Để thực hiện được quan điểm và mục tiêu phát triển du lịch huyện Bắc Sơn nêu trên, điều quan trọng là phải có những đột phá về cơ chế chính sách để huy động mọi nguồn lực ưu tiên cho phát triển du lịch, đặc biệt là phát triển kết cấu hạ tầng và hạ tầng du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch, đẩy mạnh quảng bá điểm đến Bắc Sơn và phát triển nguồn nhân lực du lịch. Do đó, UBND huyện Bắc Sơn cần nghiên cứu, đề xuất cấp trên ban hành những chính sách đồng bộ cả trước mắt và lâu dài để tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển.
- Cơ sở vật chất kỹ thuật và cơ sở hạ tầng: là những yếu tố đảm bảo cho du khách về các nhu cầu cần thiết: ăn, ngủ, đi lại, nghỉ ngơi, trao đổi thông tin...
- Cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch là một yếu tố quan trọng trong cấu thành của sản phẩm du lịch. Việc thiết kế phát triển các tiện nghi phù hợp sẽ tạo nên sự hấp dẫn của khu, điểm du lịch, mà còn nâng cao hiệu quả kinh tế và hiệu quả đầu tư.
- UBND huyện trong những năm qua đã quan tâm chỉ đạo đúng mức, bước đầu đã hình thành lên các khu, làng du lịch cộng đồng với hệ thống cơ sở vật chất đủ điều kiện phục vụ du lịch. Tuy nhiên các khu, làng du lịch cộng đồng và việc đầu tư xây dựng còn mang tính tự phát, do chưa có qui hoạch cụ thể. Trên cơ sở đó để phát triển du lịch cộng đồng bền vững, đảm bảo và phù hợp với điều kiện và khả năng phát triển của từng khu vực, từng điểm du lịch thì phát triển cơ sở hạ tầng du lịch quy mô nhỏ là phù hợp với du lịch cộng đồng trong đó cần chú trọng đến một số nội dung:
Về giao thông: Để khắc phục những tồn tại về hệ thống đường, chất lượng các phương tiện giao thông mà khách du lịch yêu cầu. Trước mắt cần ưu tiên đầu tư các tuyến đường cấp tỉnh, huyện và xã đến những nơi có hoạt động du lịch của huyện nói chung và hoạt động du lịch cộng đồng nói riêng. Đảm bảo hệ thống biển báo, đèn hiệu và tuyên truyền tốt đến mọi người việc chấp hành nghiêm những quy định khi tham gia giao thông. Cải thiện, nâng cấp các tuyến đường, phát huy và duy trì việc cải thiện có tính ưu tiên cho các trục đường trong đó ưu tiên số 1 đó là Cải tạo nâng cấp mở rộng tuyến đường 243, ĐH 78 đi qua làng du lịch cộng đồng Quỳnh sơn và làng du lịch cộng đồng Vũ Lăng, là những nơi thu hút phần lớn khách du lịch đến với Bắc Sơn,
hiện nay tuyến đường này nhỏ hẹp, mặt đường xuống cấp, hình thành những ổ gà, ổ voi, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động giao thông của người dân trong khu vực cũng như hoạt động trải nghiệm của du khách khi đến và lưu trú lại đây. Theo khảo sát thực tế, hiện nay tuyến đường này thường xuyên có những xe tải trọng lớn lưu thông gây ra tình trạng mất an toàn và xuống cấp của mặt đường, yêu cầu đặt ra là cần phải có biện pháp hạn chế phương tiện tải trọng lớn và khắc phục tuyến đường.
Về hệ thống điện: Để đảm bảo nguồn và mạng lưới cung cấp điện theo nhu cầu tiêu dùng của người dân, thì chất lượng dịch vụ cung cấp điện tại khu vực cần được cải thiện cả về nguồn cung ứng và mạng phân phối.
