5. Bố cục đề tài
2.2 Các dấu hiệu pháp lý tộimua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người
Để góp phần xác định tội phạm và áp dụng hình phạt trong tình hình hiện nay, đứng ở góc độ là một người nghiên cứu pháp luật, người viết sẽ trình bày một số nội dung liên quan đến việc xác định các dấu hiệu bắc buộc để CTTP của tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người.
BLHS năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 không quy định mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người là một tội danh mà chỉ xử lý tương ứng về các hành vi xâm hại đến tính mạng và sức khoẻ của người khác trong các tội phạm như tội giết người, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ người khác. Đến lần pháp điển hóa thứ 3 nhà làm luật đã quy định tại BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) ghi nhận trách nhiệm hình sự đối với hành vi mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người. Tội phạm này được cấu thành bởi các dấu hiệu pháp lý sau:
2.2.1 Về mặt khách thể
Tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người xâm phạm đến các quan hệ xã hội về bảo đảm quyền được bảo vệ về sức khỏe, tính mạng, an toàn thân thể của con người. Như vậy, khách thể của tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người là quyền được bảo vệ về sức khỏe, tính mạng, an toàn thân thể của con người.
Hành vi phạm tội xâm phạm tới khách thể thông qua đối tượng tác động. Đối tượng tác động của hành vi mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người là mô
và bộ phận cơ thể người nhằm lấy đi một hoặc một số mô, hoặc bộ phận cơ thể của nạn nhân gây ra hoặc đe dọa gây ra những thiệt hại, tổn thất, xâm phạm trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của nạn nhân. Như vậy, đối tượng của tội phạm mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người hướng tới là mô hoặc bộ phận cơ thể của người sống và không đề cập đến đối tượng của khách thể là người đã chết.
Trong cơ thể con người có một số bộ phận cơ thể có thể tái tạo, phục hồi lại được sau khi bị mất và những bộ phận cơ thể không thể nào tái tạo, phục hồi, quay lại được như tình trạng ban đầu. Vì vậy, một khi nạn nhân bị lấy đi một hoặc một số các mô, bộ phận cơ thể sẽ dẫn đến tình trạng sức khỏe của nạn nhân bị suy giảm nghiêm trọng do chức năng hoạt động bình thường của bộ phận cơ thể bị mất đi, cơ thể nạn nhân phải mất một thời gian dài để phục hồi ổn định quá trình hoạt động, sự trao đổi chất giữa các cơ quan trong cơ thể nhưng đa phần những bộ phận mất đi khó có thể quay lại tình trạng cơ thể bình thường như ban đầu. Một số trường hợp khi nạn nhân bị lấy đi một hoặc một số các bộ phận quan trọng, có chức năng chủ yếu trong mỗi hệ cơ quan của cơ thể thì lập tức có thể gây tử vong cho nạn nhân.
Tóm lại, khách thể của tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người là quyền được bảo vệ sức khỏe, tính mạng, an toàn thân thể con người mà người phạm tội tác động trực tiếp lên đối tượng là mô, bộ phận cơ thể của người sống.
2.2.2 Về mặt khách quan
Mặt khách quan của tộimua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người thể hiện ở những dấu hiệu như hành vi nguy hiểm cho xã hội, hậu quả tác hại do hành vi mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người gây ra, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi nguy hiểm và hậu quả tác hại, thời gian, địa điểm, phương pháp, phương tiện và công cụ thực hiện tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người.
Hành vi gây nguy hiểm cho xã hội
Hành vi gây nguy hiểm cho xã hội của tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người chính là hành vi khách quan của loại tội phạm này. Hành vi khách quan quan này là hành vi trái pháp luật, không những xâm phậm đến sức khỏe, tính mạng, an toàn thân thể của nạn nhân mà còn gây rối loại, mất trật tự an toàn xã hội.
Hành vi thuộc mặt khách quan của tội phạm này được thể hiện một trong hai hành vi đó là hành vi mua bán mô hoặc bộ phận cơ thể người và hành vi chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người.
Hành vi mua bán mô hoặc bộ phận cơ thể người là hoạt động mà bên bán thực hiện sự chuyển giao mô, bộ phận cơ thể người của mình hoặc của người khác cho bên
mua và nhận thanh toán. Còn bên mua mô, bộ phận cơ thể người thì nhận hàng và phải thanh toán tiền, vật chất hay lợi ích khác theo sự thỏa thuận của hai bên. Có thể thấy, mặc dù hành vi mua bán mô hoặc bộ phận cơ thể người thể hiện ý chí tự nguyện giữa bên mua và bên bán nhưng đây là hành vi trái pháp luật, xâm hại đến sức khỏe, tính mạng con người.
