Sự cần thiết của chương trình nhãn sinh thái

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nội dung chương trình nhãn sinh thái trên thế giới kinh nghiệm và giải pháp cho việt nam (Trang 34 - 37)

1.2.2.1. Chương trình nhãn sinh thái là định hướng và công cụ cho việc phát triển của nhãn sinh thái

Để nhãn sinh thái có thể thực hiện được các mục tiêu đặt ra, chúng cần có một kế hoạch hành động cụ thể thông qua chương trình nhãn sinh thái. Chương trình nhãn sinh thái sẽ là định hướng và công cụ để phát triển nhãn. Đầu tiên, chương trình đóng vai trò xây dựng khái niệm, định nghĩa, tổ chức cho bản thân nhãn. Như đã phân tích trong phần khái niệm, nhãn sinh thái chỉ là một dấu hiệu để phân biệt các sản phẩm theo tiêu chí môi trường. Để đưa nhãn sinh thái ra cộng đồng, người triển khai sẽ cần phải định nghĩa được nhãn sinh thái đó là để xác nhận gì, do ai chứng nhận, cũng như có uy tín như thế nào. Đó chính là nhiệm vụ mà chương trình nhãn sinh thái sẽ phải thực hiện.

Trong một cách hiểu khác, nhãn sinh thái là một ý niệm, và chương trình nhãn sinh thái là sự triển khai cụ thể của ý niệm đó. Chương trình là sự cụ thể hóa các nội dung, cũng như cung cấp các phương tiện để nhãn sinh thái có thể đến với nhà sản xuất và người tiêu dùng. Mặt khác, chương trình cũng đảm bảo để nhãn sinh thái được sử dụng đúng với ý nghĩa mà nó được tạo nên. Chương trình nhãn sinh thái cũng là một quá trình mang tính dài hạn. Qua đó, chương trình theo dõi sự phản hồi của cộng đồng về các sản phẩm gắn nhãn, về tác động và hiệu quả của nhãn, để có

thể đưa ra những quyết định phù hợp trong từng thời điểm. Việc tiến hành đánh giá hiệu quả theo từng giai đoạn, theo các tiêu chí được đưa ra theo từng công việc trong chương trình sẽ giúp người làm nhãn kiểm soát được chất lượng và uy tín của sản phẩm nhãn.

Một trách nhiệm nữa mà chương trình nhãn sinh thái phụ trách trong việc định hướng nhãn sinh thái đi đúng với trách nhiệm và nghĩa vụ chính là tính kế thừa. Nhãn sinh thái không chỉ là sản phẩm của một cá nhân hay một nghiên cứu nào. Nó là sản phẩm của tập thể những cán bộ làm việc trong chương trình nhãn đó. Việc thành lập chương trình lưu giữ toàn bộ những nội dung, cũng như các hoạt động xây dựng, vận hành nhãn sẽ giúp triển khai công việc đến các nhân lực mới cũng như giúp việc thực hiện trở nên thuận lợi và chặt chẽ hơn.

1.2.2.2. Chương trình nhãn sinh thái là xu hướng tất yếu trong việc hợp tác thương mại của các quốc gia

Trong bối cảnh toàn cầu hóa diễn ra ngày một mạnh mẽ, việc gỡ bỏ các rào cản thương mại được thực hiện ngày một mạnh mẽ trong giao dịch thương mại quốc tế, các điều kiện về môi trường của sản phẩm trở nên cần thiết hơn bao giờ hết trong việc đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững. Việc xóa bỏ các hàng rào khiến cho khối lượng hàng hóa được lưu thông qua biên giới phát triển một cách mạnh mẽ. Sự quan ngại của các quốc gia về chất lượng của hàng hóa đối với môi trường nơi người tiêu dùng sử dụng và thải những hàng hóa đó cũng trở thành mối suy nghĩ của các chính phủ. Một chương trình nhãn sinh thái thành công tại quốc gia sản xuất có thể phần nào làm hài lòng quốc gia tiêu dùng khi đảm bảo sự an toàn cho họ. Đi cùng với sự mở cửa về kinh tế là sự phát triển của khoa học công nghệ cũng như đời sống người dân. Khoa học công nghệ giúp sản phẩm ngày một hiện đại, và cung cấp nhiều lựa chọn hàng hóa hơn. Sự nâng cao về mặt dân trí giúp cho mối quan tâm của người tiêu dùng chuyển dần từ giá cả thấp sang sản phẩm an toàn. Chương trình nhãn sinh thái sẽ phần nào đáp ứng được nhu cầu của người dân trọng việc lựa chọn sản phẩm thân thiện với môi trường.

