2.1.1. Thương mại
Hàn Quốc có vị trí quan trọng trong hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2017, hơn 1 năm sau ngày hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) có hiệu lực (ngày 20/12/2015), Hàn Quốc đã vượt qua Hoa Kỳ vươn lên trở thành đối tác thương mại hàng hóa lớn thứ 2 của Việt Nam, chỉ sau thị trường Trung Quốc. Xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Hàn Quốc đạt gần 61,6 tỷ USD tăng 41,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó xuất khẩu của Việt Nam là 14,82 tỷ USD (bằng 6,9% tổng xuất khẩu của Việt Nam) và nhập khẩu của Việt Nam là 46,73 tỷ USD (bằng 22,1% tổng nhập khẩu của Việt Nam) (Tổng cục Hải Quan, 2017). Những mặt hàng nhập khẩu chủ yếu từ Hàn Quốc là điện tử, điện thoại, vải, nguyên liệu, sắt thép, máy móc thiết bị… Xuất khẩu sang Hàn Quốc chủ yếu là sản phẩm dệt may và sợi, thủy sản, dầu thô, phương tiện vận tải, gỗ và sản phẩm từ gỗ…
Vấn đề chính của Việt Nam khi trao đổi thương mại với Hàn Quốc là nhập siêu lớn. Thâm hụt thương mại với Hàn Quốc luôn là cao nhất trong số các nước có quan hệ thương mại với Việt Nam, từ mức 14 tỷ USD các năm 2013, 2014, 18,7 tỷ USD các năm 2015, 2016 và lên tới 31,91 tỷ USD năm 2017. Một năm sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc VKFTA được ký kết và có hiệu lực, tỷ lệ nhập siêu trên tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc không những giảm mà còn tăng lên với mức độ đáng kể. Trong năm 2017, cơ cấu nhập khẩu từ Hàn Quốc chủ yếu là 3 nhóm: nhóm máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện (15,33 tỷ USD, chiếm 32,8% tổng kim ngạch nhập khẩu từ Hàn Quốc), nhóm hàng máy móc, thiết bị, nguyên nhiên liệu đầu vào phục vụ sản xuất và xuất khẩu (8,63 tỷ USD, chiếm 18,47% tổng kim ngạch nhập khẩu từ Hàn Quốc) và nhóm điện thoại các loại và linh kiện (6,18 tỷ USD, chiếm 13,22% tổng kim ngạch nhập khẩu từ Hàn Quốc) (Tổng cục Hải Quan, 2017).
2.1.2. Đầu tư – kinh doanh
FDI luôn là điểm sáng trong quan hệ hai nước, Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam và Việt Nam là đối tác đầu tư ra nước ngoài lớn thứ 4 của Hàn Quốc (sau Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hồng Kông). Tính đến hết năm 2017, Hàn Quốc có khoảng 6.500 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 57,66 tỷ USD, chiếm 26,4% về số dự án và 18,1% về tổng số vốn FDI đăng ký tại Việt Nam (Cục Đầu tư Nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2017). Với kết quả này, Hàn Quốc là nhà đầu tư số 1 trong tổng số 125 quốc gia và vùng lãnh thổ đang đầu tư tại nước ta hiện nay.
Quy mô trung bình mỗi dự án FDI của Hàn Quốc là 8,83 triệu USD, bằng 69% quy mô trung bình các dự án FDI tại Việt Nam (do có nhiều dự án nhỏ trong lĩnh vực dịch vụ). Doanh nghiệp FDI Hàn Quốc là thành phần quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, sử dụng khoảng 700 nghìn lao động và đóng góp khoảng 30% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam. FDI của Hàn Quốc chủ yếu thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo (84% tổng vốn đăng ký), Kinh doanh BĐS, Xây dựng … trong đó đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo có xu hướng tăng mạnh từ năm 2009, từ mức 60% giai đoạn trước lên mức trên 80% hiện nay. Ngoài ra, đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, lắp ráp thiết bị điện tử, công nghiệp, công nghệ cao chiếm ưu thế so với các dự án công nghiệp nhẹ, thâm dụng lao động trước đây.
