1.1.2.1. Khái niệm cán cân thương mại
Trong thương mại quốc tế, cán cân thương mại được hiểu như sau:
Cán cân thương mại là một bộ phận cấu thành của cán cân thanh toán và được phản ánh cụ thể trong cán cân thường xuyên (hay còn gọi là cán cân tài khoản vãng lai). Cán cân thường xuyên ghi lại tất cả các giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ và các giao dịch chuyển giao đơn phương, trong đó bao gồm:
- Cán cân thương mại hàng hóa hoặc cán cân thương mại hữu hình,
- Cán cân chuyển giao đơn phương.
Tổng của cán cân thương mại hữu hình và vô hình được gọi là cán cân thương mại. Cán cân này cho thấy mức chênh lệch giữa xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của quốc gia. Nếu giá trị xuất khẩu (giao dịch ghi có) vượt quá giá trị nhập khẩu (giao dich ghi nợ) thì cán cân thương mại được gọi là thặng dư và ngược lại nếu nhập khẩu vượt quá xuất khẩu thì cán cân thương mại được coi là ở trong tình trạng thâm hụt (Đỗ Đức Bình, Nguyễn Thường Lạng, 2008, tr.179).
Tuy nhiên, nếu phân chia cán cân vãng lai theo bốn cán cân tiểu bộ phận bao gồm:
- Cán cân thương mại – Trade balance - Cán cân dịch vụ- Services
- Cán cân thu nhập –Incomes
-Cán cân chuyển giao vãng lai một chiều- Current Transfers
Khi đó cán cân thương mại được hiểu như sau: Cán cân thương mại ghi chép các khoản thu và chi từ xuất nhập khẩu hàng hóa hữu hình của một quốc gia trong một khoảng thời gian nhất định (quý hoặc năm) cũng như mức chênh lệch giữa chúng (xuất khẩu trừ đi nhập khẩu). Xuất khẩu làm phát sinh các khoản thu nên được ghi có (+) và nhập khẩu làm phát sinh các khoản chi nên được ghi nợ (-) trong cán cân thanh toán. Khi thu từ xuất khẩu lớn hơn chi cho nhập khẩu thì cán cân thương mại ở trạng thái thặng dư hay xuất siêu. Ngược lại khi thu từ xuất khẩu thấp hơn chi cho nhập khẩu thì cán cân thương mại ở trạng thái thâm hụt hay nhập siêu. (Nguyễn Văn Tiến 2012,tr.239).
Do hạn chế về số liệu nghiên cứu, trong khuôn khổ luận văn tác giả chỉ tập trung phân tích cán cân thương mại hàng hóa.
1.1.2.2. Đặc điểm và ý nghĩa của cán cân thương mại
Đặc điểm của cán cân thương mại: cán cân thương mại là cân đối giữa xuất
khẩu và nhập khẩu nên từ khái niệm cán cân thương mại vừa trình bày ở trên, ta có đẳng thức sau:
TB =(X-M) (1)
TB: Cán cân thương mại X: Giá trị xuất khẩu hàng hóa M: Giá trị nhập khẩu hàng hóa
Có thể nhận xét, Cán cân thương mại luôn tồn tại ở một trong ba trạng thái sau: - Khi (X-M) >0 tức là thu từ xuất khẩu lớn hơn chi cho nhập khẩu thì cán cân thương mại ở trạng thái thặng dư hay xuất siêu.
- Khi (X-M) <0 tức là thu từ xuất khẩu thấp hơn chi cho nhập khẩu thì cán cân thương mại ở trạng thái thâm hụt hay nhập siêu.
- Khi (X-M) = 0 tức là thu từ xuất khẩu bằng chi cho nhập khẩu thì cán cân thương mại ở trạng thai cân bằng.
Về ý nghĩa thực tiễn
Cán cân thương mại là bộ phận chính cấu thành cán cân vãng lai. Số liệu của cán cân thương mại được cập nhập thường xuyên bởi cơ quan hải quan thường cung cấp kịp thời các số liệu về xuất nhập khẩu hàng hóa. Chính vì vậy, khi phân tích tác động của cán cân thanh toán lên các biến số vĩ mô, thì trạng thái của cán cân thương mại luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu bởi tình trạng của cán cân thương mại (thâm hụt hay thặng dư) thể hiện trạng thái của nền kinh tế. Thứ nhất, cán cân thương mại cung cấp những thông tin liên quan đến cung và cầu tiền tệ của một quốc gia. Thứ
hai, dữ liệu trên cán cân thương mại có thể được sử dụng để đánh giá khả năng cạnh
tranh trên thị trường quốc tế của một nước. Thứ ba, thâm hụt hay thặng dư cán cân thương mại có thể làm tăng khoản nợ nước ngoài hoặc gia tăng mức dự trữ ngoại tệ, tức là thể hiện mức độ an toàn hoặc bất ổn của nền kinh tế. Thứ tư, thâm hụt hay thặng dư cán cân thương mại phản ánh hành vi tiết kiệm, đầu tư và tiêu dùng của nền kinh tế.