Cấp thoát nước: Quy hoạch hệ thống cung cấp nước sạch cho các tuyến điểm có tiềm năng khai thác du lịch, tại Quỳnh Sơn và Vũ Lăng hiện nay người dân vẫn chưa có nước sinh hoạt do nhà nước cung cấp mà chủ yếu nước sinh hoạt là do cộng đồng tại đây tự xây dựng và đảm bảo. Do đó chính quyền tại xã, huyện cần có những phương án, kế hoạch đảm bảo cho đời sống sinh hoạt và cho các hoạt động dịch vụ hoặc có chính sách hỗ trợ hoặc hướng dẫn sử dụng hệ thống bể chứa, bể lọc nước sạch cho các hộ gia đình. Để đảm bảo giữ gìn môi trường tốt, cần thiết xây dựng dự án xử lý chất thải, trong đó ưu tiên đầu tư cho các điểm du lịch thường xuyên tiếp nhận lượng khác lớn.
Thông tin liên lạc: Để đáp ứng tốt nhu cầu hiện nay, sự cần thiết sớm cải thiện và đa dạng hoá chất lượng dịch vụ thông tin liên lạc, đồng thời đào tạo đội ngũ lao động đáp ứng yêu cầu chuyên nghiệp hoá công tác phục vụ chuyên ngành tại các điểm du lịch. Lắp đặt hệ thống chuyển phát sóng thông tin di động cho các khu, điểm du lịch. Cần có bộ phận thông tin riêng cho du lịch của huyện chuyên thực hiện công tác tuyên truyền quảng bá về du lịch cộng đồng cho huyện thông qua trang website, báo ảnh, truyền hình, tập gấp...
Cơ sở lưu trú, ăn uống: Kiểm soát chặt chẽ các công trình xây dựng khách sạn, nhà nghỉ, nhà nghỉ du lịch cộng đồng (nhà sàn truyền thống của người bản địa) đồng thời quy hoạch hệ thống nhà cho phù hợp với cảnh quan môi trường, đó là giải pháp không thể thiếu để phát triển một ngành du lịch chất lượng và bền vững. Với du lich cộng đồng, mô hình lưu trú tại gia là hình thức đặc biệt duy nhất trong các bản làng. Mô hình này cần được nhân rộng và đào tạo cách thức phục vụ vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Góp phần tăng thêm thu nhập cho đồng bào dân tộc và tạo mối quan hệ mật thiết với du khách.
Các cơ sở thể thao và vui chơi giải trí: Phát triển các loại hình du lịch thể thao như leo núi, cưỡi ngựa, bắn cung, tung còn theo kiểu của đồng bào dân tộc. Đối với những nơi cần có sự yên tĩnh, không nên xây dựng tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí và thể thao sôi động ở tại các điểm du lịch vì có thể gây tốn diện tích và ô nhiễm âm thanh. h. Đầu tư các cơ sở dịch vụ: Trên cơ sở quy hoạch cần chỉ rõ và phân bố hợp lý hệ thống chợ địa phương, đầu tư nâng cấp, tiếp đến là đầu tư xây dựng mới về quy mô, kiểu dáng kiến trúc phù hợp với cảnh quan. Về mặt hàng ngoài những nhu cầu thiết yếu phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng của nhân dân sở tại, cần quan tâm đến những mặt hàng thủ công truyền thống, những mặt hàng đặc sắc của văn hoá địa phương phục vụ khách du lịch. Đồng thời dành chỗ ưu tiên, nhất là ở các chợ địa phương cho một số đồng bào bán các loại hàng hoá truyền thống bới chính những nơi đó sẽ là điểm tập trung hấp dẫn khách du lịch. Các khu chợ đã và sẽ trở thành một trong những điểm thu hút chính tại huyện. Các nhà quản lý địa phương cần phải ý thức được việc người dân mang sản phẩm ra chợ bán là yếu tố đặc sắc thu hút khách tham quan. Vì vậy cần khuyến khích bà con dân tộc đến bán các sản phẩm thủ công và tổ chức thật tốt các hoạt động của chợ dân tộc (miễn phí chỗ ngồi hoặc giảm giá cho những người bán hàng không chuyên nghiệp). Người dân tộc thiểu số cần có khả năng bán trực tiếp các sản phẩm cho du khách, bởi đó là một trong những nguồn tiền mặt hiếm hoi đối với những người nghèo.
