Khái quát về mối quan hệ thương mại truyền thống giữa hai quốc gia

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thâm hụt thương mại giữa việt nam và trung quốc thực trạng và giải pháp (Trang 44 - 48)

Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng, có mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời. Trước khi hình thành quan hệ thương mại giữa hai quốc gia, Việt Nam và Trung Quốc vốn đã hiện hữu mối quan hệ địa lý, chính trị từ rất lâu. Ngay từ thế kỷ 2 trước Công nguyên, hai nước đã có mối liên hệ địa chính trị đầu tiên giữa miền châu thổ sông Hồng với miền Trung nguyên Trung Quốc được thiết lập thông qua quan hệ Hán-Nam Việt cho đến thời điểm Ngô Quyền thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng (năm 938 sau Công nguyên). (Vũ Hồng Lâm, Tạp chí nghiên cứu và thảo luận, số 2, tháng 7/2004). Thời Lý-Trần (từ năm 1010 đến năm 1400), quan hệ giao lưu buôn bán hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc khá nhộn nhịp. Không chỉ có các thương nhân Trung Quốc sang trao đổi mua bán ở Việt Nam mà các thương nhân Việt Nam cũng đem nhiều nông, lâm, hải sản sang bán ở Trung Quốc và mua về nhiều loại lụa gấp, vải, giấy, bút và nhiều hàng hóa tiêu dùng khác. Mặc dù các mặt hàng này cũng được sản xuất ở Việt Nam nhưng hàng Trung Quốc luôn có mẫu mã đẹp hơn.

Vào nửa đầu thế kỷ XIX, quan hệ buôn bán giữa hai nước phát triển khá mạnh thông qua cả đường bộ và đường biển. Từ năm 1950, Việt Nam và Trung Quốc chính thức thiết lập mối quan hệ ngoại giao, mở ra một thời kỳ mới trong quan hệ cũng như buôn bán giữa hai nước. Rất nhiều văn bản được ký kết giữa hai nhà nước tạo điều kiện trao đổi hàng hóa giữa hai nước phát triển mạnh. Năm 1955, hai bên ký Nghị định Thư buôn bán tiểu ngạch biên giới. Năm 1957, hai bên ký Nghị định thư trao đổi hàng hóa qua biên giới Việt Trung. Chỉ trong vòng 6 năm từ 1954 đến 1960 buôn bán song phương Việt Nam- Trung Quốc tăng gấp 34 lần.

Năm 1976 đến 1990, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc chuyển sang thời kỳ căng thẳng, đỉnh cao là cuộc tấn công của quân đội Trung Quốc vào các tỉnh dọc

biên giới phía Bắc Việt Nam từ tháng 02-1979 và kéo dài trong suốt hơn 10 năm, gây tổn thất không đáng có cho nhân dân hai nước, nhất là cho nhân dân sống dọc biên giới hai quốc gia. Quan hệ buôn bán giữa hai nước vì vậy bị gián đoạn.

Cuối năm 1991, quan hệ Việt Nam- Trung Quốc chính thức được bình thường hóa với việc hai bên cam kết “khép lại quá khứ, hướng tới tương lại” tại cuộc gặp cấp cao hai nước ở Thành Đô (Trung Quốc) năm 1990. Sau khi bình thường hóa quan hệ năm 1991, quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng trên nhiều lĩnh vực. Kinh tế, chính trị, văn hóa giáo dục và an ninh quốc phòng. Đặc biệt là có những bước tiến quan trọng trong hợp tác kinh tế giữa hai nước. Kim ngạch thương mại Việt Nam –Trung Quốc tăng hơn 1.800 lần từ 32 triệu USD (1991) lên gần 60 tỷ USD (2014).(Nguồn: Tổng cục thống kê Việt Nam)

Trong những năm đầu thực hiện đổi mới, kinh tế Việt Nam còn nhiều khó khăn, tình trạng khan hiếm hàng hóa còn phổ biến trong khi Trung Quốc đã thực hiện cải cách mở cửa và phát triển kinh tế hàng hóa sớm hơn. Do đó nhiều hàng hóa Trung Quốc như xe đạp, đồng hồ, quạt điện, đồ gốm sứ, phích nước đã xâm nhập thị trường Việt Nam gây khó khăn cho sản xuất trong nước.

