống hóa các cơ sở lý luận chung về hoạt động và thu nhập của ngân hàng thương mại nói chung và hoạt động cũng như thu nhập từ hoạt động dịch vụ nói riêng. Qua đó cho thấy sự phát triển dịch vụ ngân hàng là một xu hướng tất yếu khách quan, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của hệ thống ngân hàng cũng như của nền kinh tế. Việt Nam đang trong quá trình hội nhập kinh tế, đối mặt với những cơ hội và thách thức đòi hỏi các NHTM Việt Nam cần đánh giá đúng khả năng của mình, dựa trên kinh nghiệm của các nước đi trước, kết hợp vào thực tiễn nước ta để có được định hướng phát triển đúng đắn nhất, an toàn và hiệu quả. Để làm được điều này cần thiết phải có quá trình phân tích và đánh giá thực trạng phát triển dịch vụ ngân hàng, tôi xin trình bày nghiên cứu của mình với thực trạng là Chi nhánh Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Sao Đỏ.
CHƯƠNG 2