Phân tích nội bộ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoạch định chiến lược phát triển tổng công ty đông bắc (Trang 39 - 42)

Phân tích nội bộ doanh nghiệp là nghiên cứu những gì thuộc về bản thân doanh nghiệp tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh với những đặc trưng mà nó tạo ra thường được gọi là những điểm mạnh và điểm yếu của doanh nghiệp. Cũng vẫn với mục đích là tạo thông tin cơ sở cho việc hình thành chiến lược phát triển và công tác thực thi chiến lược trong quá trình quản trị chiến lược nhưng đối tượng xem xét ở đây nằm trong tầm hoạt động, kiểm soát của doanh nghiệp.

* Phân tích năng lực tài chính của doanh nghiệp

Việc phân tích năng lực tài chính có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng các phương án chiến lược (trong giai đoạn xây dựng chiến lược) và đảm bảo nguồn lực tài chính phục vụ cho việc triển khai thực hiện chiến lược phát triển của doanh nghiệp. Thông thường, khi phân tích yếu tố này trong quá trình xây dựng chiến lược phát triển, các doanh nghiệp cần quan tâm đến các chỉ số sau:

Thứ nhất, đó là quy mô, cơ cấu (phân loại), chất lượng nguồn lực tài chính của doanh nghiệp (như: khả năng thanh toán; khả năng sinh lời; ...).

28

Thứ hai, đó là khả năng đáp ứng nhu cầu thực tế của nguồn lực tài chính đối với những chương trình, kế hoạch, hành động của doanh nghiệp trong hiện tại và cả tương lai (trong ngắn hạn và dài hạn).

Thứ ba, đó là đánh giá điểm mạnh, điểm yếu của nguồn lực tài chính so với các đối thủ cạnh tranh trên thị trường.

* Phân tích nguồn nhân lực của doanh nghiệp

Trong quá trình định hướng chiến lược phát triển, nhà quản trị cần đặc biệt chú ý đến khả năng nguồn nhân lực của để có những đánh giá chính xác, hợp lý mức độ đáp ứng của nguồn nhân lực cho nhu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong tương lai. Cụ thể, doanh nghiệp cần tập trung phân tích những yếu tố sau:

Thứ nhất, phân tích năng lực quản lý doanh nghiệp hay phân tích nhà quản trị các cấp. Mục đích của việc phân tích này là xác định khả năng hiện tại và tiềm năng của từng nhà quản trị, so sánh nguồn lực này với các đối thủ cạnh tranh khác nhằm biết được vị thế cạnh tranh hiện tại và triển vọng của doanh nghiệp trong mối quan hệ với các đối thủ trên thị trường.

Thứ hai, phân tích kỹ năng của người lao động. Mục đích của phân tích này là đánh giá khả năng thực hiện công việc và khả năng thực hiện thành công chiến lược của doanh nghiệp. Kết quả phân tích sẽ là căn cứ cho những công việc như: tuyển dụng, đào tạo, luân chuyển hay xa thải nhân viên nhằm đảm bảo doanh nghiệp có được đội ngũ nhân viên có năng lực, có khả năng thực hiện mục tiêu chiến lược của doanh nghiệp.

* Phân tích năng lực sản xuất của doanh nghiệp

Cũng như năng lực tài chính, việc phân tích năng lực sản xuất của doanh nghiệp trong quá trình xây dựng chiến lược phát triển phải chú trọng đến 03 yếu tố:

Thứ nhất, đó là quy mô, cơ cấu, chất lượng của các yếu tố sản xuất: máy móc, thiết bị, nhà xưởng của doanh nghiệp.

29

Thứ hai, đó là khả năng đáp ứng nhu cầu thực tế của các yếu tố sản xuất đối với những chương trình, kế hoạch, hành động của doanh nghiệp trong hiện tại và tương lai.

Thứ ba, đó là đánh giá điểm mạnh, điểm yếu của các yếu tố sản xuất so với các đối thủ cạnh tranh trên thị trường.

* Phân tích năng lực marketing của doanh nghiệp

Marketing là một công cụ để thực hiện các mục tiêu trong chiến lược phát triển của doanh nghiệp. Việc phân tích năng lực marketing của doanh nghiệp cần chú trọng đến một số yếu tố cơ bản sau:

Thứ nhất, năng lực nghiên cứu và dự báo thị trường của doanh nghiệp. Nghiên cứu và dự báo thị trường là tập hợp các hoạt động có hệ thống từ việc xác định, thu thập, phân tích các thông tin phục vụ quá trình quản trị marketing để có đưa ra các quyết định marketing hiệu quả.

Thứ hai, các chính sách marketing của doanh nghiệp. Chính sách marketing là những nguyên tắc chỉ đạo, quy tắc, phương pháp, thủ tục được thiết lập gắn với hoạt động marketing nhằm hỗ trợ và thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu đã xác định. Thông thường, phân tích các chính sách marketing, ta sẽ phân tích các chính sách marketing mix: Chính sách sản phẩm; Chính sách giá cả; Chính sách phân phối; Chính sách xúc tiến hỗn hợp.

* Phân tích năng lực nghiên cứu và phát triển (R&D) của doanh nghiệp

Khi phân tích năng lực nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp, người phân tích cần tập trung vào 02 mảng vấn đề:

Thứ nhất, R&D sản phẩm/ dịch vụ thể hiện những nỗ lực nhằm dẫn đầu công việc cải tiến hoặc đổi mới các yếu tố đầu ra của doanh nghiệp so với các đối thủ cạnh tranh trong ngành.

Thứ hai, R&D các tiến trình nhằm giảm chi phí các hoạt động và nâng cao hiệu quả các hoạt động trong các tiến trình đó tại doanh nghiệp.

30

Trong thực tế, hoạt động nghiên cứu và phát triển tiến hành khác nhau giữa các doanh nghiệp và giữa các ngành trong nền kinh tế. Tùy theo tình huống cụ thể, các doanh nghiệp sẽ thực hiện việc R&D theo hình thức này hay hình thức khác, hoặc sử dụng cả hai hình thức nhằm tận dụng điểm mạnh và hạn chế điểm yếu của chúng.

* Phân tích cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp

Trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế mà thực chất là tái cấu trúc hoạt động của các doanh nghiệp thì sự thay đổi cơ cấu bộ máy tổ chức quản lý cho phù hợp với sự biến động của môi trường giữ một vai trò vô cùng quan trọng, tạo nên sự thành công của doanh nghiệp trong môi trường kinh doanh nhiều biến động.

Việc phân tích cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp phục vụ cho xây dựng chiến lược phát triển doanh nghiệp cần chú trọng đến 02 yếu tố:

Thứ nhất, đó là 05 thuộc tính của cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp: Chuyên môn hóa công việc; Phân chia tổ chức thành các bộ phận chức năng; Mối quan hệ quyền hạn và trách nhiệm; Tập trung và phân quyền giữa các cấp quản lý; Sự phối hợp giữa các bộ phận.

Thứ hai, đó là 05 yêu cầu cần thiết đối với cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp: Tính thống nhất trong mục tiêu; Tính tối ưu; Tính tin cậy; Tính linh hoạt; Tính hiệu quả.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoạch định chiến lược phát triển tổng công ty đông bắc (Trang 39 - 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)