Tổng quan về thị trường hàng không và thị trường cung ứng nhiên liệu hàng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoạt động logistics trong công tác cung ứng nhiên liệu hàng không tại công ty TNHH một thành viên nhiên liệu hàng không việt nam (skypec) (Trang 41 - 46)

hàng không tại Việt Nam

2.1.1. Tình hình hoạt động của các hãng hàng không tại Việt Nam

Theo Cục Hàng không Việt Nam (HKVN), thị phần lớn nhất hiện nay thuộc về Vietnam Airlines Group (gồm Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, VASCO). Số liệu Cục HKVN cho biết, năm 2018 tổng sản lượng vận chuyển của Vietnam Airlines và các hãng thành viên đạt trên 28 triệu lượt khách, chiếm 56% thị phần; Vietjet chiếm 44% thị phần. Thị trường hàng không Việt Nam đang có sức hút lớn đối với các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Bên cạnh hãng hàng không tư nhân Bamboo Airways vừa chính thức cất cánh, thị trường hứa hẹn sẽ có thêm nhân tố mới khi dự án lập hãng hàng không của công ty Vietravel và thỏa thuận của Tập đoàn Thiên Minh với Air Asia được hiện thực hóa. Cơ hội đầu tư vào lĩnh vực hàng không ở Việt Nam chưa bao giờ trở nên hấp dẫn như hiện nay.

Tại thị trường quốc tế, 68 hãng hàng không nước ngoài và 3 hãng hàng không Việt Nam (gồm Vietnam Airlines, Jetstar Pacific và Vietjet) đang khai thác gần 130 đường bay quốc tế giữa Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Hải Phòng tới 28 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tại thị trường nội địa, 4 hãng hàng không Việt Nam hiện đang khai thác 48 đường bay nội địa nối Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh với 18 sân bay địa phương theo hệ thống mạng đường bay trục-nan, liên vùng, nội vùng rộng khắp toàn quốc.

Đáng lưu ý, thị trường đã có sự phân hóa mạnh. Vietnam Airlines Group có các sản phẩm bao phủ mọi phân khúc khách hàng. Trong đó, Vietnam Airlines tập trung nguồn lực phát triển dịch vụ trung và cao cấp đạt tiêu chuẩn 4 sao quốc tế trên toàn mạng. Đồng thời thực hiện chiến lược sản phẩm thương hiệu kép với Jetstar Pacific ở các đường bay nội địa để phục vụ phân khúc giá rẻ. Ngoài ra, Vietnam Airlines cũng chuyển giao các đường bay ngắn, đường bay chính trị cho VASCO

khai thác bằng tàu bay loại nhỏ, phù hợp với hạ tầng các sân bay địa phương. Còn Vietjet tập trung khai thác ở phân khúc giá rẻ.

Tính đến năm 2018 Vietnam Airlines Group đang khai thác 109 đường bay, bao gồm 69 đường bay quốc tế và 40 đường bay nội địa. Với đội tàu bay hiện đại, Vietnam Airlines đang tập trung khai thác hiệu quả thị phần quốc tế thông qua các hoạt động bay thường lệ, bay thuê chuyến (charter) và hoạt động hợp tác với các hãng nước ngoài (bay liên danh). Nếu tính chung cả hoạt động hợp tác liên danh với các hãng nước ngoài, Vietnam Airlines Group đã phủ mạng bay tới 149 điểm đến tại 35 quốc gia và vùng lãnh thổ với 256 đường bay.

Trong khi đó, hãng giá rẻ Vietjet khai thác 67 đường bay, gồm 39 đường bay nội địa và 28 đường bay quốc tế. Theo số liệu thống kê của các hãng hàng không, thị phần khách vận chuyển quốc tế của Vietjet nếu không tính các chuyến bay charter thì chỉ chiếm khoảng 12%, trong khi Vietnam Airlines Group chiếm 31%. Năm 2018, ngành hàng không Việt Nam tiếp tục có những bước phát triển ổn định với tăng trưởng hành khách đạt 14% cũng như chuẩn bị đón thêm hãng bay, sân bay mới. (Nhật Minh, Hãng hàng không nào giữ thị phần lớn nhất tại Việt Nam?, 2019, tại địa chỉ https://dantri.com.vn/kinh-doanh/hang-hang-khong-nao-giu-thi-phan-lon- nhat-tai-viet-nam-20190131120927918.htm, cập nhật ngày 28/3/2019)