1.1.2.3. Các nhân tố tác động đến cán cân thương mại
Nhìn vào hàm số (1) vừa đề cập ở phần trên, ta dễ dàng nhận thấy hai nhân tố cấu thành lên cán cân thương mại chính là Xuất khẩu và Nhập khẩu. Do đó, để phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến cán cân thương mại, cần phân tích các yếu tố quyết định xuất khẩu, nhập khẩu, từ đó cho thấy mức độ ảnh hưởng đến cán cân thương mại như thế nào.
Trước hết, ta thấy rằng cán cân thương mại được biểu thị bằng giá trị chứ không phải khối lượng hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu. Vì vậy, ta sẽ xem xét phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến giá trị xuất khẩu và giá trị nhập khẩu để đánh giá sự tăng giảm của nó. Cán cân thương mại thể hiện mối quan hệ ngược chiều giữa xuất khẩu và nhập khẩu, có nghĩa là cán cân thương mại sẽ thặng dư khi giá trị xuất khẩu ròng là dương và thâm hụt khi giá trị xuất khẩu ròng là âm. Vì vậy, một nhân tố làm tăng giá trị xuất khẩu thì đồng thời sẽ làm giảm giá trị nhập khẩu và ngược lại nên tác giả không tách riêng từng yếu tố xuất khẩu và nhập khẩu khi xem xét các nhân tố ảnh hưởng sau đây.
a) Tỷ giá hối đoái
Tỷ giá hối đoái là một trong những yếu tố quan trọng nhất và trực tiếp nhất ảnh hưởng tới cán cân thương mại, bộ phận chính cấu thành lên cán cân thanh toán của nước đó. Do đó, hiện nay ở nhiều quốc gia trên thế giới, khi cán cân thanh toán quốc tế không thuận lợi thì chính phủ thường đặt ra mục tiêu là cải thiện cán cân thương mại. Như vậy, một trong những công cụ được thực hiện để cải thiện cán cân thương mại là tỷ giá hối đoái và ảnh hưởng của tỷ giá hối đoái đến cán cân thương mại phụ thuộc vào độ co giãn của xuất khẩu và nhập khẩu đối với tỷ giá. Khi phá giá tiền tệ (giảm tỷ giá hối đoái mà chính phủ cam kết ủng hộ) làm giảm giá đồng nội tệ. Phá giá đưa đến tăng giá hàng nhập khẩu và giảm giá hàng xuất khẩu của quốc gia. Tổng giá trị xuất khẩu tăng nhiều và/hoặc tổng giá trị nhập khẩu giảm nhiều khi độ co giãn của xuất khẩu và/hoặc nhập khẩu với tỷ giá hối đoái là lớn, từ đó sẽ cải thiện được cán cân thương mại. Tuy nhiên trên thực tế có thể xảy ra trường hợp mức độ con giãn của cầu nhập khẩu hàng hóa từ nước khác bằng 0- nghĩa là người tiêu dùng của quốc gia cho rằng không một loại hàng hóa nào có thể thay thế cho hàng nhập khẩu. Khi đó giá hàng hóa nhập khẩu ở một nước thay đổi trong khi giá hàng hóa nội địa vẫn giữ nguyên và không ảnh hưởng gì đến khối lượng hàng hóa cần nhập khẩu. Trong trường hợp này, cả tỷ lệ trao đổi lẫn cán cân thương mại đều xấu đi.
Ngoài ra, Khi xem xét lý thuyết về Hiệu ứng tuyến J (Nguyễn Văn Tiến, 2012, tr.270) và vấn đề cải thiện cán cân thương mại ta thấy: Phá giá làm cho khối lượng
xuất khẩu tăng và khối lượng nhập khẩu giảm, nhưng không vì thế mà cán cân thương mại sẽ phải được cải thiện. Trong ngắn hạn, hiệu ứng giá cả có tính trội so với hiệu ứng khối lượng làm cho cán cân thương mại bị xấu đi; còn trong dài hạn, hiệu ứng khối lượng lại có tính trội so với hiệu ứng giá cả làm cho cán cân thương mại được cải thiện. Hơn nữa phá giá dễ thành công với các nước công nghiệp phát triển nhưng lại không chắc chắn với các nước đang phát triển, chính vì vậy, đối với một nước đang phát triển, trước khi chọn giải pháp phá giá cần thiết phải tạo được các điều kiện tiền đề để có thể phản ứng tích cực với những lợi thế mà phá giá đem lại, có như vậy cán cân thương mại mới có thể được cải thiện trong ngắn hạn.
b) Tỷ lệ Đầu tư, Tiết kiệm trong nước
Trong Kinh tế học, theo cách tiếp cận chi tiêu thì tổng sản phẩm trong nước (GDP) bao gồm 4 thành tố là tiêu dùng, đầu tư, chi tiêu chính phủ và xuất khẩu ròng.
