Thứ nhất, cơ chế quản lý và điều hành cũng như quy trình, quy định về sản phẩm huy động vẫn còn cần sửa đổi và bổ sung. Việc không thống nhất trong cơ chế và thực hiện quy trình giữa Hội sở và các chi nhánh sẽ gây thiệt hại cho cả ngân hàng và KHCN. Thực tế, trong quy trình vận hành của sản phẩm vẫn có những bất cập gây khó khăn cho khách hàng trong quá trình giao dịch và đang dần được sửa đổi theo phản hồi từ phía khách hàng. Khó khăn từ phía thủ tục giấy tờ phức tạp và cần nhiều thời gian phê duyệt khiến khách hàng e ngại lựa chọn kỳ hạn dài hay khách hàng chưa nắm được hết quy định về sản phẩm nên khi phát sinh giao dịch bất thường dễ gây bức xúc khi không được giải quyết kịp thời. Bên cạnh đó, trong các quy trình nội bộ, các hoạt động nghiệp vụ có sự phối hợp giữa các phòng ban đôi khi còn gặp vướng mắc do các văn bản quy định nội bộ khác nhau chồng chéo
làm giảm hiệu suất làm việc đòi hỏi cần có sự đồng bộ thống nhất và điều hành linh hoạt từ phía ban lãnh đạo.
Thứ hai, hoạt động bán chéo sản phẩm dịch vụ cho khách hàng cá nhân liên quan tới huy động vốn chưa thực sự phát triển. Các sản phẩm bán chéo vẫn chưa khai thác hết nhu cầu của các KHCN tiềm năng. Về sản phẩm, số lượng các gói sản phẩm tại Techcombank liên quan đến huy động vốn cá nhân còn ít và chưa được nhiều khách hàng biết đến. Doanh thu từ những sản phẩm này còn hạn chế so với tiềm lực của ngân hàng. Về nhân sự, muốn phát triển hoạt động bán chéo yêu cầu giao dịch viên, chuyên viên tư vấn, quan hệ khách hàng phải có sự hiểu biết và nắm rõ về tất cả các sản phẩm của mình đồng thời tìm hiểu được nhu cầu của khách hàng từ đó đưa ra những sản phẩm dịch vụ thích hợp nhất một cách chủ động. Tuy nhiên, việc làm này cần có thời gian và kỹ năng giao dịch khéo léo của CBNV trong quá trình tiếp xúc khách hàng nên cần có sự đồng bộ theo hệ thống trong phương thức hoạt động.
Thứ ba, sản phẩm đưa ra nhưng tính năng của sản phẩm còn gây khó khăn cho người dùng. Lỗi của sản phẩm chưa được xử lý triệt để mà vẫn theo phản ánh của các KHCN trong quá trình sử dụng. Tiêu biểu là với các hình thức giao dịch từ xa trên cơ sở công nghệ thông tin như dịch vụ E-banking, Mobile Banking của ngân hàng gần đây gặp lỗi trong quá trình truy cập, tra cứu thông tin khiến tần suất bảo trì diễn ra nhiều hơn gây cản trở việc giao dịch của khách hàng. Hoạt động phát hành thẻ phát triển nhanh về lượng với số lượng KHCN tăng cao nhưng cần có sự đồng bộ về chất. Mạng lưới ATM và hệ thống POS của Techcombank tuy đã được mở rộng nhưng so với các ngân hàng khác đặc biệt là các ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV thì độ bao phủ vẫn chưa cao.
Thứ năm, năng lực cạnh tranh với các ngân hàng đối thủ cần được cải thiện. Trên thị trường tài chính hiện nay, các ngân hàng trong và ngoài nước đang có sự cạnh tranh gay gắt về thị phần và khách hàng. Trong đó, những ngân hàng trong nước nổi bật là nhóm 4 ngân hàng quốc doanh với lợi thế về thị phần và được khách hàng nhận biết cao; nhóm ngân hàng cổ phần trong những năm gần đây phát triển mạnh mẽ dần thu hẹp khoảng cách với 4 ngân hàng trên ngoài Techcombank còn có Sacombank, VPBank hay HDBank. Đây cũng là những đối thủ chính về hoạt động kinh doanh nói chung và hoạt động huy động vốn cá nhân nói riêng khi họ có lợi thế về thị phần, vị thế cạnh tranh và phương thức quản lý tối ưu. Bên cạnh đó, những ngân hàng và các tổ chức tín dụng nước ngoài với công nghệ tốt, cơ chế tài chính mạnh cùng kỹ năng và kiến thức quản lý hiệu quả đầu tư vào Việt Nam dưới nhiều hình thức như góp vốn, mua cổ phần để trở thành đối tác chiến lược hay mở chi nhánh cũng tạo nên thách thức yêu cầu Techcombank phải nỗ lực cải thiện năng lực cạnh tranh và vị thế tài chính của ngân hàng.