7. Bố cục của luận văn
4.1.2. Thuận lợi và Thách thức đối với các công ty Y tế Việt Nam
4.1.2.1. Thuận lợi
Việt Nam có gần 94 triệu dân, có thể đạt 99 triệu vào năm 2018; theo thống kê thì mức thu nhập trung bình khoảng 1200 USD/người. Trong đó, quy mô của Ngành Y tế, dược phẩm nước ta rơi vào khoảng hơn 1 tỷ USD và mức cung cấp của các công ty nội địa khoảng hơn 50% nhu cầu người dân. Điều này cho thấy tiềm năng phát triển của ngành trong tương lai là rất lớn.
Nền kinh tế tiếp tục phát triển với tốc độ cao trong khi chi phí cho y tế còn thấp nên theo xu hướng chung, tỷ lệ này sẽ tăng nhanh trong các năm tới, đặc biệt là chi phí cho thuốc men cũng sẽ tăng nhanh và được dự đoán là sẽ tăng gấp đôi trong mỗi 5 năm. Đây là những con số thể hiện sự phát triển không ngừng của ngành Y tế và là tiềm năng để ngành Y tế tiếp tục phát triển trong những năm tới.
Bên cạnh đó, ngành Y tế cũng thu hút được sự đầu tư của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đây là một thuận lợi cho việc huy động vốn để đầu tư, hợp tác, mở
rộng sản xuất, nghiên cứu phát triển.
Đây là ngành đặc biệt nên chính phủ vẫn có sự kiểm soát về giá thuộc hệ thống phân phối. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty kinh doanh trong ngành.
4.1.2.2. Thách thức
Thứ nhất, sản xuất dược phẩm Việt Nam còn phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Hiện nay, khoảng 70-80% nguyên liệu hóa dược phải nhập khẩu, trong khi tỷ giá thường xuyên thay đổi, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến các chi phí sản xuất thuốc. Chỉ có khoảng hơn 10% nguyên liệu làm thuốc (bao gồm cả dược chất và tá dược) ta tự sản xuất được, và chủ yếu là các mặt hàng đơn giản và phần lớn là tá dược như các hợp chất vô cơ, một số hóa dược có nguồn gốc dược liệu.
Theo thống kê số công ty sản xuất thuốc trong nước đang chiếm trên 85% trong tổng số công ty dược hoạt động ở Việt Nam, song thuốc nhập khẩu lại chiếm 60-70% thị trường. “Sản phẩm của các công ty trong nước đa phần là các loại thuốc phiên bản trong khi người dân vẫn dành sự tin tưởng cho thuốc ngoại, đặc biệt là thuốc đặc trị”. Ngoài ra, trang thiết bị Y tế cũng còn phải nhập khẩu hơn 90%.
Thứ hai, trình độ kỹ thuật, công nghệ sản xuất thuốc còn thấp và chưa được đầu tư đúng hướng. Các công ty trong nước chưa chú trọng việc nghiên cứu và phát triển các sản phẩm về chiều sâu mà hiện tại chỉ mới tập trung ở nhóm những sản phẩm tương tự nhau, dẫn đến sản xuất trùng lặp, chất lượng chưa cao, làm mất uy tín doanh nghiệp và ảnh hưởng đến thị phần của thuốc nội. Điều này còn dẫn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp và mất khả năng cạnh tranh.
Ngoài ra, kinh phí cho các đề tài nghiên cứu dược còn thấp và hạn hẹp; trang thiết bị của từng nhóm nghiên cứu thiếu và không đồng bộ, không đạt chuẩn cho những nghiên cứu sâu chuyên ngành, đặc biệt là những trang thiết bị đặc thù; chưa có sự phối hợp, hợp tác nghiên cứu để giải quyết những bài toán khó trong nghiên cứu khoa học; đội ngũ chuyên gia hóa dược còn thiếu, đặc biệt là chuyên gia nghiên cứu về công nghệ. Việt Nam còn thiếu công nghiệp hóa chất cơ bản phục vụ cho tổng hợp hóa dược. Công tác nghiên cứu và phát triển thị trường chưa được coi
trọng, cùng với đó là sự cạnh tranh rất lớn của các công ty dược phẩm nước ngoài vào Việt Nam.