Kết quả đạt được

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) pháp luật về chế độ bảo hiểm thai sản và thực tiễn thực hiện tại thành phố uông bí, tỉnh quảng ninh (Trang 65 - 71)

Trong suốt thời gian thực hiện chi trả chế độ trợ cấp thai sản cho người lao động thì BHXH nói chung và chế độ trợ cấp thai sản nói riêng tại thành phố Uông Bí thực sự là chỗ dựa khá vững chắc cho người lao động trên địa bàn thành phố, đặc biệt là lao

động nữ trong quá trình mang thai và sinh con. Trong suốt khoảng thời gian từ khi mang thai đến khi nghỉ sinh con, người lao động được nghỉ để khám thai, nghỉ dưỡng sức sinh con và chăm sóc con trong một khoảng thời gian tương đối dài, nhưng vẫn đảm bảo người lao động có một mức thu nhập ổn định để chăm sóc con và trang trải cho cuộc sống.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp tại thành phố Uông Bí vẫn giữ nguyên công việc hoặc bố trí làm việc ở vị trí tương đương cho người lao động nữ để người lao động có thể trở lại làm việc sau thời gian nghỉ thai sản. Điều này góp phần đảm bảo công bằng cho người lao động nữ, không chỉ giúp họ thực hiện tốt thiên chức làm mẹ cũng như chăm lo cho hạnh phúc gia đình, mà còn cho họ có cơ hội phát triển trong sự nghiệp.

Kết quả đạt được qua thực tiễn thực thi pháp luật về chế độ BHTS tại thành phố Uông Bí có thể thấy qua các điểm dưới đây:

2.3.1.1. Thực thi quy định về đối tượng và điều kiện hưởng bảo hiểm thai sản * Đối tượng hưởng BHTS

Đối tượng hưởng BHTS của thành phố Uông Bí là người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp theo quy định Luật BHXH năm 2014 gồm:

- Lao động nữ mang thai; - Lao động nữ sinh con;

- Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ; - Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;

- Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;

- Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.

Đối tượng hưởng BHTS ở thành phố Uông Bí chủ yếu là lao động nữ trong quá trình thai nghén, sinh con, có quan hệ lao động theo quy định của pháp luật lao động, có tham gia BHXH bắt buộc.

* Điều kiện hưởng BHTS

Đối với thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, điều kiện hưởng chế độ thai sản được thực hiện theo đúng quy định tại Điều 31 Luật BHXH 2014, theo đó người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Lao động nữ mang thai; b) Lao động nữ sinh con;

c) Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ; d) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;

đ) Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;

e) Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.

- Người lao động tại các điểm b, c và d nêu trên phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

- Người lao động tại điểm b nêu trên đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Theo thống kê thì người lao động hưởng chế độ thai sản tại thành phố Uông Bí chủ yếu thuộc 02 trường hợp là: (1) Lao động nữ mang thai, (2) Lao động nữ sinh con (chiếm tỷ lệ 80%). Riêng đối với trường hợp “Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản” ở thành phố Uông Bí hầu như không có vì tâm lý của người lao động, e ngại không muốn làm thủ tục để được hưởng chế độ thai sản.

2.3.1.2. Thực thi quy định về thời gian hưởng bảo hiểm thai sản

Trong suốt khoảng thời gian từ khi mang thai đến khi nghỉ sinh con, người lao động được nghỉ để khám thai, nghỉ dưỡng sức sinh con và chăm sóc con trong một khoảng thời gian tương đối dài, nhưng vẫn đảm bảo người lao động có một mức thu nhập ổn định để chăm sóc con và trang trải cho cuộc sống. Việc thực thi quy định về thời gian nghỉ được hưởng BHTS trên địa bàn thành phố Uông Bí trong thời gian qua cơ bản đảm bảo quy định và quyền lợi cho người lao động. Người lao động thuộc đối tượng được hưởng BHTS cơ bản được đảm bảo thời gian nghỉ hưởng BHTS theo đúng quy định, gồm:

- Thời gian hưởng chế độ khi khám thai;

- Thời gian hưởng chế độ khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý

- Thời gian hưởng chế độ khi sinh con;

- Thời gian hưởng chế độ khi nhận nuôi con nuôi;

- Thời gian hưởng chế độ khi thực hiện các biện pháp tránh thai;

- Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản của lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;

- Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sưc khỏe sau thai sản.

