Thị trường nông nghiệp là một tập hợp những thỏa thuận, dựa vào đó mà các chủ thể kinh tế trong và ngoài ngành nông nghiệp có thể trao đổi hàng hóa nông sản hay các dịch vụ cho nhau.
Do sản xuất nông nghiệp có mục đích chính là sản xuất ra nông sản hàng hoá, nên điều kiện về thị trường tuy là nhân tố bên ngoài nhưng lại giữ vị trí quyết định đến sự tồn tại và phát triển kinh tế nông nghiệp. Điều kiện về thị trường bao gồm cả thị trường các yếu tố đầu vào của sản xuất nông nghiệp và thị trường sản phẩm đầu ra, chúng ta không thể chỉ coi trọng thị trường sản phẩm đầu ra, mà coi nhẹ thị trường các yếu tố đầu vào của vùng chuyên môn hoá sản xuất nông nghiệp.
Thực tiễn cho thấy rằng, nếu sản xuất ra những nông sản không đạt yêu cầu về chất lượng, sản phẩm có giá thành cao, thì dù công tác tiếp thị được tiến hành hoàn hảo đến mấy cũng là vô ích. Do vậy, khi đặt vấn đề giải quyết thị trường cho việc sản xuất nông nghiệp, cần đặt nó trong toàn bộ quá trình kinh doanh, điều kiện thực tế của mỗi vùng, địa phương để xem xét và giải quyết. Sự phân tích, đánh giá thị trường sản phẩm đầu ra rất quan trọng và quyết định sự thành công và phát triển kinh tế nông nghiệp. Chẳng hạn, cũng là sản phẩm đầu ra của nông nghiệp, nhưng đó là sản phẩm để tiêu dùng trực tiếp của dân cư, hay là sản phẩm làm nguyên liệu đầu vào của công nghiệp chế biến, hoặc đó là sản phẩm dễ vận chuyển đi xa hay khó vận chuyển đi xa… Những phân tích đó giúp cho sự định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp đạt hiệu quả cao nhất trong kinh doanh, cũng như trong bảo vệ các tài nguyên nông nghiệp.
Ngoài ra khả năng cạnh tranh của hàng hóa nông sản có ảnh hưởng mạnh và trực tiếp đến phát triển và chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp. Nếu năng lực cạnh tranh của các sản phẩm nông sản thấp thì nó sẽ làm cho quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp không thể đạt tới mục tiêu đề ra hoặc đạt ở mức thấp và cơ cấu ngành vẫn không đem lại hiệu quả, làm kéo dài quá trình này và gây tốn kém, lãng phí các nguồn lực xã hội. Ảnh hưởng cụ thể của năng lực canh tranh sản phẩn tới chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp thể hiện trên các mặt sau: Tạo thuận lợi cho xuất khẩu hàng hóa nông lâm thủy sản, thị trường xuất hàng hóa nông lâm thủy sản mở rộng nhờ vào chất lượng hàng hóa tăng lên, giá thành sản xuất thấp, hệ thống quy trình sản xuất thực phẩm an toàn vệ sinh, xuất xứ nguồn gốc được hoàn thiện; giúp người sản xuất tiếp cận nhanh với thị trường để ra quyết định đầu tư đúng, nâng cao giá trị, mở rộng quy mô sản xuất, tạo ra chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp bền vững. Hiện nay sức mua của thị trường trong nước còn nhiều hạn chế; sự biến động phức tạp của thị trường xuất khẩu làm tăng tính rủi ro, ảnh hưởng xấu đến chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp nước ta. Do đó việc phân tích và đánh giá thị trường là một yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp.