Lịch sử ra đời và quá trình phát triển của nhãn EU Ecolabel

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nội dung chương trình nhãn sinh thái trên thế giới kinh nghiệm và giải pháp cho việt nam (Trang 40 - 43)

Tháng 12/1991, Hội đồng Bộ trưởng môi trường của EU đã thông qua Chương trình cấp nhãn sinh thái EU (gọi tắt là Chương trình) theo Quyết định số 880/92 ngày 23/3/1992, hiệu lực vào tháng 10/1992 nhằm mục đích thúc đẩy việc thiết kế, sản xuất, bán và sử dụng sản phẩm/dịch vụ xanh, giảm nhẹ tác động đến môi trường trong toàn bộ vòng đời của sản phẩm (từ lúc sử dụng nguyên, nhiên liệu sản xuất đến lúc loại bỏ sản phẩm), cung cấp cho người tiêu dùng thông tin về sản phẩm xanh. Chương trình đầu tiên có sự tham gia của 18 nước trong đó 15 nước là thành

viên của EU và 3 nước Na-uy, Ai-xơ-len, Liechtenstein. Hiện nay, cùng với sự mở rộng của EU, số lượng nước thành viên của chương trình đã lên tới 28 nước: Pháp, Đức, Italia, Bỉ, Hà Lan, Luxembourg, Anh, Ireland, Đan Mạch, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Áo, Thụy Điển, Phần Lan, Séc, Hunggari, Ba Lan, Slovakia, Slovenia, Litva, Latvia, Extonia, Malta, Síp, Bungari và Rumani và Croatia.

Nhãn sinh thái EU Ecolabel (biểu tượng bông hoa) là nhãn hiệu sinh thái của Châu Âu, cấp cho hàng hoá/dịch vụ, không gồm thực phẩm, đồ uống, dược phẩm, là dấu hiệu nhận biết sản phẩm dịch vụ có tác động đến môi trường giảm hơn sản phẩm cùng loại, đáp ứng tập hợp các tiêu chí môi trường công bố bởi các quốc gia thành viên EU.

Hình 2.1: Hình ảnh nhãn sinh thái EU Ecolabel

Chương trình đã trải qua các lần sửa đổi vào các năm 1996, 2000, 2005, 2008, 2010. Sửa đổi năm 1996 là lần sửa đổi đầu tiên, mang tính làm rõ ràng cho các quy định trong quyết định thành lập chương trình vào năm 1992, sau khi chương trình kết thúc giai đoạn thử nghiệm. Sửa đổi năm 2000 tập trung vào việc phân định hoạt động giữa nhãn EU Ecolabel và các nhãn sinh thái của các quốc gia thành viên (như nhãn Blue Angel của Đức hay nhãn Swan của khu vực Bắc Âu). Theo đó, Nghị viện và Hội đồng châu Âu cho rằng: “Trong khi các chương trình nhãn sinh thái mới cũng như hiện có của các quốc gia thành viên có thể tiếp tục phát sinh và tồn tại, các thành viên cần phải đảm bảo sự phối hợp giữa nhãn sinh thái Cộng đồng - nhãn EU Ecolabel và các chương trình nhãn sinh thái khác, để thúc đẩy các mục tiêu chung của tiêu dùng bền vững của Cộng đồng Châu Âu (EC, 2000). Sửa đổi năm 2005 đã mở rộng lĩnh vực sản phẩm áp dụng chương trình, từ hàng hoá đã mở rộng đến dịch vụ, cho phép cấp nhãn cho đại lý, đưa ra cách tính lệ phí mới với sự miễn

giảm cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, tăng tính minh bạch và sự tham gia của các bên liên quan trong quá trình xây dựng tiêu chí kỹ thuật. Sửa đổi năm 2008 tập trung về việc sửa đổi Quy chế Nhãn sinh thái của EU, đặt ra nhiệm vụ cho chương trình trong việc xây dựng các tiêu chí phù hợp, nâng cao số lượng tiêu chí được xác nhận để đưa vào quá trình vận hành, nâng cao quá trình vận hành của chương trình (Simon Grandy, 2015). Sửa đổi gần đây nhất là vào năm 2010, quy định hệ thống vận hành, tổ chức của chương trình từ cấp Liên minh đến quốc gia, được thể hiện trong Quyết định số 66/2010 của Nghị viện và Hội đồng Châu Âu.