2.1.2. Những bước tiến trong quan hệ song phương giữa hai nước

Hai nước Việt Nam-Trung Quốc đã chính thức thiết lập mối quan hệ ngoại giao từ năm 1950. Kể từ đó đến nay, dù trải qua nhiều thăng trầm lịch sử về địa chính trị điển hình là những tranh chấp biên giới hay vụ Trung Quốc đặt dàn khoan 981 trên vùng Biển Đông thuộc lãnh thổ Việt Nam nhưng hai nước vẫn đạt được nhiều thỏa thuận quan trọng trong lĩnh vực hợp tác về kinh tế, khoa học và công nghệ.

Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 5 tại Brunei (06/11/2001) đã ghi lại dấu mốc quan trọng trong sự hợp tác khu vực giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á. Các nhà lãnh đạo của ASEAN và Trung Quốc đã đồng ý thành lập khu vực mậu dịch tự do. Đến năm 2004, Trung Quốc và ASEAN ký kết Hiệp định tự do thương mại và có hiệu lực từ năm 2005. Đây là dấu mốc quan trọng cho sự phát triển quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước Việt -Trung nói riêng. Theo thống kế của Trung tâm Tổ chức thương mại thế giới (Trung tâm WTO), tính đến năm 2016 Việt nam và Trung Quốc đã ký kết được 12 Hiệp định song phương trong đó đến 7 Hiệp định

định Hợp tác kinh tế -kỹ thuật giữa chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được ký ngày 02/12/1992. Nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế quốc dân của Việt Nam, Chính phủ Trung Quốc dành cho Chính phủ Việt Nam khoản tín dụng trị giá 80 triệu Nhân dân tệ không lấy lãi sử dụng cho các hạng mục hợp tác hai bên đã thỏa thuận. Số tiền vay này, Chính phủ Việt Nam thanh toán dần bằng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam hoặc bằng tiền ngoại tệ có thể chuyển đổi.

Ngày 22/12/1994, Chính phủ hai nước tiếp tục ký kết Thỏa thuận thành lập Ủy ban hợp tác kinh tế thương mại Việt Trung. Nhiệm vụ chủ yếu của Ủy ban là thúc đẩy sự phát triển kinh tế thương mại giữa hai nước; đôn đốc giúp đỡ việc thực hiện các thỏa thuận có liên quan trong lĩnh vực hợp tác kinh tế thương mại mà hai nước đã ký kết.

Ngày 19/10/1998, Hai nước ký kết Hiệp định Việt Nam - Trung Hoa về Mua bán hàng hóa ở vùng biên giới nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị láng giềng giữa hai nước và thúc đẩy hợp tác thương mại ở vùng biên giới giữa hai nước trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi. Nhằm kiểm soát các mặt hàng xuất nhập khẩu, hạn chế các mặt hàng cấm xuất nhập khẩu của mỗi nước cũng như tạo một hành lang pháp lý cho hoạt động thương mại vùng biên, Việt Nam và Trung Quốc đã thỏa thuận mở các “chợ biên giới” tại sáu tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu của Việt Nam và hai tỉnh Vân Nam, Quảng Tây của Trung Quốc. Mục tiêu nhằm khuyến khích thúc đẩy các hoạt động mua bán hàng hóa ở vùng biên giới phát triển lành mạnh, liên tục, ổn định và có biện pháp tăng cường phối hợp chống buôn lậu gian lận thương mại.