Chương trình nhãn sinh thái còn có thể được sử dụng thay thế cho những rào cản phi thương mại trong ngoại thương quốc tế. Vấn đề kinh tế môi trường là mối quan tâm chung của các quốc gia trên thế giới. Do vậy, nếu có một chương trình nhãn sinh thái phù hợp với một nhóm các quốc gia, có thể giúp thống nhất các tiêu chuẩn môi trường giữa họ, khi đó các rào cản phi thương mại theo tiêu chí môi trường sẽ được cắt giảm. Chương trình nhãn sinh thái ở đây sẽ giúp cho các quốc gia có thể cắt bỏ được việc phải ban hành những quy tắc pháp luật về tiêu chuẩn môi trường cho hàng hóa nhập khẩu, từ đó tránh được nhận định về rào cản thương mại, tăng cường hoạt động kinh doanh giữa các bên.

1.2.2.3. Chương trình nhãn sinh thái là công cụ sử dụng trong việc nâng cao ý thức tiêu dùng của cộng đồng

Bằng việc hiện thực hóa các nội dung của nhãn sinh thái trong chương trình thực hiện, Chính phủ có thêm một công cụ để nâng cao ý thức cộng đồng trong vấn đề tiêu dùng. Chương trình nhãn sinh thái có bộ máy quản lý riêng, độc lập, nhưng trên hết, nó vẫn chịu sự quản lý của những cơ quan nhà nước chủ quản. Do vậy, chính phủ hoàn toàn có thể tận dụng chương trình nhãn sinh thái trong hoạt động giáo dục và tuyên truyền. Hơn ai hết, chính những người làm chương trình là những người mong muốn cộng đồng tiếp nhận sự hiện diện của nhãn, cũng như ủng hộ cho uy tín của nhãn. Trên thực tế, nếu nhãn sinh thái không làm người tiêu dùng phát sinh sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng, thì sẽ không có căn cứ để thu hút các doanh nghiệp tham gia chương trình. Các nhà sản xuất là những đối tượng chỉ hành động theo các phản ứng của thị trường. Do vậy, tạo ra nguồn cầu lớn về các sản phẩm gắn nhãn sinh thái sẽ thu hút được sự quan tâm của họ và giúp nhãn sinh thái trở nên uy tín và có tiếng nói hơn.

Chương trình nhãn sinh thái, bằng những công cụ và nỗ lực của riêng họ, sẽ hành động thu hút sự chú ý, quan tâm của cộng đồng, từ đó nâng cao ý thức của cộng đồng về việc sử dụng những sản phẩm an toàn hơn đối với môi trường. Quá trình vận động cộng đồng này cần nhiều thời gian và tâm huyết của những nhân lực tham gia vào chương trình. Họ sẽ tập trung và cùng phấn đấu để đưa sản phẩm nhãn sinh thái của mình được công nhận và trở nên thành công. Chính phủ có thể sử dụng

toàn bộ chương trình nhãn sinh thái để phụ trách vấn đề giáo dục này. Sự hợp tác giữa chính phủ và chương trình nhãn sinh thái là sự hợp tác mang lại lợi ích cho cả hai phía. Về phía chính phủ, chương trình giúp tiết kiệm nhân lực, chi phí trong việc xây dựng những quy phạm về kinh tế môi trường, cũng như việc tiến hành phổ biến thông tin. Về phía chương trình, sự công nhận của chính phủ là bước đầu tiên tạo dựng uy tín cho nhãn sinh thái. Tiếp sau đó, sự ủng hộ của chính phủ giúp chương trình trở thành chính thống. Và, do bản thân của chương trình vẫn giữ một phần độc lập, không phải là một cơ quan hoàn toàn do chính phủ quản lý, nên sự tin tưởng về tính khách quan của các đối tượng khác trong cộng đồng sẽ cao hơn, đặc biệt là khi xuất hiện các yếu tố nước ngoài.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nội dung chương trình nhãn sinh thái trên thế giới kinh nghiệm và giải pháp cho việt nam (Trang 34 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(108 trang)