Thực trạng phát triển về chất

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp trên địa bàn huyện mai sơn, tỉnh sơn la (Trang 70 - 76)

2.3.2.1 Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp

Hình 2.10. Cơ cấu các ngành trong nội bộ ngành nông nghiệp giai đoạn 2014-2018 68.09 62.37 67.4 63.97 68.18 4.35 4.85 3.15 3.1 2.74 27.56 32.78 29.46 32.93 29.08 0% 10% 20% 30% 40% 50% 60% 70% 80% 90% 100% 2014 2015 2016 2017 2018 Chăn nuôi Lâm nghiệp Trồng trọt

- Chuyển dịch cơ cấu sản xuất nhóm ngành trồng trọt: Nhìn vào Hình 2.10 ta thấy: Trong giai đoạn 2014-2018 tỷ trọng của nhóm ngành trồng trọt trong cơ cấu ngành nông nghiệp tương đối ổn định, tăng nhẹ từ 68,09% lên 68,18%, thể hiện đây vẫn là nhóm ngành chủ lực và chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện trong giai đoạn qua và những năm tiếp theo. Vì vậy chuyển dịch cơ cấu của ngành trồng trọt có ý nghĩa quyết định tới sự chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp. Thực tế cho thấy sản xuất trồng trọt chủ yếu là cây lương thực có hạt, cây công nghiệp và cây ăn quả. Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nhóm ngành trồng trọt theo hướng sản xuất hàng hóa và tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích được tập trung chỉ đạo nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của các vùng; qua đó cơ cấu cây trồng của huyện có sự đa dạng hơn, ngoài cây lương thực đã tăng thêm diện tích các loại rau màu có giá trị cao, cây công nghiệp dài ngày, nhất là cây cao su, cây cà phê.

- Chuyển dịch cơ cấu sản xuất nhóm ngành chăn nuôi: Nhìn vào Hình 2.10 ta thấy: Trong giai đoạn 2014-2018 tỷ trọng của nhóm ngành chăn nuôi trong cơ cấu ngành nông nghiệp đã tăng từ 27,56% lên 29,08% tuy nhiên có sự biến động theo từng năm. Xu hướng biến động trên chủ yếu do sự chuyển dịch cơ cấu trong nội bộ của ngành chăn nuôi và mối tương quan của ngành trồng trọt. Chăn nuôi giai đoạn trước chủ yếu là phục vụ sức kéo và cung cấp thực phẩm thiết yếu. Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong ngành chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa và khai thác các tiềm năng thế mạnh thực sự bắt đầu từ năm 2015 đến nay. Nhóm ngành chăn nuôi chủ yếu chăn nuôi gia súc (trâu, bò, lợn…) ở các xã vùng 2 và vùng 3, gia cầm, ngoài ra có các sản phẩm khác, như: dê, thỏ, chim cút, ong mật… và sản phẩm chăn nuôi không qua giết thịt

(trứng). Nhìn chung, ngành chăn nuôi Mai Sơn trong thời gian qua được quan tâm,

chất lượng và tổng đàn ngày càng được nâng lên; nhiều con giống mới được đưa vào sản xuất kết hợp với những giống sẵn có của địa phương, chăn nuôi theo hình thức trang trại, gia trại phát triển khá mạnh đã góp phần nâng dần tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp của huyện.

- Chuyển dịch cơ cấu sản xuất nhóm ngành lâm nghiệp: Trong giai đoạn 2014-2018, tỷ trọng của nhóm ngành lâm nghiệp trong cơ cấu ngành nông nghiệp đã giảm từ 4,35% năm 2014 xuống còn 2,74% vào năm 2018. Ngành lâm nghiệp có nhiều lợi thế so với