Cùng với sự tham gia của các Tập đoàn công nghiệp lớn của Hàn Quốc như Samsung, LG, Doosan, Kumho, Posco, Lotte, GS, Hyosung và các công ty vệ tinh, các dự án FDI từ Hàn Quốc thời gian qua có xu hướng tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và đầu tư theo hình thức 100% vốn FDI. Trong đó, doanh nghiệp có gốc Hàn Quốc là đối tác đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế tạo sản phẩm điện tử lớn nhất tại Việt Nam với tổng giá trị lũy kế đạt trên 21 tỷ USD thông qua hơn 150 dự án chủ yếu tại các tỉnh phía Bắc và thành phố Hồ Chí Minh (Cục Đầu tư Nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2017)
Trong 12 tháng năm 2017, Hàn Quốc là đối tác FDI lớn thứ 2 của Việt Nam với 1.287 dự án đầu tư đăng ký cấp mới và tăng vốn (861 dự án cấp mới và 426 dự
án tăng vốn), 1.319 lượt góp vốn mua cổ phần với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 8,5 tỷ USD, chiếm 23,67% tổng vốn FDI vào Việt Nam. Trong đó, thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Bình Dương, Hà Nội, Khánh Hòa và Nam Định… là những địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất trong 12 tháng năm 2017 (Cục Đầu tư Nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2017).
Cùng với việc đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp sản xuất, sự am hiểu thị trường bản địa, nới lỏng điều kiện đầu tư theo cam kết khi gia nhập các tổ chức quốc tế của Việt Nam… doanh nghiệp Hàn Quốc có xu hướng ưu tiên đầu tư theo hình thức 100% vốn FDI (với tỷ lệ trên 90% hiện nay so với dưới 80% giai đoạn trước năm 2005).
Tính tới nay, Việt Nam hiện có 28 dự án đầu tư sang Hàn Quốc, với tổng số vốn đầu tư là 14,4 triệu USD. Các dự án đều có quy mô nhỏ chủ yếu trên lĩnh vực dịch vụ, thương mại (trung bình mỗi dự án có quy mô 514 nghìn USD).
2.1.3. Hợp tác phát triển
Việt Nam là đối tác ưu tiên hàng đầu mà Hàn Quốc cung cấp hỗ trợ phát triển (nhận khoảng 20% tổng viện trợ của Hàn Quốc). Hiện nay, Chính phủ Hàn Quốc đang xây dựng Chiến lược đối tác phát triển (CPS) với Việt Nam cho thời kỳ 2016- 2020 với dự kiến 70% tổng viện trợ sẽ dành cho 4 lĩnh vực ưu tiên là giao thông, nước và y tế, quản lý nhà nước, giáo dục.
Viện trợ không hoàn lại chủ yếu do Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) thuộc Bộ Ngoại giao Hàn Quốc phụ trách. Ngoài ra, viện trợ không hoàn lại được cung cấp cho Việt Nam thông qua các cơ quan Chính phủ Hàn Quốc dùng để hỗ trợ đối tác Việt Nam. Viện trợ không hoàn lại của Hàn Quốc dành cho Việt Nam được ưu tiên tập trung vào những lĩnh vực: cải cách hành chính, phát triển nguồn nhân lực, biến đổi khí hậu, xóa đói giảm nghèo, thông tin – truyền thông, khoa học công nghệ và phát triển đô thị.
Từ năm 1992 đến năm 2015, Hàn Quốc đã cho Việt Nam vay vốn dưới các hình thức ODA, song phương có lãi suất khoảng 2,8 tỷ USD với mức hỗ trợ tăng dần hằng năm, tập trung chủ yếu vào hạ tầng quy mô lớn, đường sắt, y tế, công
nghệ thông tin.. Hàn Quốc còn hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực thông qua các khóa đào tạo ngắn và dài hạn; cử tình nguyện viên sang Việt Nam; cung cấp hỗ trợ kỹ thuật qua Đối tác chia sẻ kinh nghiệm phát triển. Ngoài ra, KOICA dành một phần nguồn lực đóng góp cho hợp tác tài chính giữa hai nước, như đang triển khai nghiên cứu tiền khả thi và nghiên cứu khả thi Dự án Tuyến Metro số 5, giai đoạn 2 tại thành phố Hồ Chí Minh (Cổng thông tin điện tử Chính Phủ, 2017).