Với lịch sử 27 năm hình thành và phát triển, nhãn EU Ecolabel được công nhận trên khắp châu Âu và trên toàn thế giới, EU Ecolabel là nhãn hiệu xuất sắc về môi trường được trao cho các sản phẩm và dịch vụ đạt tiêu chuẩn môi trường cao trong suốt vòng đời của chúng: từ khai thác nguyên liệu, sản xuất, phân phối và xử lý. Các tiêu chí Nhãn sinh thái EU Ecolabel cung cấp các hướng dẫn cấp thiết cho các công ty đang tìm cách giảm tác động môi trường và đảm bảo hiệu quả của các hành động môi trường của họ thông qua các biện pháp kiểm soát của bên thứ ba. Hơn nữa, nhiều công ty chuyển sang các tiêu chí Ecolabel của EU để được hướng dẫn về các thực hành tốt nhất thân thiện với môi trường khi phát triển các dòng sản phẩm của họ.

Với việc chứng nhận hơn 54.000 sản phẩm và dịch vụ trên thị trường, Nhãn sinh thái EU Ecolabel được công nhận trên khắp châu Âu. Việc sản phẩm mang nhãn EU Ecolabel sẽ mang lại cho các công ty sản xuất những lợi thế canh tranh khi thâm nhập vào thị trường rộng lớn này bởi các lý do sau:

+ Ở cấp độ B2C, việc nâng cao nhận thức về lợi ích của các sản phẩm thân thiện với môi trường tạo ra môi trường thuận lợi cho thị trường xanh khi người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến việc mua các sản phẩm thân thiện với môi trường. Nhãn sinh thái EU tạo điều kiện cho người tiêu dùng lựa chọn ủng hộ sản phẩm của nhà sản xuất vì Nhãn sinh thái EU là nhãn đáng tin cậy và dễ nhận biết trên toàn EU.

+ Trong hoạt động B2B, các doanh nghiệp đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng khi cần phải sản xuất các sản phẩm mang nhãn sinh thái theo tiêu chuẩn ISO 14024 (Loại I) để đáp ứng các yêu cầu mua sắm - do chương trình này bao gồm việc kiểm tra tuân thủ bởi các chứng nhận độc lập, đủ điều kiện. Nhãn sinh thái EU Ecolabel là một chứng nhận cho việc kiểm tra đó, là chìa khóa để mở ra các cơ hội kinh doanh mới cho các doanh nghiệp.

+ Việc đăng ký thành công chương trình nhãn EU Ecolabel thể hiện nỗ lực của doanh nghiệp trong công cuộc tối ưu hóa các sản phẩm và quy trình sản xuất của mình. Điều này đồng thời sẽ làm sẽ tăng lợi nhuận và danh tiếng của công ty, cũng như khiến thương hiệu nổi bật giữa các đối thủ cạnh tranh.

+ Việc xây dựng các tiêu chí cấp nhãn được xây dựng trên tiền đề đảm bảo rằng 10% đến 20% sản phẩm thân thiện với môi trường nhất hiện có trên thị trường có thể đáp ứng chúng. Như vậy, các tiêu chí cấp nhãn sẽ trở nên phù hợp và khả thi đối với các doanh nghiệp.

+ Chương trình EU Ecolabel cung cấp những ưu đãi đặc biệt cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ cũng như các ứng viên đến từ các nền kinh tế đang phát triển nhằm tạo điều kiện cho việc đăng ký chương trình trở nên thuận lợi nhất.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nội dung chương trình nhãn sinh thái trên thế giới kinh nghiệm và giải pháp cho việt nam (Trang 40 - 43)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(108 trang)