Điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm thai sản

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) pháp luật về chế độ bảo hiểm thai sản và thực tiễn thực hiện tại thành phố uông bí, tỉnh quảng ninh (Trang 38 - 40)

Để được hưởng chế độ thai sản, ngoài các điều kiện bắt buộc như người lao động phải tham gia đóng phí BHXH, có sự kiện nghỉ việc đi khám thai, bị sẩy thai, sinh con, nuôi con nuôi sơ sinh và các điều kiện về thủ tục thì cần thiết phải đặt ra điều kiện người lao động phải có thời gian đóng BHXH trước khi hưởng chế độ, đặc biệt là các chế độ nghỉ dài ngày như sinh con hoặc nuôi con nuôi sơ sinh hợp pháp.…phải có thời gian đóng bảo hiểm đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

Ý nghĩa của quy định này thể hiện ở hai điểm:

Thứ nhất, đã chú trọng đến sự bảo toàn và phát triển về tài chính của quỹ.

Thứ hai, khắc phục được những lạm dụng trong thực tế do không ít trường hợp người lao động nữ đóng BHXH trong thời gian ngắn đã sinh con và được hưởng từ 6 tháng nguyên lương, một tháng trợ cấp. Mặc dù rất coi trọng đến việc trợ giúp cho lao động nữ khi nghỉ việc thực hiện thiên chức làm mẹ, song là một chế độ trợ cấp BHXH, trợ cấp thai sản vẫn phải đảm bảo nguyên tắc trên cơ sở đóng góp của chính người lao động.

Pháp luật của hầu hết các nước trên thế giới đều đã từ lâu quy định cụ thể điều kiện về thời gian đóng BHXH trước khi hưởng chế độ thai sản. Chẳng hạn, pháp luật lao động của Thái Lan quy định phải có 7 tháng đóng góp trong 15 tháng trước khi sinh; pháp luật lao động của Singapore quy định ít nhất phải có 6 tháng làm việc (Nguyễn Thị Lan Hương, 2012). Nhật Bản quy định phải có 12 tháng làm việc trước đó. Philipine trợ cấp thai sản được thực hiện trong 4 lần sinh, với điều kiện lao động nữ phải đóng BHXH 3 tháng trong vòng 12 tháng trước khi sinh (Nguyễn Thị Lan Hương, 2012).

Đối với Việt Nam điều kiện hưởng chế độ thai sản được quy định tại Điều 31 Luật BHXH 2014, theo quy định này thì người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau:

- Lao động nữ mang thai; - Lao động nữ sinh con;

- Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ; - Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;

- Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;

Pháp luật BHXH Việt Nam hiện hành thì không khống chế số lần sinh con được hưởng bảo hiểm thai sản. Nhưng để được hưởng chế độ này thì người lao động nữ sinh con, lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ; và người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi phải có thời gian đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

Thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được xác định như sau:

- Trường hợp sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi trước ngày 15 của tháng, thì tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi không tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

- Trường hợp sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi từ ngày 15 trở đi của tháng và tháng đó có đóng BHXH, thì tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi. Trường hợp tháng đó không đóng BHXH thì thực hiện theo quy định tại điểm a khoản này.

Ví dụ: Chị A sinh con ngày 18/01/2017 và tháng 01/2017 có đóng BHXH, thời gian 12 tháng trước khi sinh con được tính từ tháng 02/2016 đến tháng 01/2017, nếu trong thời gian này chị A đã đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên hoặc từ đủ 3 tháng trở lên trong trường hợp khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì chị A được hưởng chế độ thai sản theo quy định.

Ngoài ra, pháp luật BHXH quy định:

- Người lao động nữ sinh con đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng BHXH từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

- Người lao động (sinh con, mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ, nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi) đã đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi. Và người lao động nữ sinh con đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền đã đóng BHXH từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con: Nếu chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định.

Việc quy định thời gian đóng BHXH trước khi hưởng chế độ thai sản theo Luật Bảo hiểm xã hội là phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, đồng thời phù hợp với quy định của các nước trên thế giới.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) pháp luật về chế độ bảo hiểm thai sản và thực tiễn thực hiện tại thành phố uông bí, tỉnh quảng ninh (Trang 38 - 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(95 trang)