Vĩnh Long là tỉnh nằm ở trung tâm châu thổ Đồng bằng sông Cửu Long, giữa sông Tiền và sông Hậu; có điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý và khí hậu nên tiềm năng phát triển kinh tế rất lớn. Trong nhiều năm qua, cơ sở hạ tầng đã được đầu tư xây mới hoặc nâng cấp với nhiều công trình hữu ích, góp phần không nhỏ trong việc thay đổi diện mạo cảnh quan và nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của cư dân tỉnh nhà. Trên con đường phát triển, để sớm trở thành một tỉnh khá, giàu, thế mạnh đặc trưng của Vĩnh Long sẽ được khai thác một cách có hiệu quả, đó là:
- Có vị trí địa lý thuận lợi, nằm ở khu vực trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long. Hệ thống giao thông đối ngoại khá thuận lợi, kể cả đường bộ, đường thủy và
đường hàng không (có quốc lộ 1A, 80; 2 sông lớn là sông Tiền và sông Hậu được nối liền bởi sông Mang Thít; gần cảng và sân bay Cần Thơ...), gần thành phố Cần Thơ - Trung tâm phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
- Đất có chất lượng cao, độ phì khá lớn, nguồn nước ngọt quanh năm, hệ thống sông rạch dày, thuận tiện cho việc canh tác nông nghiệp, đặc biệt là trồng trọt. Vĩnh Long hiện là vùng trọng điểm sản xuất lương thực thực phẩm lớn nhất cả nước, đặc biệt nằm trong vùng tứ giác phát triển cây ăn trái lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long, có tiềm năng phát triển cây lúa, màu, cây ăn quả lớn, phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu
- Vĩnh Long có tiền năng lớn về phát triển du lịch (du lịch sinh thái, du lịch lịch sử văn hóa, hội nghị, hội thảo, thương mại...)
- Lao động dồi dào và có trình độ, đặc biệt lao động nông nghiệp có nhiều kinh nghiệm, khả năng nâng cao tỷ lệ qua đào tạo lớn. Có truyền thống và tiềm năng về đào tạo với hệ thống các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề lớn, cơ sở vật chất và kỹ thuật tốt. Nhân dân Vĩnh Long có truyền thống cách mạng, luôn luôn đi đầu trong đấu tranh chống ngoại xâm trước kia và trong phát triển kinh tế.
Dân số tỉnh Vĩnh Long trên 1 triệu người, trong đó dân số nông thôn chiếm trên 80% nhưng bình quân đất canh tác thấp. Đây là nguồn lao động cho hoạt động sơ chế, gia công trong thời điểm nông nhàn và các công đoạn không đòi hỏi tay nghề cao, lao động theo kiểu ly nông mà không ly hương.
Dân số trong độ tuổi lao động chiếm khoảng 70% dân số toàn tỉnh. Tỷ lệ này khá cao so với bình quân chung của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Đây vừa là tiềm năng, song cũng là sức ép lớn về tạo việc làm và giải quyết các vấn đề xã hội khác trên địa bàn.
Mạng lưới đào tạo được mở rộng, đến nay toàn tỉnh đã có 03 trường đại học, 03 trường cao đẳng, 03 trường trung học chuyên nghiệp. Mạng lưới dạy nghề có trường trung cấp dạy nghề và công nhân kỹ thuật là trường Trung cấp Nghề Vĩnh
Long và Trung cấp Nghề số 9 cùng với nhiều cơ sở đào tạo nghề của tỉnh và huyện, thị, thành phố có khả năng đào tạo được số lượng khá lớn học sinh, sinh viên cho tỉnh và các tỉnh trong vùng.
Hiện nay tỉnh đang thực hiện Chương trình đào tạo nguồn nhân lực, phấn dấu đến năm 2020 tỷ lệ lao động có chuyên môn kỹ thuật lên khoảng 65-66%. Đây là nguồn lực hết sức cần thiết cho công nghiệp hoá - hiện đại hoá trong những năm tới.