các ngành khác do diện tích đất lâm nghiệp chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu sử dụng đất toàn huyện, tuy nhiên cho đến nay ngành lâm nghiệp vẫn chưa phát huy hết thế mạnh và là ngành có tỷ trọng thấp nhất trong cơ cấu nông nghiệp của huyện Mai Sơn. Trong nội bộ ngành lâm nghiệp cơ cấu sản xuất chủ yếu gồm 3 lĩnh vực hoạt động: Trồng và chăm sóc rừng, khai thác rừng, hoạt động khác. Cơ cấu nội bộ ngành lâm nghiệp chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng hoạt động khác, tăng tỷ trọng trồng, chăm sóc rừng, tuy nhiên việc trồng rừng vẫn chủ yếu là phủ xanh đất trống đồi trọc, gia tăng độ che phủ chứ chưa chú trọng đến việc trồng rừng khai thác. Nhìn chung trong những năm qua diện tích rừng trồng mới đã được tăng lên tuy nhiên giá trị sản xuất của nhóm ngành lâm nghiệp lại giảm xuống, sản phẩm khai thác lâm sản chính vẫn là từ gỗ còn các lâm sản khác chỉ mang tính chất nhỏ lẻ và giá trị kinh tế không cao.

2.3.2.2 Tổ chức sản xuất nông nghiệp

Huyện Mai Sơn là một trong những vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm toàn tỉnh. Những năm gần đây, huyện đã chỉ đạo tập trung thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, tăng năng suất, nâng cao giá trị canh tác. Với những thuận lợi về khí hậu, đất đai, huyện Mai Sơn đã và đang phát triển một nền nông nghiệp đa dạng với nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, mang tính đặc trưng của vùng miền, tập trung khai thác hiệu quả những thế mạnh trong nông nghiệp. Đến nay trên địa bàn toàn huyện có 10 Doanh nghiệp và 80 Hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Dựa trên cơ sở địa lý, địa hình, không gian huyện được chia thành các vùng sản xuất nông nghiêp chính như sau:

- Khu vực trồng trọt tập trung tại các xã dọc Quốc lộ 6, Quốc lộ 4G, Quốc lộ 37 và các xã vùng 3, cụ thể:

+ Trồng cây lương thực có hạt với tổng diện tích đến năm 2018 là 23.108 ha theo quy mô hộ gia đình, tập chung chủ yếu tại các xã: Chiềng Sung, Mường Bằng, Chiềng Chăn, Hát Lót, Nà Bó, Cò Nòi, Chiềng Nơi, Phiêng Cằm, Chiềng Lương, Phiêng Pằn, Nà Ớt, Tà Hộc.

+ Trồng cây công nghiệp hàng năm và lâu năm với tổng diện tích đến năm 2018 là 17.509 ha theo quy mô hộ gia đình theo hướng liên kết bao tiêu sản phẩm với các Nhà

máy đóng trên địa bàn huyện và Doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, tập trung chủ yếu tại các xã: Mường Bằng, Chiềng Chăn, Mường Bon, Hát Lót, Cò Nòi, Nà Bó, Chiềng Lương, Chiềng Mung, Chiềng Nơi, Phiêng Cằm, Phiêng Pằn, Nà Ớt, Chiềng Ban, Chiềng Mai, Chiềng Dong, Chiềng Chung, Chiềng Kheo, Chiềng Ve.

+ Trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ theo tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích đến năm 2018 là 5.394 ha theo quy mô gia đình và Hợp tác xã, tập trung chủ yếu tại các xã: Hát Lót, Cò Nòi, Chiềng Ban, Nà Bó, Chiềng Mung, Mường Bon và thị trấn Hát Lót.

- Khu vực chăn nuôi tập trung tại các xã vùng 3 và các xã dọc vùng lòng hồ sông Đà, cụ thể:

+ Chăn nuôi gia súc gia cầm với tổng đàn năm 2018 là 1.279.395 con theo quy mô hộ gia đình và Hợp tác xã, tập trung chủ yếu tại các xã: Tà Hộc, Chiềng Nơi, Phiêng Cằm, Nà Ớt, Phiêng Pằn, Chiềng Chung, Chiềng Sung, Chiềng Dong, Chiềng Kheo.

+ Nuôi trồng, khai thác thủy sản với tổng diện tích mặt nước năm 2018 là 342 ha theo quy mô hộ gia đình, tập trung chủ yếu tại các xã: Tà Hộc, Phiêng Cằm, Phiêng Pằn, Mường Bằng, Mường Bon, Chiềng Mung, Chiềng Ban.

