Kết cấu hạ tầng được huy động đầu tư xây dựng, nâng cấp đã có nhiều thay đổi về diện mạo nhưng còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, việc đi lại còn khó khăn.
Về thực trạng phát triển cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, đã tạo ra sức ép trong việc dành quỹ đất để mở rộng, nâng cấp, cải tạo và xây dựng mới các tuyến đường, cũng như các công trình công cộng trên địa bàn trong thời gian tới.
Địa hình đồi núi dốc bị chia cắt, nền địa chất yếu, phần nào gây trở ngại cho xây dựng kết cấu hạ tầng vào giao thông đường bộ, mặt khác dễ gây sạt lở, sói mòn, mất chất đất ảnh hưởng đến sản xuất của người dân. Đất đai của huyện có đặc điểm là đồng bằng nhỏ hẹp, xen kẽ với đồi núi gây trở ngại cho sản xuất hàng hóa với quy mô lớn.
Nguồn tài nguyên dồi dào nhưng việc khai thác bừa bãi đã gây sạt lở nghiêm trọng hai bên bờ sông, mất đất sản xuất của người dân, làm ảnh hưởng đến đời sống của họ. Thực trạng phát triển kinh tế - xã hội trong những năm qua cùng với sự gia tăng dân số, mật độ phân bố dân cư không đồng đều, mức độ sử dụng đất trong từng khu vực khác nhau đã tạo nên áp lực đối với đất đai của huyện.
Công tác tuyên truyền giáo dục để người dân có ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ đất thông qua phong trào “ba tăng, ba giảm” là giảm thuốc trừ sâu, phân bón và giống, tăng năng xuất, hiệu quả sản xuất và sức khỏe công cộng còn hạn chế.
Quá trình quản lý đất đai gặp nhiều khó khăn và thách thức, do nhu cầu sử dụng đất ngày càng tăng, đồng thời đảm bảo được vấn đề an ninh, quốc phòng và phân bố tài nguyên đất cho các mục đích khác nhau, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp trong hoạch định chính sách và xây dựng quy hoạch kế hoạch sử dụng đất.
Đội ngũ cán bộ được đào tạo qua các thời kỳ khác nhau, nên trình độ không đồng đều. Đặc biệt là đội ngũ cán bộ trẻ ra trường, còn hạn chế về năng lực chuyên môn, khả năng giải quyết vấn đề, đây cũng là một khó khăn lớn.