Suy đoán vô tội là sự thể hiện quan điểm của Nhà nước trong việc tôn trọng các giá trị cao quý của con người (nhân phẩm, danh dự) trong xã hội và coi một người có đủ tư cách công dân với các quyền, nghĩa vụ do Hiến pháp và pháp luật quy định, khi người đó chưa bị Tòa án (cơ quan có thẩm quyền xét xử) kết tội bằng một bản án có hiệu lực pháp luật. Vì vậy, để loại trừ, ngăn ngừa sự tùy tiện, lộng quyền, áp đặt hay vi phạm pháp luật từ phía cơ quan THTT, người THTT mà Hiến pháp và Bộ luật TTHS Việt Nam đã quy định rõ các hoạt động TTHS phải tuân thủ nghiêm chỉnh nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa "Mọi hoạt động TTHS của cơ quan THTT, người THTT và người tham gia tố tụng phải được tiến hành theo quy định của Bộ luật này". Nguyên tắc bảo đảm pháp chếxã hội chủ nghĩa là nguyên tắc cơ bản được ghi nhận xuyên suốt quá trình hoạt động cũng như giải quyết vụ án của cơ quan THTT. Nguyên tắc này không chỉ định hướng cho hoạt động TTHS mà còn định hướng cho việc xây dựng pháp luật trong thực tiễn.
Nguyên tắc SĐVT có quan hệ chặt chẽ với nguyên tắc bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa. Ngay trong nội dung đầu tiên của nguyên tắc SĐVT đã đề cập đến yêu cầu về trình tự thủ tục. Có thể thấy rằng mọi quyết hoạt động của cơ quan THTT, người THTT phải tuân theo những trình tự thủ tục do BLTTHS 2015 quy
định. Đây là bước đầu để hoàn thiện một hệ thống pháp luật TTHS không chỉ có ý nghĩa chính trị, xã hội và pháp lý quan trọng, mà còn là "lá chắn thép" trong việc phòng chống oan sai, tôn trọng và bảo vệ các giá trị cao quý của con người. SĐVT và pháp chế là hai nguyên tắc phải được bảo đảm xuyên suốt quá trình THTT, thống nhất các trình tự thủ tục các hoạt đồng nhằm giải quyết vụ án. Tuân thủ nguyên tắc SĐVT và nguyên tắc pháp chế sẽ góp phần cho TTHS đạt được mục đích của mình là không bỏ lọt tội phạm, không làm oan sai người vô tội, bảo vệ trật tự xã hội đồng thời bảo vệ quyền con người trong TTHS.