Gần đây nhất ngày 12/09/2016, hai nước đã tiến hành ký kết Hiệp định Thương mại Biên giới Việt nam-Trung Quốc thay thế Hiệp định về Mua bán Hàng hóa ở vùng biên giới năm 1998 nhằm góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới song phương phát triển một cách lành mạnh, ổn định trước tình hình thương mại trao đổi giữa hai nước qua các cửa khẩu vùng biên ngày càng phức tạp, khó lường. Hai bên ký kết Hiệp định thương mại này nhằm tăng cường quản lý kiểm soát chát lượng hàng hóa, kiểm dịch động thực vật, đảm bảo việc xuất khẩu hàng hóa qua biên giới tuân thủ quy định của pháp luật hai nước.

Ngoài các Hiệp định song phương trong các lĩnh vực cụ thể mà hai bên ký kết riêng, Việt Nam và Trung Quốc còn hợp tác sâu rộng hơn nữa về lĩnh vực thương mại quốc tế thông qua một loạt các Hiệp định ký kết giữa ASEAN và Trung Quốc như Hiệp định khung về Hợp tác kinh tế toàn diện (2002); Hiệp định về Thương mại Hàng hóa (2004); Hiệp định về Thương mại Dịch vụ (2007) và Hiệp định về Đầu tư (2009).

Kể từ sau khi hai bên ký kết các Hiệp định song phương và khu vực, tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước ngày càng cải thiện. Nếu như năm 1995, tổng kim ngach thương mại hai chiều của Việt Nam-Trung Quốc chỉ đạt 691.6 triêu USD, thì các năm sau đó liên tục tăng. Năm 2000, tổng kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng 4,2 lần đạt 2,937.50 triệu USD và đến năm 2010 tăng hơn 40 lần đạt 27,946.50 triệu USD. Nhìn vào biểu đồ dưới đây, ta dễ dàng nhận thấy tổng kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam và Trung Quốc tăng chậm trong giai đoạn 1995-2005 và kể từ sau khi Trung Quốc và Asean ký kết Hiệp định khung về hợp tác toàn diện thì tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc tăng lên nhanh chóng và chủ yếu là do nhập khẩu tăng, và tốc độ tăng kim ngạch nhập khẩu nhanh hơn tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu.

Biểu đồ 2.1: Kim ngạch thương mại Việt Nam-Trung Quốc (1995 -2015)

Đơn vị: Triệu USD

Năm 2009, mặc dù bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu, kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước vẫn đạt gần 21 tỷ USD, tuy nhiên thực tế tình trạng nhập siêu của Việt Nam cũng ngày càng gia tăng.

Đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam cũng tăng nhanh. Tháng 11/1991 Trung Quốc thực hiện dự án đầu tư FDI đầu tiên tại Việt Nam. Đến giai đoạn 2001-2010 với hai dấu mốc quan trọng là Trung Quốc gia nhập WTO (2001) và Hiệp định khung về Hợp tác toàn diện ASEAN –Trung Quốc (2002), FDI của Trung Quốc đổ vào Việt Nam liên tục tăng cả về số vốn, số lượng dự án và mở rộng lĩnh vực đầu tư, địa điểm đầu tư. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2004 tổng số dự án FDI thực hiện là 391 dự án với tổng số vốn đăng ký là 774.90 triệu USD. Hai năm tiếp theo 2005,2006 số dự án FDI vào Việt Nam sụt giảm mạnh xuống còn 40 dự án (2005) với tổng số vốn đăng ký 65.8 triệu USD và 77 dự án (2006) với tổng vốn đăng ký đạt 401.30 triệu USD. Năm 2007 Việt Nam chính thức gia nhập tổ chức Thương mại thế giới WTO, FDI của Trung Quốc trở lại với số dự án là 550 và lien tục tăng từ đó đến nay. Tính đến năm 2015, Trung Quốc đứng thứ 5 trong số 34 quốc gia đầu tư FDI tại Việt Nam với số dự án thực hiện là 1,296 và tổng số vốn đăng ký 10,174.20 triệu USD.(Nguồn: Tổng cục Thống kê Việt Nam)

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thâm hụt thương mại giữa việt nam và trung quốc thực trạng và giải pháp (Trang 44 - 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(107 trang)