Phương án đánh giá: a. Có b. Không
Chi phí cho công tác thẩm định bao gồm chi phí đi lại của cán bộ, công tác phí... Thẩm định tín dụng đạt chất lượng khi thời gian thẩm định ngắn, chi phí thấp nhưng vẫn đảm bảo các yêu cầu thẩm định. Việc ngân hàng quy định khách hàng có phải trả chi phí thẩm định này hay không cũng thể hiện chất lượng thẩm định tín dụng của ngân hàng.
1.2.3. Các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng thẩm định tín dụng khách hàng doanh nghiệp doanh nghiệp
Chất lượng thẩm định tín dụng KHDN chịu ảnh hưởng bởi nhiều nhân tố, các nhân tố này có thể ảnh hưởng trực tiếp hoặc ảnh hưởng gián tiếp đến kết quả và chất lượng thẩm định tín dụng KHDN của ngân hàng. Những nhân tố này có thể chi làm nhân tố khách quan và nhân tố chủ quan cụ thể là:
1.2.3.1. Nhóm nhân tố chủ quan từ phía NHTM
a. Trình độ, năng lực và ý thức và phẩm chất đạo đức của cán bộ thẩm định tín dụng:
Chất lượng thẩm định tín dụng KHDN phụ thuộc rất lớn vào người thẩm định. Vì vậy, cán bộ thẩm định tín dụng là người trực tiếp thu thập, khai thác và xử lý thông tín của khách hàng để từ đó phân tích và tính toán các tiêu chí tài chính, xác định hiệu quả kinh doanh của các phương án sản xuất kinh doanh mà doanh nghiệp muốn ngân hàng tài trợ vốn. Ngoài ra, cán bộ tín dụng còn thẩm định tư cách pháp nhân, năng lực tài chính…của khách hàng để báo cáo, đề xuất với lãnh đạo xem xét và ra quyết định có cấp tín dụng hay không. Như vậy, việc phát triển, dự báo các thông tin trong tương lai, hay việc thực hiện đúng hay không đúng quy trình tín dụng,
nội dung thẩm định…nói một cách khác chất lượng thẩm định tín dụng KHDN có chất lượng hay không phụ thuộc rất nhiều vào năng lực, trình độ chuyên môn và ý thức của cán bộ thẩm định. Nếu một cán bộ thẩm định có trình độ chuyên môn giỏi, kinh nghiệm thực tế nhiều, am hiểu nhiều về lĩnh vực thẩm định và có ý thức trong công việc thẩm định thì sẽ làm cho chất lượng thẩm định tín dụng KHDN được nâng cao và ngược lại. Phẩm chất đạo đức của cán bộ thẩm định cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng thẩm định. Do nhiều nguyên nhân mà một số cán bộ thẩm định đã đưa ra những thông tin sai lệch về kết quả thẩm định gây hậu quả nghiêm trọng tới việc quyết định cho vay và hoạt động cho vay của ngân hàng.
b. Phương pháp và chỉ tiêu thẩm định:
Joel Bessis (2011) nhấn mạnh rằng, khi được áp dụng đúng phương pháp, kỹ thuật quản lý rủi ro tín dụng (QLRRTD) thì NH có tiềm năng tăng lợi nhuận trong một khoảng thời gian bằng cách giảm thiểu thiệt hại. Có nhiều phương pháp thẩm định nhưng các NH chủ yếu áp dụng hai phương pháp:
Phương pháp so sánh các chỉ tiêu:
Đây là phương pháp phổ biến và đơn giản, được thực hiện bằng cách so sánh, đối chiếu các chỉ tiêu hiệu quả tài chính với các tiêu chuẩn, từ đó đánh giá và kết luận được rút ra. Các chỉ tiêu thường sử dụng đối chiếu là các định mức, hạn mức, các chỉ tiêu của dự án (DA) tương tự, các chỉ tiêu so sánh giữa trường hợp có dự án và chưa có dự án.
Phương pháp thẩm định theo trình tự:
Việc thẩm định tín dụng được tiến hành theo một trình tự nhất định từ tổng quát đến chi tiết nội dung của DA, phương án kinh doanh (PAKD). Thông thường ngân hàng có rất nhiều nhu cầu vay vốn thuộc nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau có đặc thù khác nhau, việc lựa chọn phương pháp thẩm định, xây dựng bộ chỉ tiêu phù hợp có ảnh hưởng lớn đến chất lượng thẩm định, đánh giá đúng hiệu quả, rút ngắn thời gian thẩm định.
c. Thông tin và công nghệ
Thông tin là nguyên liệu cho toàn bộ quá trình thẩm định, do đó số lượng, thông tin đầy đủ và chất lượng, tính chính xác, kịp thời, cập nhật của thông tin cán bộ tín dụng có được tác động lớn đến toàn bộ quá trình thẩm định và chất lượng thẩm định.