Những giải pháp về chính sách phải gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường đối tác công - tư, đơn giản hóa thủ tục, tháo gỡ mọi khó khăn vướng mắc, rào cản, tạo thuận lợi cho khách du lịch tham quan du lịch tại Bắc Sơn cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư và kể cả người dân, cộng đồng tham gia đầu tư phát triển du lịch tại Bắc Sơn.
Các chính sách ban hành phải khả thi, đảm bảo khích lệ, huy động được nguồn lực của mọi tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển du lịch tại Bắc Sơn nhằm phát huy tối ưu tiềm năng và thế mạnh của huyện để phát triển du lịch đúng hướng, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, bền vững, góp phần vừa bảo tồn, vừa phát huy được các giá trị văn
hóa, lịch sử, truyền thống và các tài nguyên tự nhiên của địa phương, đồng thời khẳng định được thương hiệu và khả năng cạnh tranh của điểm đến Bắc Sơn trên thị trường trong nước và thị trường quốc tế. Do đó, các giải pháp chính sách cần được triển khai thời gian tới bao gồm:
Tạo thuận lợi cho khách du lịch và thu hút đầu tư du lịch
Tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch đến tham quan du lịch tại Bắc Sơn. Tập trung nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh Lạng Sơn ban hành chính sách xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực cho đầu tư kết cấu hạ tầng và hạ tầng du lịch; ưu đãi khuyến khích đầu tư phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng núi, du lịch mạo hiểm, du lịch cộng đồng; khuyến khích đầu tư cung cấp các dịch vụ du lịch cho khách du lịch; có chính sách khuyến khích khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống, các lễ hội dân gian của đồng bào các dân tộc Bắc Sơn.
Tăng cường kiểm soát chất lượng dịch vụ du lịch:
Bắc Sơn mới bắt đầu phát triển du lịch nhưng ngay từ đầu của quá trình phát triển phải coi trọng chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách du lịch và phải có biện pháp thường xuyên kiểm soát chất lượng dịch vụ du lịch. Nâng cao nhận thức bằng cách tăng cường tổ chức các khóa bồi dưỡng kiến thức về quản lý chất lượng du lịch; áp dụng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn của ngành du lịch cũng như hệ thống kiểm định, công nhận chất lượng dịch vụ trong các cơ sở kinh doanh cung cấp dịch vụ du lịch như khách sạn, cơ sở cung cấp dịch vụ lưu trú du lịch tại nhà dân (homestay), nhà hàng, cửa hàng, điểm mua sắm, giải trí, dịch vụ chăm sóc sức khỏe,…. Ngay từ đầu phải chú trọng phát triển thương hiệu và tôn vinh thương hiệu của điểm đến và các cơ sở kinh doanh cung cấp dịch vụ du lịch tại Bắc Sơn; coi trọng chữ tín trong kinh doanh du lịch; tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng dịch vụ du lịch của các cơ sở kinh doanh cung cấp dịch vụ du lịch; yêu cầu thực hiện nghiêm việc công khai giá, bán đúng giá niêm yết; tổ chức đường dây nóng để giải quyết các kiến nghị, khiếu nại của khách du lịch liên quan đến chất lượng dịch vụ du lịch.
Phát triển du lịch tại Bắc Sơn theo đúng quan điểm phát triển bền vững:
Để phát triển du lịch, điều quan trọng là phải có cơ chế, chính sách cởi mở, thông thoáng, ưu đãi, khích lệ các doanh nghiệp và kể cả người dân chủ động và tích cực
tham gia, sáng tạo ý tưởng, giành nguồn lực để đầu tư phát triển du lịch dựa trên cơ sở tài nguyên du lịch hay những lợi thế so sánh khác của Bắc Sơn. Có cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp và kể cả người dân tham gia đầu tư phát triển du lịch. Khuyến khích, ưu đãi đối với các dự án phát triển du lịch sử dụng nhiều lao động địa phương.