Qua thực tế ở thành phố Uông Bí cho thấy riêng đối với thời gian nghỉ thai sản thuộc trường hợp “nghỉ khi thực hiện các biện pháp tránh thai” thì hầu như người lao động không xin nghỉ vì lý do này, nên quyền lợi của người lao động chưa thực sự đảm bảo theo quy định.

Bảng 2.4: Số ngày nghỉ chế độ thai sản tại TP. Uông Bí (Từ năm 2014-2018)

Nội dung 2014 2015 2016 2017 2018

Số lao động nữ hưởng BHTS 1.637 1.487 1.704 1.776 1.915

Số ngày nghỉ chế độ thai sản 185.258 195.758 200.155 203.880 215.620

“Nguồn: Báo cáo tổng kết BHXH thành phố Uông Bí,tỉnh Quảng Ninh, năm 2018” 2.3.1.3. Số người lao động được hưởng bảo hiểm xã hội về thai sản

Do BHTS là một chế độ đặc thù, bên cạnh đối tượng hưởng có cả nam giới (trường hợp nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi…) thì đối tượng tham gia và hưởng BHTS chủ yếu là nữ giới.

Bảng 2.5: Số lao động nữ tham gia, hưởng BHXH; số ngày nghỉ chế độ thai sản tại TP. Uông Bí (Từ năm 2014-2018)

Nội dung 2014 2015 2016 2017 2018

Số lao động nữ tham gia BHXH

9.819 10.636 10.682 10.990 10.997

Số lao động nữ hưởng BHTS 1.637 1.487 1.704 1.776 1.915

Tỷ lệ số lao động nữ hưởng BHTS/ Số lao động nữ tham gia BHXH

17% 14% 16% 16,2% 17,4%

Số ngày nghỉ chế độ thai sản 185.258 195.758 200.155 203.880 215.620

“Nguồn: Báo cáo tổng kết BHXH thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, năm 2014-2018”

Số lao động nữ tham gia BHXH gia tăng từ năm 2014 đến năm 2018. Nếu như năm 2014 số lao động nữ tham gia BHXH là 9.819 người, năm 2015 con số này là 10.636 người, năm 2016 là 10.682 người, năm 2017 là 10.990 người, năm 2018 là 10.997 (tăng 1.178 người so với năm 2014).

Thực tế thực hiện chế độ trợ cấp thai sản của thành phố Uông Bí từ năm

2014 đến năm 2018 cho thấy trung bình khoảng 1.704 lượt người được hưởng chế

độ trợ cấp thai sản, trong đó chủ yếu là lao động nữ. Trung bình từ năm 2014 - 2018 tỷ lệ số lao động nữ hưởng BHTS chiếm 16,12% số lao động nữ tham gia BHXH.

Bên cạnh đó, số ngày nghỉ hưởng trợ cấp cũng có xu hướng gia tăng: năm 2014 số ngày nghỉ hưởng trợ cấp là 185.258 ngày, đến năm 2018 tăng lên 215.620 ngày, trung bình số ngày nghỉ bình quân là 200.134 ngày. Đồng thời, số ngày nghỉ thực tế ít hơn số thời gian Luật BHXH quy định (4- 6 tháng), tình trạng này là do có một số lao động nữ do hoàn cảnh khó khăn hoặc do phục hồi sức khỏe sau khi sinh nhanh nên đã xin đi làm sớm hơn thời hạn để có thêm thu nhập.