2.1.2. Các sân bay tại Việt Nam

Với nhu cầu di chuyển bằng phương tiện máy bay như hiện nay, nước ta có rất nhiều sân bay sẵn sàng phục vụ cho mục đích thương mại vận chuyển. Hiện nay ở Việt Nam có tổng cộng 22 sân bay có hoạt động bay dân sự trong đó có 11 sân bay quốc tế, trong đó các sân bay quốc tế tại Việt Nam gồm:

- Sân bay quốc tế Nội Bài: Đây là sân bay lớn nhất của đất nước ta, phục vụ cho thủ đô Hà Nội và hầu hết các tỉnh thành phía Bắc. Hiện nay sân bay Nội Bài đã được tách riêng khu vực bay nội địa và quốc tế. Phục vụ chuyên nghiệp hơn cũng như đáp ứng được nhu cầu đi lại ngày một tăng cao như hiện nay. Đây là sân bay hoạt động chính cho một số hãng hàng không như: Vietnam Airlines, Vietjet Air, Pacific Airlines, Air Mekong… Cùng một số hãng bay khác hợp tác cùng phát triển.

- Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất: Khu vực phía Nam Việt Nam thì có sân bay Tân Sơn Nhất. Là cảng hàng không ở miền nam nhưng lại có lưu lượng khách hàng lớn nhất cả nước. Lên đến con số khoảng 20 triệu lượt khách trong một năm. Có lẽ bởi do vị trí đắc địa, lại là đầu mối giao thông quan trọng phía nam đất nước. Hiện nay, sân bay đang được quy hoạch để mở rộng ra. Xây thêm nhà ga T3 nhằm nâng cao công suất lên đến 50 triệu lượt khách/năm. Tổng diện tích quy hoạch điều chỉnh là 791 ha. Dự kiến đến năm 2025 sẽ đi vào hoạt động.

- Sân bay quốc tế Đà Nẵng: Được xây dựng từ năm 1940 và là sân bay lớn thứ 3 ở nước ta do Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam quản lý. Hiện nay đang có 4 hãng hàng không nội địa và 12 hãng hàng không quốc tế có đường bay tới sân bay Đà Nẵng. Từ Đà Nẵng đã có 9 đường bay nội địa. 39 tuyến bay đi quốc tế trong đó 15 tuyến trực tiếp thường kì, 24 đường bay trực tiếp thuê chuyến. Với hơn 200 chuyến bay mỗi ngày bay trong nước và quốc tế. Giúp kết nối thuận lợi với các trạm trung chuyển lớn của Châu Á và thế giới.

- Sân bay quốc tế Liên Khương được xây dựng vào ngày 24 tháng 2 năm 1961 và từng là sân bay quốc tế lớn thứ hai ở miền Nam Việt Nam vào thời điểm đó. Hiện nay đây là sân bay quốc tế duy nhất và lớn nhất vùng Tây Nguyên Việt

Nam Hiện nay SAA đang xây dựng ở đây đài chỉ huy không lưu trang bị hiện đại đạt chuẩn của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO).

- Sân bay quốc tế Phú Bài - Huế: Được xây dựng từ thời còn thực dân Pháp đô hộ chiếm đóng. Sân bay này có thể tiếp nhận các máy bay tầm trung như: Airbus A320, Boeing 747. Số lượng lượt khách được phục vụ trong năm ngày càng tăng trưởng mạnh. Tính đến nay, một năm có thể phục vụ được hơn triệu lượt khách. Theo quy hoạch, mục tiêu đến năm 2020 có thể phục vụ đến 5 triệu lượt khách và có thể tiếp nhận 20 máy bay cùng lúc tại giờ cao điểm.

- Sân bay quốc tế Cam Ranh: Được quân đội Hoa Kì xây dựng trong thời kì chiến tranh ở Việt Nam, sau này đã thuộc sự quản lí của Việt Nam nhưng vẫn phục vụ cho quân sự. Năm 2004 đã chuyển thành sân bay dân sự phục vụ chính cho tỉnh Khánh Hòa.

- Sân bay Phú Quốc: Được xây dựng tại xã Dương Tơ, cách trung tâm thị trấn Dương Đông khoảng 5km. Là ngõ thông thương quốc tế của đảo Phú Quốc và các vùng biển đảo phía nam, đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt phục vụ nhu cầu di chuyển cho các hành khách đến khu nghỉ dưỡng tại đây.

