Chương trình nhãn sinh thái Green Label của Thái Lan được khởi nguồn từ một ý tưởng về chương trình ghi nhãn của Viện Môi trường Thái Lan (TEI) và Hội đồng kinh doanh Phát triển bền vững Thái Lan (TBCSD) đưa ra vào năm 1993.
Chương trình chính thức được ra mắt vào tháng 8/1994 do sự hợp tác giữa TEI và Viện Tiêu chuẩn Công nghiệp Thái Lan (TISI) thuộc Bộ Công nghiệp Thái Lan. Trong quá trình thiết lập chương trình, Bộ Công nghiệp Thái Lan đã tiến hành tham khảo ý kiến của Cơ quan Môi trường Liên bang Đức - người đã rất thành công với chương trình nhãn sinh thái Blue Angle để có thể thành lập chương trình một các hoàn thiện và thành công nhất.
Hình 2.5: Biểu tượng chương trình nhãn Green Label Thái Lan
Về phân loại, nhãn sinh thái Green Label của Thái Lan là nhãn môi trường loại 1 theo phân loại của ISO. Điều đó có nghĩa là việc tham gia chương trình là hoàn toàn tự nguyện đối với mọi đối tượng phù hợp. Chương trình nhãn sinh thái Geen label được xây dựng để áp dụng cho các sản phẩm và dịch vụ, loại trừ thực phẩm, đồ uống và dược phẩm. Chương trình đồng thời trao cơ hội được chứng nhận cho các nhà sản xuất, nhà bán lẻ, nhà nhập khẩu, cả nhà cung cấp trong và ngoài nước.
Mục tiêu chính của chương trình Green Label được tạo ra dựa trên xuất phát điểm là nhu cầu của Thái Lan trong vấn đề phát triển bền vững theo nguyên tắc tuân thủ các nguyên tắc phát triển kinh tế quốc gia song song với việc bảo vệ môi trường. Chương trình đặt ra ba mục tiêu lớn bao gồm:
Giảm ô nhiễm môi trường chung trong cả nước;
Cung cấp thông tin trung lập cho người tiêu dùng về các sản phẩm và dịch vụ có tác động môi trường ít hơn so với các sản phẩm hoặc dịch vụ thực hiện cùng chức năng;
Thúc đẩy các nhà sản xuất sử dụng công nghệ sạch hoặc phương pháp sản xuất có tác động môi trường thấp, để mang lại lợi nhuận kinh tế cho chính các nhà sản xuất trong dài hạn.
Chương trình nhãn sinh thái Green Label hiện tại đang có 124 nhóm sản phẩn được xây dựng tiêu chí, bao gồm rộng khắp các sản phẩm trong đời sống tiêu dùng, như sản phẩm xây dựng (ví dụ: vật liệu cách nhiệt, sơn, gạch), đồ điện tử (ví dụ: máy tính, đèn, tivi), sản phẩm tẩy rửa (ví dụ: chất tẩy rửa, xà phòng, dầu gội) đến các dịch vụ như dịch vụ giặt ủi,…