Bài học kinh nghiệm cho quá trình xây dựng chương trình nhãn sinh

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nội dung chương trình nhãn sinh thái trên thế giới kinh nghiệm và giải pháp cho việt nam (Trang 67 - 69)

Thông qua việc phân tích trong quá trình xây dựng chương trình nhãn sinh thái của EU và Thái Lan, một số bài học sẽ được rút ra để áp dụng cho quá trình xây dựng cơ cấu tổ chức, lựa chọn sản phẩm và xây dựng bộ tiêu chí đối với chương trình nhãn sinh thái của Việt Nam hiện nay.

Đầu tiên, trong qua trình tổ chức cơ cấu cơ quan quản lý chương trình nhãn sinh thái, Việt Nam cần tổ chức cơ quan có đầy đủ dại diện của các thành phần thị trường. Sự đầy đủ này không chỉ cần được đảm bảo trong cơ cấu tổ chức, mà còn phải được đảm bảo trong việc ra các quyết định mang tính xây dựng chương trình bao gồm việc lựa chọn sản phẩm và xây dựng tiêu chí.

Thứ hai, chương trình nhãn sinh thái cần được xây dựng theo hướng là chương trình chung và bao quát các chương trình nhãn sinh thái khác của các địa phương (như chương trình EU Ecolabel), hay có mối liên kết rõ ràng với các chương trình nhãn sinh thái khác trong phạm vi toàn quốc với mục tiêu chung là phát triển bền vững (như chương trình Green Label của Thái Lan). Ưu điểm của việc duy trì một chương trình trong phạm vi toàn quốc gia theo ưu tiên số một là việc tổng lực toàn bộ các nguồn lực từ hữu hình đến vô hình cho duy nhất một chương trình sẽ khiến chương trình có động lực phát triển. Đồng thời, tạo điều kiện thực hiện dễ dàng cho các đối tượng đăng ký. Trong một hướng phát triển khác, khi nhiều chương trình nhãn sinh thái được áp dụng đồng thời trong quy mô quốc gia, chúng ta cần phải

xây dựng mối liên kết chặt chẽ cho các chương trình, biến chúng thành một mạng lưới vững chắc và mạnh mẽ. Điều này được thể hiện rõ ràng trong mối quan hệ giữa Green Label và chương trình Giỏ hàng xanh của chính phủ Thái Lan.

Thứ ba, trong vấn đề lựa chọn sản phẩm nghiên cứu đưa vào chương trình nhãn sinh thái, kinh nghiệm thực tiễn của chương trình EU Ecolabel và Green Label Thái Lan đều cho thấy chương trình cần phải đưa các sản phẩm là hàng hóa và dịch vụ vào lịch trình triển khai xây dựng tiêu chí. Các mặt hàng liên quan đến thực phẩm, đồ uống, và thuốc sẽ là các sản phẩm loại trừ cho các chương trình nhãn sinh thái. Việc loại trừ sản phẩm thực phẩm, đồ uống, và thuốc không phải do không thể lượng hóa và xây dựng các bộ tiêu chí cho sản phẩm này. Vấn đề nằm ở chỗ đây không phải là những sản phẩm mang tính đồng nhất trên thị trường, mùi vị và công dụng khác nhau biến những sản phẩm thuộc loại này trở nên khác biết, khó có tính thống nhất. Một mặt khác, các sản phẩm thuộc loại thực phẩm, đồ uống, thuốc có công thức được coi là bí mật kinh doanh. Do vậy, việc tiến hành minh bạch trong xây dựng bộ tiêu chí sẽ bị hạn chế khi phải đảm bảo các nguyên tắc này.

Thứ tư, việc lựa chọn sản phẩm cần phải có nhu cầu tiêu dùng hợp lý trên thị trường. Sản phẩm phải có một số lượng bán ra đi vào tiêu dùng cuối cùng với quy mô đáng kể. Điều này nhằm tránh lãng phí khi tiến hành xây dựng bộ tiêu chí cho những sản phẩm mà thị trường chưa thực sự cần các chứng nhận nhãn sinh thái. Sự lãng phí ở đây chúng ta không chỉ xét trên hía cạnh tài chính mà còn trên cả khía cạnh thời gian và sức lực khi tiến hành các công việc đó.

Thứ năm, xây dựng bộ tiêu chí cần phản ánh và cập nhật trình độ khoa học công nghệ theo thời gian. Các tiêu chí cần được tiến hành đổi mới theo sự phát triển của khoa học công nghệ. Kinh nghiệm này được Việt Nam tiếp thu khá tốt trong chương trình Nhãn xanh Việt Nam. Khoảng 4 năm một lần, tiêu chí xét duyệt sản phẩm của Nhãn xanh Việt Nam lại được thay đổi dựa trên thực tế sản xuất. Tuy nhiên, mới chỉ có một số tiêu chuẩn được sửa đổi, một số khác vẫn được áp dụng nguyên sau 5-6 năm công bố. Nguyên nhân tái sử dụng có thể là do bộ tiêu chí vẫn còn phù hợp với công nghệ sản xuất. Tuy nhiên, điều đó vô hình chung thể hiện sự chậm phát triển, chậm đổi mới của nền sản xuất tại Việt Nam.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nội dung chương trình nhãn sinh thái trên thế giới kinh nghiệm và giải pháp cho việt nam (Trang 67 - 69)