Trong giai đoạn 2016-2020, một số lĩnh vực sẽ được ưu tiên: phát triển nông thôn, y tế, hạ tầng (giao thông, đô thị, cấp thoát nước), ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, năng lượng, quản lý nhà nước. Ngoài ra, KOICA sẽ tiếp tục dành một phần nguồn lực đóng góp cho hợp tác tài chính giữa hai nước, trước mắt là hỗ trợ kỹ thuật cho các dự án đường sắt đô thị và giao thông.
Ngoài viện trợ do KOICA cung cấp, các cơ quan Chính phủ Hàn Quốc cũng có những chương trình, dự án, hoạt động hỗ trợ trực tiếp đối tác Việt Nam thông qua nhiều hình thức khác nhau. Nguồn hỗ trợ ngoài KOICA này có xu hướng tăng lên trong thời gian gần đây.
Hàn Quốc đã cung cấp vốn vay ODA cho Việt Nam tương đối sớm thông qua Quỹ Hợp tác Phát triển Kinh tế Hàn Quốc do Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc quản lý. Vốn vay ODA ưu đãi của Hàn Quốc chủ yếu cho các lĩnh vực hạ tầng kinh tế - xã hội như công trình giao thông, y tế, cấp thoát nước, đào tạo nghề…
Trước năm 2008, quy mô các khoản vay của Hàn Quốc dành cho Việt Nam còn nhỏ và chưa được đưa vào kế hoạch nhiều năm. Cụ thể, từ năm 1992 tới 2008, Hàn Quốc cho Việt Nam vay 13 dự án tổng trị giá 600 triệu USD. Từ 2008, Hàn Quốc cam kết cho Việt Nam vay ưu đãi thông qua hai hiệp định tín dụng là Hiệp định khung giai đoạn 2008-2011 trị giá 1 tỷ USD và Hiệp định khung giai đoạn 2012-2015 trị giá 1,2 tỷ USD. Đến hết năm 2015, về cơ bản hai bên đã ký kết hiệp định vay hoặc hoàn thành lực chọn, thẩm định các dự án để kết thúc các hiệp định vay giai đoạn 2008-2011 và 2012-2015. Tổng cộng gần 60 dự án trị giá khoảng 2,8 tỷ USD đã được Chính phủ Hàn Quốc ký hiệp định vay hoặc cam kết cung cấp tín
dụng cho Việt Nam từ năm 1992 đến hết năm 2015 (Cục Đầu tư Nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2016).
Tiến độ giải ngân và thực hiện các dự án vay vốn Hàn Quốc đạt kết quả tốt, chất lượng các dự án do phía Hàn Quốc tài trợ và nhà thầu Hàn Quốc thực hiện về cơ bản đạt yêu cầu đề ra. Hiện đang có 34 dự án với tổng vốn cam kết 1,7 tỷ USD đang được triển khai thực hiện và đã giải ngân được hơn 0,9 tỷ USD.
Ngày 8/11/2017, Việt Nam và Hàn Quốc đã ký kết Hiệp định cho các khoản tín dụng từ Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF) giai đoạn 2016-2020. Hiệp định khung 2016- 2020 gồm 10 điều, quy định việc Chính phủ Hàn Quốc cung cấp cho Chính phủ Việt Nam khoản tín dụng ODA trị giá 1,5 tỷ USD trong giai đoạn 2016- 2020 cùng một số điều kiện cơ bản đi kèm. Khoản tín dụng này sẽ được sử dụng để tài trợ cho các dự án do Chính phủ hai nước lựa chọn. Hiệp định tín dụng khung 2016- 2020 gồm những nội dung, quy định về quy mô và điều kiện vay; quy trình trao đổi, ký kết, thực hiện, giải ngân dự án; ưu đãi của phía Việt Nam đối với các dự án sử dụng vốn vay ODA Hàn Quốc và văn phòng đại diện EDCF tại Việt Nam. Việc ký kết hiệp định tín dụng khung 2016- 2020 nhằm tạo khuôn khổ pháp lý về phía Hàn Quốc cung cấp vốn vay ODA cho Việt Nam và phía Việt Nam tiếp nhận vốn vay ODA từ Hàn Quốc, đồng thời tạo cơ sở để hai phía tiến hành lựa chọn và triển khai thực hiện các dự án sử dụng EDCF trong giai đoạn 2016 – 2020 (Báo Điện tử VOV, 2017).