Thực chất nội dung của quá trình thẩm định chính là phân tích và xử lý thông tin thu thập được để đưa ra đánh giá và kết luận về DA. Sử dụng nguồn thông tin không đáng tin cậy để đánh giá thì có thể dẫn đến những kết luận sai lầm. Thông tin thẩm định ngoài những thông tin do khách hàng cung cấp, cán bộ tín dụng phải chủ động tiếp cận, thu thập để kiểm tra lại và bổ sung thông tin có liên quan.
Trang bị kỹ thuật và công nghệ thông tin trong NH hiện đại ngày nay thay thế phần lớn công việc sắp xếp và tính toán xử lý dữ liệu của con người, có khả năng truy cập vào các cơ sở dự liệu đồ sộ, thu thập khai thác thông tin liên quan và có thể phân tích thông tin bằng các phương pháp thẩm định tài chính phức tạp với các phần mềm chuyên dụng, đưa ra các kết quả nhanh chóng, do đó nâng cao chất lượng thẩm định tín dụng.
d. Quản lý, điều hành và giám sát quá trình thẩm định
Chất lượng công tác thẩm định đòi hỏi phải quản lý và giám sát từ ban lãnh đạo, bộ phận quản lý rủi ro (QLRR) để không ngừng được nâng cao, hoàn thiện cho phù hợp hơn với thực tiễn, tránh thực trạng thực hiện thẩm định qua loa, chiếu lệ. Khác với các nhân tố khác, nhân tố tổ chức điều hành tác động gián tiếp tới chất lượng thẩm định. Công tác điều hành được thực hiện chặt chẽ, khoa học sẽ khai thác tối đa mọi nguồn lực, tạo ra “tính trội” trong toàn hệ thống, góp phần nâng cao chất lượng thẩm định tín dụng.
1.2.3.2. Nhóm nhân tố khách quan a. Môi trường kinh tế xã hội
Mức độ phát triển kinh tế xã hội của một quốc gia quy định năng lực, kinh nghiệm phổ biến của chủ thể trong nền kinh tế, độ tin cậy của các nguồn thông tin. Trong điều kiện nền kinh tế chưa phát triển, cơ chế chính sách thiếu đồng bộ cùng với sự bất ổn của các điều kiện vĩ mô đã hạn chế việc cung cấp thông tin sát thực và những thông tin về dự báo kinh tế và những thay đổi, biến động gây khó khăn trong thu thập, xử lý thông tin của cán bộ tín dụng dẫn đến các kết luận thiếu tin cậy vì vậy mà chất lượng thẩm định bị hạn chế. Mặt khác, trong điều kiện kinh tế chưa phát triển thì các định hướng, chính sách phát triển kinh tế xã hội theo vùng, ngành chưa được xây dựng đồng bộ, cụ thể, đây cũng là một yếu tố rủi ro trong phân tích, chấp nhận, phê duyệt DA/ PAKD.
b. Môi trường pháp lý
Môi trường pháp lý được xây dựng bằng hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật và sự điều hành thực hiện của các cơ quan chức năng. Các văn bản pháp lý không hợp lý, thiếu đồng bộ và kém hiệu lực có thể dẫn đến việc khách hàng lợi dụng những lỗ hổng, gây tác động xấu tới chất lượng thẩm định tín dụng, sự thay đổi, chồng chéo của các văn bản luật cũng gây khó khăn và thay đổi tính khả thi của PAKD theo thời gian.
c. Các nhân tố từ phía khách hàng
Khi khách hàng lập và thẩm định phương án vay vốn khoa học, chặt chẽ, coi trọng công tác thẩm định, cung cấp thông tin chính xác, khách quan, đầy đủ thì không những tạo điều kiện đảm bảo rút ngắn thời gian thẩm định mà còn giúp ngân hàng có cơ sở đưa ra những kết luận chính xác, nâng cao chất lượng thẩm định tín dụng. Bản thân hiệu quả kinh doanh của khách hàng hay chất lượng của khách hàng cũng là yếu tố trực tiếp đánh giá tín dụng, quy định quy trình và thời gian thẩm định có đòi hỏi phải thận trọng, tỷ mỷ hay không.