- Sân bay quốc tế Vinh: Cách trung tâm thành phố Vinh khoảng 7km. Hiện nay sân bay được khai thác 26 lượt chuyến bay/ngày bởi các hãng Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jestar Pacific. Sân bay do tổng công ty cảng hàng không Việt Nam - Cục hàng không dân dụng Việt Nam quản lí.

- Sân bay Quốc tế Cần Thơ: Sân bay Cần Thơ là cửa ngõ giao thương quốc tế của toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

- Sân bay Quốc tế Cát Bi - Hải Phòng: Cảng hàng không quốc tế Cát Bi (hay còn gọi là sân bay quốc tế Cát Bi) có vai trò quan trọng trong hệ thống Cảng hàng không Việt Nam và trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của TP. Hải Phòng, các tỉnh duyên hải Bắc bộ và đồng bằng sông Hồng.

- Sân bay Quốc tế Vân Đồn là một sân bay hỗn hợp quân sự - dân dụng nằm trên địa bàn xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, Việt Nam. Sân bay này chủ yếu phục vụ cho Đặc khu Vân Đồn sẽ được thành lập và toàn tỉnh Quảng

Ninh. Nằm cách thành phố Hạ Long khoảng 50 km và cách thành phố Cẩm Phả gần 20 km. Với công suất lên đến 10 triệu hành khách/năm khi hoàn tất các giai đoạn (gồm 3 giai đoạn), đây sẽ là sân bay phục vụ đặc khu của Việt Nam và là sân bay tư nhân đầu tiên của Việt Nam.

2.1.3. Thị trường cung ứng nhiên liệu Hàng không tại Việt Nam

Nhiên liệu tra nạp cho máy bay tại Việt Nam hiện nay chủ yếu là Jet A-1. Hiện nay, Việt Nam có 2 nhà máy lọc hóa dầu là Dung Quất (Quảng Ngãi) và Nghi Sơn (Thanh Hóa). Nhưng 2 nhà máy này chủ yếu sản xuất xăng và dầu diezel, năng suất nhiên liệu máy bay chỉ ở mức 5%/năm. Với công suất và sản lượng nói trên, phần lớn nhiên liệu máy bay của Việt Nam vẫn phải phụ thuộc vào nhập khẩu hiện nay chủ yếu nhập khẩu từ Singapore, Thái Lan và Trung Quốc. (Vietnambiz, CNBC: Hàng không Việt và nhu cầu tiếp nhiên liệu ngoại, năm 2018 tại địa chỉ: https://vietnambiz.vn/cnbc-hang-khong-viet-va-nhu-cau-tiep-nhien-lieu-ngoai- 114008.htm, truy cập ngày 28/3/2019).

Trên thị trường cung ứng nhiên liệu Hàng không tại Việt Nam có hai Công ty được cấp phép hoạt động là Công ty CP Nhiên liệu bay Petrolimex (Petrolimex Aviation) với 30% thị phần và Công ty TNHH MTV Nhiên liệu Hàng không Việt

Nam (Skypec) là nhà cung ứng nhiên liệu Hàng không lớn nhất Việt Nam. Nhiên liệu được tra nạp cho máy bay thông qua 2 hình thức tra nạp trực tiếp từ phương tiện xe tra nạp và thông qua hệ thống tra nạp ngầm. Hệ thống tra nạp ngầm tại Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất do Công ty cổ phần thương mại xăng dầu Tân Sơn Nhất (Tapetco) vận hành và Công ty CP Nhiên liệu Hàng không Nội Bài (NAFSC) triển khai tra nạp tại Cảng hàng không Quốc tế T2 Nội Bài.

Theo phân tích của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA), giá dầu tăng cao dẫn đến mức giá nhiên liệu hàng không luôn có xu hường tăng lên qua các năm do vậy đỏi hỏi các Công ty cung ứng nhiên liệu hàng không tại Việt Nam luôn luôn tìm ra các giải pháp điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh để đạt hiệu quả cao nhất, giảm thiểu chi phí, nâng tầm thương hiệu.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoạt động logistics trong công tác cung ứng nhiên liệu hàng không tại công ty TNHH một thành viên nhiên liệu hàng không việt nam (skypec) (Trang 41 - 46)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(108 trang)