Hành vi chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người là hành vi cố ý (dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần, dụ dỗ, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm, cướp, công nhiên chiếm đoạt…) của người phạm tội trực tiếp tác động vào cơ thể của nạn nhân bằng cách tách, mổ, ghép,… nhằm chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể của nạn nhân mà không được sự đồng ý của nạn nhân hoặc nạn nhân hoàn toàn không biết trước sự việc xảy ra và nạn nhân hoàn toàn không nhận được bất kỳ lợi ích từ việc chiếm đoạt này. Hành vi chiếm đoạt là hành vi trái pháp luật gây ảnh hưởng đến sức khỏe nạn nhân và thậm chí gây ra thiệt hại về tính mạng.
Người phạm tội chỉ cần có hành vi mua bán hoặc chiếm đoạt mô, bộ phận cơ thể người là đã cấu thành tội phạm mà không cần biết đã mua bán được chưa hay đã chiếm đoạt được mô hoặc bộ phận cơ thể người chưa. Trong trường hợp nạn nhân đồng ý với việc mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người thì người phạm tội vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này.
Đối với những hành vi tự nguyện hiến mô hoặc bộ phận cơ thể người cho người khác mà không thực hiện bằng hình thức mua bán, chiếm đoạt hay vì mục đích lợi nhuận không xâm phạm đến sức khỏe con người thì đây không được xem là hành vi khách quan của loại tội phạm này.
Ví dụ, anh Nguyễn Văn T tự nguyện hiến tặng tim cho anh Nguyễn Văn L để cho anh T tiếp tục duy trì sự sống trên cơ sở tự nguyện không xảy ra việc mua bán ngầm bên trong thì hành vi của anh T không được xem là hành vi khách quan của tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người.
Hành vi khách quan của tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người phải thực hiện bằng hành động và mục đích là mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người. Vì vậy, cần tách bạch giữa việc tác động vào cơ thể nạn nhân để chiếm đoạt bộ phận cơ thể với hành vi tác động vào nạn nhân để cố ý gây thương tích hoặc giết người bởi mục đích của hành vi này là căn cứ quan trọng để định tội danh trong BLHS.
Đối với một số trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng nhưng không vì mục đích mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người của nạn nhân hoặc thực hiện hành vi mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận
cơ thể đối người đã chết thì sẽ không là hành vi khách quan tội của tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người.
Ví dụ, anh Nguyễn Văn A là thực hiện hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho anh Nguyễn Văn B nhưng không vì mục đích thương mại hay mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể của anh Nguyễn Văn B thì anh Nguyễn Văn A sẽ bị truy cứu TNHS (anh A đủ điều kiện truy cứu THHS) theo tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác tại Điều 134 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Ví dụ, Được biết anh Trần Văn Y đã chết và được chôn ngay mảnh vườn sau nhà anh Trần Văn X ( anh X có đủ điều kiện để truy cứu TNHS). Nên anh X đã thực hiện hành vi lấy tay, chân, tim, gan của anh Trần Văn Y để đem đi bán. Vì thế, hành vi của anh X sẽ không bị truy cứu TNHS về tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người tại Điều 154 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) mà anh X sẽ bị truy cứu TNHS theo tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt tại Điều 319 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Hậu quả tác hại do hành vi mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người
Thiệt hại của việc mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người gây ra được thể hiện dưới dạng thể chất. Cụ thể là gây thiệt hại đến sức khỏe, tính mạng, thân thể của nạn nhân.
Tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người là tội phạm có CTTP hình thức, tức là CTTP chỉ đòi hỏi người phạm tội có hành vi phạm tội mà không cần thiết phải gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Chính vì vậy, hậu quả của tội phạm này không phải yếu tố bắt buộc của CTTP nhưng nó được quy định là tình tiết định khung hình phạt tăng nặng.
Về hậu quả thì người phạm tội chỉ cần có một trong hai hành vi là mua bán mô, bộ phận cơ thể người hoặc hành vi chiếm đoạt mô, bộ phận cơ thể người là đã cấu thành tội phạm tội việc mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người mà không cần biết đã mua bán được chưa hay đã chiếm đoạt được chưa.
Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi nguy hiểm và hậu quả tác hại gây ra
Hành vi khách quan của tội phạm mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người là nguyên nhân dẫn đến hậu quả, tác hại gây ra của người thực hiện hành vi mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người. Mối quan hệ nhân quả này được sử dụng để xác định đúng đối tượng thực hiện, nguyên nhân dẫn đến hậu quả và có ý
nghĩa trong việc định thành thành tội phạm hay quyết định hình phạt của tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người.