Ủy ban nhân dân huyện Bắc Sơn dựa trên tiềm năng và điều kiện thực tế của địa phương chỉ đạo xây dựng, đề xuất ban hành cơ chế chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng như miễn giảm thuế, giảm tiền thuế đất, cho vay với lãi suất ưu đãi… đối với các doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch, đặc biệt là đầu tư phát triển sản phẩm và loại hình du lịch mới có khả năng thu hút khách, kéo dài thời gian lưu trú và tăng mức chi tiêu của khách du lịch tại Bắc Sơn; Tạo điều kiện cho người dân và các doanh nghiệp du lịch nhỏ tiếp cận vốn vay hoặc bảo lãnh cho họ vay vốn, có cơ chế giảm chi phí đầu vào, giảm giá, phí, giảm thuế v.v. nhằm huy động nguồn lực trong dân để phát triển du lịch, có chính sách ưu đãi khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, tạo thuận lợi cho cộng đồng tham gia và hưởng lợi từ hoạt động du lịch; Đồng thời, đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường thông thoáng cho các doanh nghiệp và người dân tham gia đầu tư phát triển du lịch tại Bắc Sơn.
- Khuyến khích, hỗ trợ thực hiện chương trình giám sát môi trường tại các khu, điểm, cơ sở dịch vụ du lịch trên địa bàn huyện Bắc Sơn. Khuyến khích đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mới trên cơ sở gắn kết chặt chẽ với bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan đặc sắc và di sản văn hóa, di tích lịch sử cách mạng độc đáo của Bắc Sơn, đặc biệt là các loại hình, sản phẩm du lịch sinh thái, cộng đồng, mạo hiểm, khám phá hang động, nghỉ dưỡng. Có cơ chế tạo lập quỹ bảo tồn các giá trị tài nguyên phục vụ du lịch.
- Di sản văn hóa, kiến trúc và tập quán, truyền thống văn hóa đa dạng, giàu bản sắc của cộng đồng các dân tộc sinh sống tại Bắc Sơn là những giá trị hấp dẫn khách du lịch. Do đó, cần tập trung xây dựng sản phẩm du lịch khác biệt dựa trên khai thác tối ưu những giá trị này trên cơ sở gắn chặt chẽ với bảo tồn để thu hút khách du lịch. Chú trọng phát triển du lịch cộng đồng trên cơ sở khai thác gắn với gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của Bắc Sơn. Tổ chức khảo sát, lựa chọn các
bản làng đặc trưng để hướng dẫn, hỗ trợ người dân tham gia kinh doanh dịch vụ lưu trú tại nhà dân (homestay) cho khách du lịch. Cộng đồng phải được coi là trung tâm trong mọi quyết sách, dự án về phát triển du lịch, được tham gia, làm chủ và hưởng lợi chính từ hoạt động du lịch trên địa bàn. Tổ chức các chương trình tập huấn, hướng dẫn kỹ năng và thái độ phục vụ khách du lịch cho người dân trong cộng đồng.
- Hơn nữa, các di tích lịch sử, di tích cách mạng trên địa bàn Bắc Sơn cũng là những địa chỉ hấp dẫn khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch nội địa. Bên cạnh việc trùng tu, nâng cấp bảo vệ di tích, cần có những quy định chặt chẽ cho cả doanh nghiệp, khách du lịch và người dân khi tới tham quan di tích theo hướng tôn trọng, bảo vệ các giá trị của di tích, không được xâm hại di tích.
- Các giá trị cảnh quan, tài nguyên thiên nhiên của Bắc Sơn như cảnh quan thung lũng Bắc Sơn, các hang động, sông suối, rừng đặc dụng, khu bảo tồn thiên nhiên… là những giá trị hấp dẫn khách du lịch. Việc đầu tư phát triển du lịch cần đảm bảo gìn giữ, bảo vệ các giá trị cảnh quan, tài nguyên, môi trường sinh thái, tuyệt đối tránh việc đầu tư phát triển các sản phẩm, loại hình, dịch vụ du lịch có nguy cơ phá vỡ cảnh quan, hủy hoại tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường. Tập trung đầu tư để có được các sản phẩm du lịch khác biệt, thân thiện với môi trường dựa trên các thế mạnh về cảnh quan và giá trị tài nguyên thiên nhiên nêu trên sẽ tạo đựợc sức hấp dẫn và thiện cảm đối với khách du lịch.