- Khu vực trồng và khai thác lâm sản với tổng diện tích đất lâm nghiệp năm 2018 là 51.484,45 ha theo quy mô chủ yếu là giao đất rừng cho hộ gia đình chăm sóc và quản lý, tập trung chủ yếu tại các xã vùng 2 và vùng 3 là những nơi còn nhiều diện tích rừng che phủ: Chiềng Chung, Chiềng Nơi, Phiêng Cằm, Chiềng Lương, Phiêng Pằn, Nà Ớt, Tà Hộc.

Thực trạng phân chia các vùng sản xuất nông nghiệp như hiện nay chưa tạo ra sự đột phá trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Kinh tế hộ gia đình chiếm tới hơn 80% giá trị, thiếu sự gắn kết thành vùng chuyên canh lớn. Kinh tế Hợp tác xã mới ở giai đoạn đầu hình thành do đó còn yếu và chưa phát huy tối đa hiệu quả.

2.3.2.3 Lao động, việc làm, thu nhập trong nông nghiệp

Theo số liệu thống kê, năm 2018 dân số trong độ tuổi lao động của Mai Sơn có khoảng 67.355 lao động, chiếm 41,9% tổng số dân, trong đó lao động trong lĩnh vực nông -

lâm nghiệp chiếm 76,55%. Nguồn lao động của huyện tuy dồi dào, song lực lượng lao động phân bố không đều chủ yếu tập trung ở khu vực nông thôn. Chất lượng nguồn lao động nhìn chung còn rất thấp, số lao động đã qua đào tạo hiện nay mới chiếm 19,2% tổng số lao động, 80,8% số lao động còn lại chưa qua đào tạo [17].

Bảng 2.10. Tổng hợp cơ cấu lao động và thu nhập bình quân của ngành nông nghiệp so với toàn huyện giai đoạn 2014-2018

Lao động và thu nhập Đơn vị Năm 2014 Năm 2015 Năm 2016 Năm 2017 Năm 2018 Toàn huyện Tổng số dân Người 151.411 154.092 156.354 158.455 160.624 Trong độ tuổi lao động Người 62.345 63.125 64.250 65.255 67.355 Qua đào tạo Người 8.417 9.469 9.766 11.857 12.932 Chưa qua đào

tạo Người 53.928 53.656 54.484 53.398 54.423 Thu nhập bình quân/năm Tr đồng 22,21 25,60 29,76 30,20 35,20 Lĩnh vực nông nghiệp Số người Người 52.058 51.763 51.400 50.918 51.560 Qua đào tạo Người 2.082 2.122 2.262 2.902 3.042 Chưa qua đào

tạo Người 49.976 49.640 49.138 48.016 48.518

Thu nhập bình

quân/năm Tr đồng 15,19 15,42 20,34 20,60 24,98 Từ Bảng 2.10 ta thấy lao động nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng số lao động của huyện, điều đó chứng tỏ ngành nông nghiệp vẫn giữ một vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế của huyện, lao động nông nghiệp qua các năm có xu hướng giảm dần, cụ thể tỷ lệ lao động nông nghiệp như sau: Năm 2014 là 83,5%, năm 2015 là 82%, năm 2016 là 80%, năm 2017 là 78,03%, năm 2018 là 76,55%. Như vậy cơ cấu lao động của huyện có sự chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hoá đó là tăng tỷ trọng lao động trong công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ, giảm tỷ trọng lao động trong nông nghiệp.