Hành vi mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người là hành vi trái pháp luật, xâm phạm đến sức khỏe và tính mạng cảu con người. Vì vây, việc xác định mối quan hệ nhân quả giữa hành vi khách quan và hậu quả của tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người là vô cùng cần thiết. Điều này góp phần làm cho những ai thực hiện hành vi mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể phải chịu TNHS đối với những hậu quả đã xảy ra một cách thích đáng.
2.2.3 Về mặt chủ thể
Chủ thể của tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người phải đạt độ tuổi theo quy định của BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và có năng lực trách nhiệm hình sự.
Về độ tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự của tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người thì phải từ đủ 16 tuổi trở lên.19 Về năng lực trách nhiệm hình sự thì đó là khả năng một người có thể nhận thức được đầy đủ tính chất và hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, cũng như có khả năng điều khiển hành vi đó.
Như vậy, một người từ đủ 16 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự khi có hành vi mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người thì sẽ là chủ thể của tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người.
2.2.4 Về mặt chủ quan
Mặt chủ quan của tội phạm là mặt bên trong của tội phạm, là thái độ tâm lý của người phạm tội đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội mà họ thực hiện với hậu quả do hành vi ấy gây ra cho xã hội. Mặt chủ quan của tội phạm bao gồm lỗi, động cơ, mục đích phạm tội.
Lỗi của người phạm tội
Chủ thể thực hiện hành vi mua bán, chiếm đoạt mô, bộ phận cơ thể người với lỗi cố ý, cụ thể là lỗi cố ý trực tiếp. Tức là, người phạm tội nhận thức được tính nguy hiểm cho xã hội do hành vi của mình gây ra, thấy trước hậu quả của hành vi đó nhưng vẫn mong muốn hậu quả xảy ra.
Ví dụ: Nhận thấy hoàn cảnh khó khăn của anh Trần Văn X. Ngày 14/09/2018 anh Nguyễn Văn A đã tiếp cận và dụ dỗ anh X bán một quả thận với giá 350 triệu đồng và anh X đã đồng ý. Sau khi được A hoàn tất mọi thủ tục, ngày 20/10/2018 X đã được
tiến hành cắt đi một quả thận của mình tại bệnh viện K theo sự sắp xếp của A. Trong quá trình cắt lấy quả thận, do mất máu quá nhiều nên anh X đã chết.
Trong trường hợp trên cho thấy, A đã thực hiện hành vi mua bán bộ phận cơ thể người mà cụ thể là quả thận của anh X với lỗi cố ý trực tiếp. Tức là, anh A nhận thức được hành vi của mình xâm hại đến sức khỏe hay thậm chí là cả tính mạng của anh X nhưng vì lợi ích vật chất cho bản thân nên anh A vẫn thực hiện hành vi này.
Đối với một số trường hợp, người phạm tội thực hiện hành vi mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người với lỗi cố ý trực tiếp. Nhưng trong quá trình thực hiện, hành vi của người phạm tội chưa gây ảnh hưởng, xâm phạm đến sức khỏe của nạn nhân thì người phạm tội vẫn bị truy cứu TNHS về tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người.
Động cơ phạm tội
Động cơ là yếu tố thúc đẩy, đóng vai trò là đích cuối cùng của hoạt động, giúp duy trì hoạt động trong suốt quá trình hoạt động của mình. Đối với hành vi mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người thì động cơ phạm tội là vì lợi ích cá nhân (sức khỏe của bản thân, của người thân…), lợi ích kinh tế (tiền, lợi ích vật chất…). Tuy nhiên, động cơ không phải là dấu hiệu bắt buộc đối với CTTP này mà động cơ của hành vi mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người có thể xem xét là dấu hiệu tăng nặng đối với tội phạm này.
Mục đích phạm tội
Cũng như động cơ, mục đích phạm tội không phải là yếu tố bắt buộc đối với tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người. Về mục đích phạm tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người có thể sử dụng mô, bộ phận cơ thể người để phục vụ cho bản thân hoặc người khác, có thể chiếm đoạt để bán kiếm tiền…
Như vậy, Người phạm tội nhận thức rõ về hành vi của mình là nguy hiểm, gây thiệt hại cho sức khỏe, tính mạng cho nạn nhân nhưng vẫn thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý. Mặc dù thấy trước hậu quả của hành vi phạm tội nhưng chủ thể vẫn mong muốn hậu quả xảy ra để đạt được mục đích hoặc là lấy được mô, bộ phận cơ thể để cấy ghép cho bản thân, gia đình hoặc chiếm đoạt để bán, kiếm tiền.