1.2.3.1. Định hướng của các chính phủ
Trên thế giới hiện nay, phần lớn các chương trình nhãn sinh thái được xây dựng dựa trên định hướng của các chính phủ trong chiến lược phát triển bền vững. “Blue Angel - Thiên thần Xanh” là nhãn sinh thái đầu tiên trên thế giới đầu tiên và được áp dụng đến tận hiện nay. Nhãn được sáng lập vào năm 1978 theo sáng kiến của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Liên bang Đức và chấp thuận bởi Bộ trưởng Bộ Môi trường của chính phủ Liên bang Đức cũng như các tiểu bang của liên bang. Chương trình nhãn sinh thái của EU - EU Ecolabel được đưa ra vào tháng 12/1991 bởi Hội đồng Bộ trưởng môi trường của EU. Hiện tại, chương trình được điều hành tối cao bởi chính Nghị viên và Hội đồng châu Âu EC. Chương trình “Nhãn Xanh Singapore”, hay Singapore Green Labelling Scheme -SGLS, được chính thức ra mắt vào tháng 5/1992, theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Môi trường và Tài nguyên nước Singapore tại thời điểm đó. Như vậy, các chương trình nhãn sinh thái đầu tiên đều xuất phát từ nhu cầu của chính phủ các quốc gia trong việc hình thành tổ chức quy chuẩn thực hiện các nhãn sinh thái mang tầm quốc gia. Nỗ lực của chính phủ chính là tiền đề cũng như sự ủng hộ không nhỏ cho các chương trình nhãn sinh thái duy trì và phát triển. Nhận định được đưa ra trong việc phân tích này là mối quan tâm của chính phủ về kinh tế môi trường sẽ tạo động lực cho chương trình nhãn sinh thái của quốc gia đó ra đời, cũng như đi vào hoạt động thực tế.
1.2.3.2. Trình độ khoa học và công nghệ của quốc gia nơi thực hiện chương trình
Các tiêu chuẩn trong việc xây dựng bộ tiêu chí của chương trình nhãn sinh thái là khác nhau giữa các chương trình cũng như giữa các quốc gia. Theo đó, một quốc gia có trình độ khoa học kỹ thuật phát triển hơn sẽ có những tiêu chuẩn khắt khe hơn trong bộ tiêu chí của mình. Mặc dù nền tảng chung của các tiêu chí trong chương trình nhãn sinh thái là bộ tiêu chuẩn cho các sản phẩm theo ISO 14000, các chương trình đều có sự thay đổi, điều chỉnh để phù hợp với trình độ của các nhà sản xuất tại quốc gia mình.
Sự khác biệt này năm trong năng lực kiểm định, điều tra và theo dõi của mỗi quốc gia là khác nhau. Chúng ta không thể yêu cầu tất cả các quốc gia phải áp dụng chung tiêu chuẩn khi điểm xuất phát của mỗi bên là khác nhau. Như vậy, bản thân trình độ của quốc gia nơi chương trình nhãn sinh thái được sinh ra cũng có ảnh hướng đến nội dung của nhãn sinh thái đó.
1.2.3.3. Trình độ dân trí và đời sống của quốc gia nơi thực hiện chương trình
Chương trình nhãn sinh thái hoàn toàn không phải là chương trình miễn phí. Để có thể tham gia chương trình, các nhà sản xuất sẽ phải chi trả các chi phí để tiến hành kiểm định, cũng như các chi phí tham gia nhãn. Những chi phí này sẽ được tính vào giá thành sản xuất và khiến giá bán cho sản phẩm gắn nhãn sinh thái trở nên cao hơn so với các sản phẩm không tham gia gắn nhãn.
Mối quan hệ giữa thu nhập, trình độ người tiêu dùng ảnh hưởng thuận chiều đến thành công của chương trình nhãn sinh thái. Trên thực tế, chương trình nhãn sinh thái chỉ phổ biến ở các quốc gia phát triển. Tại các quốc gia đang phát triển, phần lớn đều chưa có nhiều thành tựu trong chương trình này. Ở đó, vấn đề nhãn sinh thái chỉ đơn thuần là mối quan tâm của các doanh nghiệp khi tiến hành xuất khẩu vào các thị trường mà người tiêu dùng phổ biến lựa chọn sự tin tưởng vào chương trình như EU, Nhật Bản, Singapore, …
TIỂU KẾT CHƯƠNG I
Chương I được tác giả xây dựng với mục đích đưa ra những lý luận liên quan đến nhãn sinh thái và nội dung chương trình nhãn sinh thái, đã trình bày các nội dụng cơ bản sau:
Phần một đưa ra những khái niệm cơ bản về nhãn sinh thái, phân tích tính tất yếu của sự ra đời nhãn sinh thái trong thực tiễn kinh tế thế giới. Đồng thời xem xét mục đích của việc sử dụng nhãn sinh thái một cách chính thức và không chính thức. Phân tích việc phân loại các nhãn sinh thái dựa trên các nguyên tắc và tiêu chuẩn của ISO 14000.
Phần hai xây dựng nên hệ thống khung lý luận để phân tích nội dung chương trình nhãn sinh thái gồm hai phần xây dựng và vận hành. Tiến hành nghiên cứu sự cần thiết phải có chương trình nhãn sinh thái, cũng như các yếu tố ảnh hưởng đến chương trình nhãn sinh thái là gì.
Qua việc xây dựng hệ thống lý luận tại Chương I, các bước phân tích nội dung chương trình nhãn sinh thái tại Chương II sẽ được thực hiện đầy đủ, hợp lý, và có tính thuyết phục.
CHƯƠNG 2: PHÂN TÍCH NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH NHÃN SINH THÁI TRÊN THẾ GIỚI VÀ KINH NGHIỆM CHO VIỆT NAM
Trên thế giới hiện có rất nhiều chương trình nhãn sinh thái được xây dựng và vận hành thành công. Chúng đến từ những quốc gia phát triển cũng như các quốc gia đang phát triển. Một số nhãn sinh thái tiêu biểu như các nhãn sinh thái của EU, của Nhật Bản, của Singapore, của Thái Lan, … Trong phạm vi luận văn, tác giả nghiên cứu hai chương trình nhãn sinh thái đến từ cả hai nhóm nước này: đại diện cho nhóm chương trình nhãn sinh thái của các nước phát triển là chương trình nhãn sinh thái EU Ecolabel; đại diện cho nhóm chương trình nhãn sinh thái của các quốc gia đang phát triển là chương trình nhãn sinh thái của Thái Lan Green label. Nhãn sinh thái EU Ecolabel là một trong những nhãn có quy mô sử dụng lớn nhất khi đó là nhãn được Nghị viện và Hội đồng châu Âu thiết lập để sử dụng cho toàn bộ khối liên minh. Đây cũng là một trong những chương trình nhãn sinh thái thành công nhất khi thu hút số lượng sản phẩm đăng ký tham gia chương trình lên đến hơn 70 nghìn. Chương trình nhãn sinh thái Green label của Thái Lan là chương trình của một quốc gia có trình độ phát triển không quá khác biệt so với Việt Nam. Hơn nữa, hai quốc gia nằm trong cùng khối ASEAN, và có những tương đồng trong tình hình kinh tế, dân trí,… Do vậy việc phân tích bài học kinh nghiệm của chương trình nhãn sinh thái Thái Lan sẽ có tác dụng khi đối chiếu và so sánh với chương trình nhãn sinh thái của Việt Nam.