Tuy nhiên lực lượng lao động trong ngành nông nghiệp phần lớn lại là lao động phổ thông và chưa qua đào tạo. Thực tế cho thấy muốn có sự chuyển dịch lao động từ ngành nông nghiệp sang ngành phi nông nghiệp đòi hỏi phải có quá trình đào tạo lâu dài, ít nhất là 1 năm đối với lao động có tay nghề trung bình, đối với lao động có trình

độ cao thì đòi hỏi thời gian đào tạo lâu hơn. Bên cạnh quá trình đào tạo thì huyện cần phải có chính sách thu hút nguồn nhân lực sau khi đào tạo trở lại địa phương để làm việc lâu dài là hết sức cần thiết. Mặc khác, lao động ở huyện Mai Sơn thường mang đặc tính, người lao động vừa làm việc trong ngành nông nghiệp, vừa làm việc trong ngành phi nông nghiệp nên hiệu quả công việc không cao, tính chuyên môn hóa thấp. Hệ quả này, một mặt là do lao động trong nông nghiệp với tư liệu sản xuất chủ yếu là ruộng đất nhưng mức độ tích tụ ruộng đất lại không cao, sản xuất mang tính manh mún chưa thực sự mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân, mặt khác là lao động nông nghiệp lại mang tính thời vụ nhiều hơn so với các ngành khác.

Thu nhập bình quân trong lĩnh vực nông nghiệp tăng từ 15,19 triệu đồng/người/năm vào năm 2014 lên 24,98 triệu đồng/người/năm vào năm 2018, tuy nhiên vẫn là thấp so với mặt bằng chung trên cả nước. Nguyên nhân chính là do đa phần là lao động hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo và số lượng lại nhiều, đa phần là các hộ nghèo và cận nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của huyện, do đó thu nhập bình quân theo đầu người đối với người lao động hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp còn thấp, chưa đảm bảo mức sống.

2.3.2.4 Thực trạng môi trường sống, sản xuất nông nghiệp

Là một huyện miền núi với địa hình phức tạp, bị chia cắt bởi các dãy núi cao gây nhiều khó khăn cho phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện, khó hình thành vùng sản xuất nguyên liệu với quy mô lớn, tập trung theo hướng sản xuất hàng hoá với các loại cây công nghiệp, cây ăn quả, cây rau màu, và phát triển chăn nuôi. Do điều kiện cơ sở hạ tầng còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của địa hình, do vậy hoạt động sản xuất nông nghiệp của trên địa bàn huyện hiện nay phần lớn là thủ công, kỹ thuật canh tác lạc hậu, chịu tác động và ảnh hưởng nhiều của điều kiện thời tiết, khí hậu, mức độ rủi ro cao.

Mặt khác phần lớn lao động hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp là người nghèo, trình độ dân trí thấp, chưa qua đào tạo bài bàn về mặt kỹ thuật. Do vậy nhận thức của người dân còn thấp, chậm thay đổi phương pháp canh tác và chịu ảnh hưởng rất lớn của tập quán, thói quen lạc hậu đã tác động xấu tới môi trường sống của người dân. Điều dễ nhận thấy là một bộ phận người dân đặc biệt là ở ở vùng sâu, vùng xa còn

chưa nhận thức được và có ý thức bảo vệ môi trường nên họ hành động tùy tiện theo thói quen; chăn nuôi gia súc thả rông, phân gia súc vương vãi xung quanh nhà và đường đi, khi gặp nắng bốc mùi, gặp mưa bị rửa trôi làm ô nhiễm nguồn nước. Hay tập quán nuôi nhốt gia súc dưới gầm sàn làm ô nhiễm nặng môi trường sống của các thành viên trong gia đình. Bên cạnh đó những hố xí tạm bợ của người dân được làm gần nhà bốc mùi hôi thối hoặc không có hố xí đi đại tiện tư do trên đồi, rừng hoặc xung quanh nhà, khi gặp mưa bị rửa trôi làm ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt và gia tăng khả năng phát sinh dịch bệnh; còn lạm dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và các chất kích thích sinh trưởng để tăng năng suất, sản lượng cây trồng; việc xử lý các chất thải trong chăn nuôi và nước thải trong nuôi trồng thủy sản chưa triệt để đã và đang làm gia tăng mức độ ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe cộng đồng cũng như sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp.

Hình 2.11. Việc sử dụng thuốc Bảo vệ thực vật không đúng cách được VTV1 đưa tin

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp trên địa bàn huyện mai sơn, tỉnh sơn la (Trang 70 - 76)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)