Xu hướng phát triển của lĩnh vực bất động sản Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đầu tư TRỰC TIẾP của hàn QUỐC vào LĨNH vực bất ĐỘNG sản tại VIỆT NAM THỰC TRẠNG và GIẢI PHÁP (Trang 82 - 85)

(Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Biểu đồ 3.1: Tăng trưởng GDP và GDP bình quân đầu người Việt Nam (giai đoạn 2008-2017)

Nhìn vào biểu đồ 3.1, có thể thấy được, trong giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2017, mức tăng trưởng GDP của Việt Nam là tương đối đồng đều theo các năm ở mức từ 5.03% đến 6.81%. Theo đó, năm 2017 ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua. Điều này khẳng định nền kinh tế Việt Nam tương đối ổn định ở mức tăng trưởng cao so với khu vực và trên thế giới. Hơn nữa, có thể thấy rằng, mức tăng trưởng GDP bình quân đầu người luôn luôn cao hơn mức tăng trưởng GDP. Mặc dù theo các chuyên gia kinh tế, mức tăng trưởng GDP bình quân đầu người không phản ảnh chính xác 100% mức sống của người dân. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận rằng, với việc mức tăng trưởng GDP bình quân đầu người luôn cao hơn mức tăng trưởng GDP, có thể phần nào thể hiện thu nhập của người dân Việt Nam đang ngày càng cao hơn.

6.23 5.32 6.78 5.89 5.03 5.42 5.98 6.68 6.21 6.81 26.7 5.82 8.21 15.68 13.73 8.72 7.57 2.78 5.03 7.67 0 5 10 15 20 25 30 35 2008 2009 2010 2011 2012 2013 2014 2015 2016 2017

Tăng trưởng GDP và GDP bình quân đầu người Việt Nam (Giai đoạn 2008-2017)

Trong 2 thập kỷ vừa qua thì việc làm tại các ngành sản xuất, dịch vụ tăng lên khá rõ và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong 10 năm tới. Đây chính là yếu tố thúc đẩy thu nhập cho người lao động hiện nay. Ngoài ra, là một trong những quốc gia có tốc độ dân số phát triển nhanh của khu vực Đông Nam Á với khoảng 90 triệu dân số thuộc độ tuổi dưới 35 tuổi thì Việt Nam đang bước sang thời kỳ dân số vàng. Như vậy, với dân số trẻ, tức là số dân ở độ tuổi lao động, lập gia đình lớn, cộng với thu nhập ngày càng cao, nhu cầu về nhà ở tại Việt Nam đang được đánh giá là tiềm năng. Dự kiến, trong thời gian tới thì những sản phẩm đáp ứng nhà ở cho giới trẻ mới lập gia đình, bất động sản khu công nghiệp kết hợp cùng khu đô thị sẽ phát triển.

Ngoài ra, tính tới thời điểm này, Luật Nhà ở 2014 cũng đã chính thức có hiệu lực được gần 3 năm. Theo đó, đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam được mở rộng nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài vào đầu tư, làm việc, sinh sống tại Việt Nam, trong đó có kiều bào, được sở hữu nhà; góp phần tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, kích thích nền kinh tế phát triển, phù hợp với xu hướng toàn cầu hóa hiện nay. Tại Diễn đàn Bất động sản Việt Nam thường niên lần thứ I, do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức tháng 11 năm 2017, đa số ý kiến đánh giá, so với quy định trước đó, Luật Nhà ở năm 2014 đã mở thêm lối ra cho thị trường bất động sản, với khung pháp lý cho người nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam khá hoàn thiện. Đối tượng mua nhà ở được mở rộng. Theo đó, cá nhân nước ngoài chỉ cần được phép nhập cảnh vào Việt Nam và không thuộc diện được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự, là được phép mua nhà ở tại Việt Nam. Loại nhà ở được sở hữu cũng mở rộng, từ căn hộ chung cư đến nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở. Thời gian sở hữu nhà ở tối đa 50 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận, và có thể được gia hạn thêm nếu có nhu cầu, thay vì không được gia hạn như quy định cũ...

Với việc vốn FDI đổ vào Việt Nam không ngừng gia tăng, sẽ có ngày càng nhiều người nước ngoài có nhu cầu sở hữu nhà đất để ổn định cuộc sống lâu dài. Chỉ xét riêng trường hợp Hàn Quốc, hiện nay đang có hàng trăm nghìn người Hàn Quốc sống ở Việt Nam, đây là một cộng đồng rất lớn, và theo khảo sát, phần lớn trong số đó có mong muốn ổn định cuộc sống lâu dài tại Việt Nam. Do vậy, nhu cầu

nhà ở của cộng đồng cư dân này là tương đối lớn, góp phần làm tăng nguồn cầu của thị trường BĐS nhà ở.

Theo thống kê của Tổng cục Thống kê Việt Nam, trong những năm gần đây, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng nhiều. Cụ thể theo báo cáo tình hình kinh tế xã hội của tổng cục, trong năm 2017, khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt 12,9 triệu lượt người, tăng 29,1% so với năm 2016 (tăng 2,9 triệu lượt khách) đạt con số kỉ lục từ trước đến nay. Đặc biệt, khách đến từ Hàn Quốc đạt 2.415,2 nghìn lượt người, tăng 56,4%. Việt Nam cũng lọt Top 10 thị trường tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ngày một tăng và yêu cầu đặt ra là họ cần được hưởng thụ những dịch vụ tốt nhất như: mua sắm, nghỉ dưỡng, giải trí… Không chỉ khách quốc tế mà ngay cả khách nội địa cũng ngày một khó tính khi đi du lịch. Tầng lớp trung lưu ở Việt Nam ngày một nhiều và họ chi ra khoản tiền không nhỏ để du lịch nghỉ dưỡng. Do vậy, theo đánh giá của CBRE, trong những năm tới, bất động sản nghỉ dưỡng vẫn sẽ là mối quan tâm của các nhà đầu tư trong nước cũng như quốc tế.

Đặc biệt, bất động sản Việt Nam sẽ được hưởng lợi cao nhất từ cộng đồng kinh tế ASEAN. Không những thế, môi trường đầu tư tại Việt Nam đang được cải thiện dần để gia nhập hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương. Từ đó, bất động sản Việt Nam sẽ thu hút được nhiều dòng vốn hơn. Trong tương lai không xa thì thị trường bất động sản Việt Nam sẽ đón nhận khá nhiều cơ hội to lớn về kinh tế tăng trưởng thu hút đông đảo nguồn vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài, hội nhập sâu rộng với các nước trong khu vực.

Như vậy, tiềm năng của lĩnh vực BĐS Việt Nam là rất lớn và nơi đây là một kênh đầu tư lý tưởng sau này cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Hơn nữa, như đã phân tích tại các phần trên, nguồn vốn trong nước thì có hạn, mà để đầu tư vào lĩnh vực BĐS thì cần rất nhiều tiền. Vì thế, đẩy mạnh việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực BĐS vẫn là nhiệm vụ quan trọng trong tương lai. Để làm được điều đó, việc cấp bách là khắc phục những điểm yếu, tháo nút các vướng mắc, khó khăn cho các nhà đầu tư nước ngoài, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực BĐS nước ta.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đầu tư TRỰC TIẾP của hàn QUỐC vào LĨNH vực bất ĐỘNG sản tại VIỆT NAM THỰC TRẠNG và GIẢI PHÁP (Trang 82 - 85)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(118 trang)