- 8.00% Lợi nhuận trước thuế(tỷ
2.3.3.1. Nguyên nhân khách quan
a. Môi trường vĩ mô
- Về môi trường kinh tế
Trong những năm gần đây, kinh tế nước ta diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới hồi phục chậm và không đồng đều giữa các nền kinh tế sau suy thoái toàn cầu. Ngoài ra, tình hình chính trị bất ổn tại một số quốc gia, nhất là khu vực châu Âu dẫn đến kinh doanh trong lĩnh vực thương mại và công nghiệp cũng như xuất khẩu của khu vực đồng EURO bị ảnh hưởng mạnh bởi các biện pháp trừng phạt kinh tế giữa các nước trong khu vực. Ở trong nước, kinh tế vĩ mô diễn biến theo hướng tích cực. Tuy nhiên, tổng cầu của nền kinh tế tăng chậm, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn khó khăn, tồn kho hàng hóa vẫn ở mức cao. Sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu. Vì vậy, hoạt động tín dụng của ngân hàng cũng phải chịu những ảnh hưởng không nhỏ.
- Về môi trường pháp luật
Môi trường pháp luật về hoạt động ngân hàng vẫn còn nhiều bất cập, chưa thực sự phù hợp với tình hình phát triển của hoạt động tín dụng bán lẻ hiện tại. Các văn bản pháp quy về hoạt động ngân hàng chủ yếu xây dựng trên cơ sở thủ công với nhiều loại giấy tờ, thủ tục, quy trình xử lý phức tạp. Trong khi, phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ cần áp dụng công nghệ mới và quy trình nghiệp vụ hiện đại, nhanh chóng. Cho nên, khi các ngân hàng cần đưa ra sản phẩm dịch vụ mới thường tỏ ra lúng túng trước các văn bản pháp luật. Ví dụ như muốn đưa sản phẩm mới ra thị trường, các ngân hàng vẫn phải xin phép và mất rất nhiều thời gian.
- Về môi trường văn hóa, xã hội
Thói quen sử dụng tiền mặt đã ăn sâu trong suy nghĩ của người Việt Nam khiến cho việc sử dụng sản phẩm thanh toán - tín dụng bán lẻ như thẻ tín dụng còn chưa được phổ biến. Bên cạnh đó, nhiều người Việt Nam cũng có thói quen tiết kiệm tiền khi nào có đủ tiền rồi mới mua những thứ mình cần. Với họ, vay mượn là
việc cấp bách, bất đắc dĩ mới phải làm; việc mua ô tô, mua nhà bằng nguồn vốn tín dụng là điều quá mạo hiểm. Chính những thói quen này góp phần kìm hãm sự phát triển của hoạt động tín dụng bán lẻ.
Trình độ dân trí nói chung và những hiểu biết về kinh tế nói riêng ở nước ta hiện nay vẫn chưa thực sự cao. Phần lớn bộ phận người dân hiện nay chưa có điều kiện được giới thiệu hay tiếp cận với những sản phẩm tín dụng bán lẻ. Do đó, phần lớn chưa nhận thức được những lợi ích mà các sản phẩm tín dụng bán lẻ mang lại nên họ không có xu hướng sử dụng những sản phẩm đó.
Ngoài ra, phải kể đến tâm lý e sợ và “ngại” thay đổi để thử những điều mới của người Việt Nam. Những sản phẩm tín dụng bán lẻ vẫn là điều gì đó khá mới mẻ ở nước ta, vì chính tác động tâm lý tiêu cực này mà những sản phẩm tín dụng bán lẻ chưa được sử dụng rộng rãi bởi người dân Việt Nam.
- Về môi trường công nghệ
Công nghệ và ứng dụng công nghệ hiện đại là điểm mấu chốt có tính quyết định quá trình tồn tại, phát triển và cạnh tranh của mọi ngân hàng trong thời đại ngày nay. Đó chính là nền tảng để các ngân hàng phát triển các dịch vụ ngân hàng hiện đại như: Internet banking, Mobile banking, Home banking... Tuy nhiên trên thực tế, hệ thống công nghệ thông tin ngân hàng còn rất nhiều bất cập như: phát triển không đồng đều và mang tính cục bộ ứng dụng và phát triển công nghệ hiện đại trong kinh doanh còn chậm. Khả năng liên kết, kết nối mạng lưới thanh toán thẻ ATM còn hạn chế do sự không đồng đều về trình độ ứng dụng công nghệ thông tin giữa các ngân hàng, ảnh hưởng đến tiện ích và chất lượng của loại hình dịch vụ này.
Thêm vào đó, bản thân nền công nghệ thông tin nói chung của Việt Nam hiện nay cũng chưa có sự phát triển vững chắc. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật thông tin, truyền thông còn yếu, dung lượng đường truyền thấp, giá thành đắt, chất lượng dịch vụ chưa ổn định. Đăc biệt cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin là sự xuất hiện ngày càng nhiều tội phạm tin học với hành vi xâm phạm bất hợp pháp vào website của các ngân hàng để đánh cắp dữ liệu, mật khẩu của khách hàng để lấy tiền hoặc phát tán virus gây hại.
b. Môi trường vi mô
- về các đối thủ cạnh tranh
Do những tác động tiêu cực của nền kinh tế đến hoạt động bán buôn của các ngân hàng thương mại, cho nên nhiều ngân hàng đã chủ động phát triển sang hoạt động bán lẻ kéo theo cuộc cạnh tranh giành thị phần tín dụng bán lẻ ngày càng khốc liệt hơn. Cùng với đó là những ngân hàng nước ngoài với thế mạnh về hoạt động bán lẻ cũng như hoạt động tín dụng bán lẻ càng gây khó khăn hơn cho MB để có thể cạnh tranh phát triển hoạt động tín dụng bán lẻ.