GDP có thể viết dưới dạng phương trình sau: GDP = C + I + G + NX (trong đó: C: tiêu dùng; I: đầu tư; G: chi tiêu của Chính phủ; NX: xuất khẩu ròng (còn được gọi là cán cân thương mại, là khoản chênh lệch giữa giá trị hàng xuất khẩu trừ đi giá trị hàng nhập khẩu).
Để thấy được mối quan hệ giữa tiết kiệm, đầu tư, cán cân thương mại, chúng ta biến đổi biểu thức lại như sau: NX = (GDP – C – G) – I (1). Trong đó (GDP – C – G) chính là tổng thu nhập còn lại của nền kinh tế sau khi đã trừ đi các khoản tiêu dùng của người dân và chi tiêu của Chính phủ, và nó được gọi là tiết kiệm quốc dân (Sn). Từ phương trình (1) ta có thể viết lại thành: NX = Sn - I (2).
Từ đẳng thức trên cho thấy mối quan hệ giữa tiết kiệm, đầu tư với cán cân thương mại hay là giữa luồng vốn quốc tế sử dụng để tích lũy vốn (Sn - I) và luồng hàng hóa, dịch vụ quốc tế (NX). Nếu mức tiết kiệm không đáp ứng đủ cho nhu cầu đầu tư thì cán cân thương mại sẽ bị thâm hụt và các nước sẽ dựa vào lượng vốn từ nước ngoài để tài trợ cho nhu cầu đầu tư của nền kinh tế. Ngược lại, khi nhu cầu đầu tư nhỏ hơn tiết kiệm của nền kinh tế thì cán cân thương mại sẽ chuyển sang thặng dư.
c) Các chính sách kinh tế của chính phủ
Trước tiên, có thể thấy Chính sách thương mại quốc tế đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế nói chung của một quốc gia, bao gồm rất nhiều biện
pháp, công cụ để can thiệp vào hoạt động thương mại quốc tế của một quốc gia. Tuy nhiên, trong đó có một số biện pháp, công cụ chủ yếu thường được sử dụng như: Thuế quan; Hạn ngạch nhập khẩu; Hạn ngạch thuế quan; Giấy phép; Hạn chế xuất khẩu tự nguyện; Các rào cản kỹ thuật; Trợ cấp xuất khẩu; Tín dụng xuất khẩu; Bán phá giá;Thông qua các chính sách này, nhà nước có thể điều chỉnh cán cân thương mại khi cần thiết để ổn định kinh tế vĩ mô.
Chính sách đầu tư: Các chính sách và biện pháp liên quan đến đầu tư cũng có tác động quan trọng một cách trực tiếp hoặc gián tiếp đối với cán cân thương mại thông qua các kênh cơ bản là:
(1) Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
(2) Nguồn thu nhập chuyển giao từ nước ngoài như viện trợ, thu nhập ròng từ các dự án đầu tư ngoài nước, kiều hối
(3) Nguồn vốn vay.
(4) Chính sách đầu tư trong nước.
d) Một số yếu tố cơ bản khác cũng tác động qua lại với cán cân thương mại như:
- Lạm phát
Nếu giả định các nhân tố khác không đổi, tỷ lệ lạm phát của một nước cao hơn ở nước ngoài, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa nước này trên thị trường quốc tế, do đó làm cho khối lượng xuất khẩu giảm,
- Giá thế giới của hàng hóa xuất khẩu
Cũng giả định với các nhân tố khác không đổi, nếu giá thế giới của hàng hóa xuất khẩu của một nước tăng sẽ làm tăng cầu nội tệ và tăng cung ngoại tệ trên thị trường tài chính thế giới. Hay nói cách khác, khi giá thế giới của hàng hóa xuất khẩu tăng, làm tăng giá trị xuất khẩu tính bằng nội tệ và ngoại tệ, do đó tác động đến cán cân thương mại của quốc gia đó.
- Thu nhập của người không cư trú bao gồm: các cá nhân, hộ gia đình, công ty và các nhà chức trách, các tổ chức quốc tế (Khoản 2 và 3, điều 3, Nghị định 164/1999/NĐ-CP ngày 16/11/1999 của Chính phủ)
Với các nhân tố khác không đổi, khi thu nhập thực tế của người không cư trú tăng, làm tăng cầu xuất khẩu bởi người không cư trú, do đó làm tăng cầu nội tệ và tăng cung ngoại tệ, tức là tăng cả giá trị xuất khẩu tính bằng nội tệ và ngoại tệ
- Thuế quan và hạn ngạch ở nước ngoài
Cũng với điều kiện các nhân tố khác không đổi, giá trị xuất khẩu của một nước sẽ giảm nếu bên nước ngoài áp dụng mức thuế quan cao, hạn ngạch nhập khẩu thấp cũng như áp dụng các hàng rào phi thuế quan như: yêu cầu về chất lượng hàng hóa và tệ nạn quan liêu. Kết quả làm giảm cầu nội tệ.