Cho đến nay đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về phát triển nông nghiệp cũng như phát triển nông nghiệp bền vững. Tiêu biểu có công trình Phát triển nông nghiệp và chính sách đất đai ở Việt Nam (2007) của nhóm tác giả Sally P. Marsh, T Gordon MacAulay và Phạm Văn Hùng [4]. Nghiên cứu này chỉ ra rằng đất đai là nguồn lực quan trọng cho việc phát triển nông nghiệp; tuy nhiên việc chia nhỏ đất đai làm cản trở hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, làm chậm quá trình phát triển nông nghiệp ở Việt Nam. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng đã chỉ ra được sự cần thiết trong phát triển kinh tế nông hộ và nâng cao năng lực về sản xuất nông nghiệp cho nông dân.
Một số nghiên cứu về vấn đề công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp như: Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn - nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam (2015), của tác giả Vũ Văn Phúc, Tạp chí cộng sản [5]; Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn: Thực trạng, kiến nghị và giải pháp (2014), của tác giả Nguyễn Kế Tuấn, Tạp chí Khoa học Việt Nam trực tuyến, số 202 [6]; Con đường và bước đi thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn (2006), của tác giả Nguyễn Kế Tuấn, NXB Chính trị quốc gia [7]… Các nghiên cứu này đều nhấn mạnh đến vai trò của khoa học công nghệ trong việc sản xuất nông nghiệp.
Ngoài ra còn có nhiều nghiên cứu đã tổng kết cả về lý luận và thực tiễn quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam như: Vấn đề nông nghiệp, nông thôn, nông dân Việt Nam trong quá trình phát triển đất nước theo hướng hiện đại (2010) của tác giả Nguyễn Danh Sơn [8]; Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam: hôm nay và mai sau (2008) của tác giả Đặng Kim Sơn [9]. Những nghiên cứu này đã chỉ ra rằng vấn đề phát triển nông nghiệp, nông thôn là cả một quá trình và là nội dung không thể tách rời trong tổng thể chính sách phát triển kinh tế - xã hội.
Quan điểm phát triển nông nghiệp trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay cũng được đề cập đến trọng nghiên cứu của tác giả Nguyễn Từ (2008): Tác động của hội nhập kinh tế quốc tế đối với sự phát triển nông nghiệp Việt Nam [10]. Tác giả cho rằng cần phải tận dụng những cơ hội từ việc hội nhập, lấy thị trường toàn cầu làm căn cứ để phát triển nông nghiệp.
Nghiên cứu về phát triển nông nghiệp nói chung và phát triển nông nghiệp bền vững cũng có một số công trình nổi bật như: Phát triển nông nghiệp bền vững ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế của tác giả Lưu Tiến Dũng, Đại học Lạc Hồng [11]; Phát triển bền vững ở Việt Nam - thành tựu, cơ hội, thách thức và triển vọng (2007) của Nguyễn Quang Thái và Ngô Thắng Lợi, NXB Lao động - Xã hội [12]… Ngoài ra còn có nhiều nghiên cứu ở phạm vi rộng hẹp khác nhau. Trong đó, có một số công trình tiêu biểu như: Nâng cao mức sống dân cư trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam: Thành tựu và những thách thức đặt ra (2014), của tác giả
Nguyễn Hồng Sơn và Trần Quang Tuyến (2014), Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Kinh tế và Kinh doanh, Tập 30, Số 1 [13]; Phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam 10 năm qua và định hướng chính sách trong thời gian tới (2018), của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn được đăng trên Website của Ban kinh tế trung ương https://kinhtetrunguong.vn [14]; Báo cáo Cơ cấu và chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp Việt Nam trong 10 năm vừa qua (2014), của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương [15].
Những nghiên cứu trên đều chỉ ra sự cần thiết phải phát triển kinh tế nông nghiệp đặc biệt là theo hướng bền vững nhưng ở phạm vi vĩ mô quốc gia, chưa đi sâu vào từng địa phương cụ thể. Một số bài nghiên cứu về phát triển nông nghiệp ở địa phương gồm: Phát triển nông nghiệp tỉnh Hà Nam theo hướng bền vững (2016) của tác giả Nguyễn Văn Hiệp; Phát triển nông nghiệp bền vững ở Vĩnh Phúc (2012) của tác giả Bùi Thị Thu Hằng... Các bài nghiên cứu này đều chỉ ra được sự cần thiết của phát triển nông nghiệp ở địa phương, nghiên cứu kinh nghiệm của các nơi khác, phân tích được những đặc thù của nông nghiệp địa phương đó và nêu ra những giải pháp thiết thực cho việc phát triển kinh tế nông nghiệp của địa phương mình.
Tóm lại các công trình nghiên cứu trên đều đề cập đến nông nghiệp, một số công trình nghiên cứu về vấn đề phát triển kinh tế nông nghiệp ở các góc độ khác nhau đồng thời nêu lên các quan điểm và kiến nghị các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp nhằm góp phần vào sự nghiệp CNH - HĐH đất nước. Các kết quả nghiên cứu của công trình trên là nguồn tư liệu có giá trị để tác giả tham khảo kế thừa, chọn lọc phục vụ cho trong quá trình thực hiện luận văn của mình.
Kết luận Chương 1
Tóm lại, trên cơ sở lý luận về phát triển kinh tế ngành nông nghiệp, Chương 1 đã tập trung phân tích những vấn đề lý luận về kinh tế nông nghiệp, phát triển kinh tế nông nghiệp và các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển kinh tế nông nghiệp. Từ kinh nghiệm phát triển kinh tế ngành nông nghiệp của một số nước, của Việt Nam và một số địa phương có điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội tương đồng với huyện Mai Sơn để từ đó rút ra những vấn đề mang tính lý luận chung nhất và một số kinh nghiệm làm cơ sở cho quá trình phân tích việc phát triển kinh tế ngành nông nghiệp ở huyện Mai Sơn
CHƯƠNG 2 THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ NÔNG NGHIỆP HUYỆN MAI SƠN, TỈNH SƠN LA