Tuy nhiên, theo kết quả kiểm tra của ngành BHXH, còn nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố không thực hiện đầy đủ chế độ trợ cấp thai sản.Theo kết quả điều tra của Liên đoàn lao động thành phố thì có 99% số doanh nghiệp áp dụng chế độ nghỉ thai sản, 96% nữ công nhân có thai được doanh nghiệp cho phép để khám thai, 98% chị em nghỉ thai sản đủ thời gian theo Luật định được hưởng BHXH về thai sản.

Từ khi thành lập và đi vào hoạt động đến nay, BHXH thành phố Uông Bí đã thực hiện chi trả chế độ thai sản đúng đối tượng, đảm bảo sự công bằng cho các đối tượng tham gia, số tiền chi trả hàng năm đều tăng nhanh. Số tiền chi trả cho chế độ thai sản cũng có xu hướng tăng: Nếu như năm 2014, số chi BHTS là: 23,6 tỷ đồng, thì đến năm 2018, số chi BHTS là 39,7 tỷ đồng. Như vậy, số người lao động hưởng trợ cấp BHXH về thai sản cũng tăng qua các năm. Bên cạnh đó, số tiền chi trả bình quân/người lao động và số tiền chi trả bình quân/ngày nghỉ cũng gia tăng theo thời gian. Nguyên nhân là do số lượng người được nhận trợ cấp thai sản tăng, mức sống của người dân Việt Nam nói chung và người dân thành phố Uông Bí nói riêng ngày càng được nâng cao, để phù hợp với điều kiện thực tế mức lương tối thiểu của nước ta cũng được tăng hơn so với thời gian trước, mức lương của người lao động tăng thì sẽ kéo theo số thu BHXH tăng. Mặt khác, dịch vụ y tế, thuốc men cũng tăng giá nhiều so với trước, nên mức trợ cấp thai sản cũng phải được tăng theo nhằm hỗ trợ đủ cho người lao động trong thời gian nghỉ thai sản vẫn đảm bảo có đủ tiền để chi tiêu, nhanh chóng hồi phục sức khỏe sau khi sinh.

Đạt được kết quả như vậy là do trong những năm qua một mặt các cán bộ ngành, các cấp và các ngành có liên quan đã nỗ lực trong công tác tuyên truyền đến đơn vị sử dụng lao động, người lao động nội dung các chính sách BHXH, một mặt Nhà nước ta đã điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu chung qua từng năm. Mức lương tối thiểu tăng sẽ kéo theo sự tăng lên trong mức lương bình quân tháng đóng BHXH, nên quỹ lương BHXH và số thu BHXH cũng tăng theo.

2.3.1.4. Giải quyết tranh chấp về bảo hiểm thai sản

Tranh chấp đối với chế độ BHTS tại thành phố Uông Bí thường xuất phát từ lợi ích của các bên khi tham gia quan hệ pháp luật liên quan đến chế độ BHTS. Chủ thể tranh chấp là người lao động, người sử dụng lao động, cơ quan BHXH. Tranh chấp lao động về BHTS trên địa bàn thành phố Uông Bí chủ yếu là tranh chấp về chế độ bảo hiểm thuộc trường hợp nghỉ sinh con nhưng không được giải quyết chế độ. Tuy nhiên, hầu hết các tranh chấp đều được các bên tự thương lượng giải quyết hoặc yêu cầu hòa giải lao động giải quyết. Các cơ quan có thẩm quyền đã kịp thời giải quyết, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động theo quy định nên người lao động không phải khởi kiện ra Tòa. Theo ghi nhận của TAND thành phố

Uông Bí, trong các năm gần đây chỉ có 01 vụ kiện liên quan đến tranh chấp về chế

độ BHTS (Báo cáo tổng kết của TAND thành phố Uông Bí, năm 2014-2018).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) pháp luật về chế độ bảo hiểm thai sản và thực tiễn thực hiện tại thành phố uông bí, tỉnh quảng ninh (Trang 65 - 71)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(95 trang)