Kinh nghiệm xử lý nợ xấu của Thái Lan

Một phần của tài liệu Giải pháp xử lý nợ xấu của hệ thống NH thương mại việt nam khoá luận tốt nghiệp 168 (Trang 30 - 33)

1.4.2.1. Biện pháp xử lý nợ xấu của Thái Lan

Cuối năm 1997, nợ xấu của hệ thống NHTM Thái Lan đã đạt đến 46% tổng dư nợ tín dụng. Đây là con số kỉ lục chưa từng có trước đây. Vì vậy Chính phủ Thái lan đã phải nhanh chóng đưa ra những giải pháp kịp thời để kiểm soát vấn đề này. Thái lan đã đưa ra 3 giải pháp cơ bản: bơm vốn trực tiếp, công ty quản lý tài sản AMC (Asset Management Company) và trung gian tái cơ cấu nợ CDRC (Corporate Debt

Restructuring Committee). Thành lập công ty quản lý tài sản AMC là giải pháp có thể nói là hiệu quả nhất cho đến nay đối với Thái Lan.

Thái Lan đã thành lập Công ty quản lý tài sản AMC, trải qua 2 mô hình phân tán và tập trung. Tuy nhiên, giải quyết nợ xấu thông qua mô hình AMC phân tán đã không thành công. Năm 2001, Thái Lan thành lập công ty quản lý tài sản tập trung Thai Asset Management Corporation (TAMC). Đây là AMC tập trung - theo định hướng nhà nước với mục đích duy nhất là xử lý triệt để vấn đề nợ xấu cho tất cả các TCTD.

TAMC huy động nguồn vốn chủ yếu từ phát hành trái phiếu (96%), còn lại rất nhỏ là từ hỗ trợ Chính phủ. Trái phiếu được TAMC phát hành có thời hạn 10 năm, được đảm bảo của FIDF để mua nợ xấu. Việc xử lý nợ xấu sẽ theo nguyên tắc: nếu nợ xấu sinh lời thì ngân hàng hưởng 80% lợi nhuận, nếu nợ xấu tạo lỗ thì ngân hàng chỉ phải chịu 20% khoản lỗ ấy.

Hầu hết các khoản nợ xấu là của doanh nghiệp kinh doanh BĐS và sản xuất. TAMC đã có những giải pháp riêng dành cho mỗi kiểu nợ xấu:

- Đối với các khoản vay có thế chấp không còn khả năng trả nợ, TAMC tịch thu tài sản thế chấp và bán thanh lý để bù đắp phần vốn vay dựa trên nguyên tắc chia sẻ lời - lỗ như trên đã đề cập.

- Đối với các khoản vay còn khả năng trả nợ, TAMC kết hợp với các cơ quan đại diện cho các khu vực kinh tế để đề xuất ra các giải pháp khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh của các khu vực đó, tạo nguồn vốn trả nợ.

- Đối với các khoản vay thuộc ngành bất động sản: TAMC đã phối hợp chặt chẽ với Cơ quan Nhà ở Quốc Gia (National Housing Authority) để đánh giá kĩ lưỡng tiềm năng của từng dự án. Với những dự án nào còn cơ hội phát triển sinh lời thì sẽ hỗ trợ vốn đầu tư, giúp các dự án có nguồn tài chính vững vàng để hoạt động, sớm bán được sản phẩm nhà ở ra thị trường.

- Đối với các khoản nợ trong khu vực sản xuất: Những ngành này có thể mang lại cơ hội việc làm cao và nhiều lợi nhuận, ví dụ như nhành công nghiệp sắt thép. TAMC hỗ trợ tài chính cũng như cũng Viện Thép Sắt Thài Lan đưa ra tư vấn kĩ thuật, quản lý DN để các DN đang có nguy cơ không trả được nợ sẽ hoạt động hiệu quả hơn, có thể sáp nhập để tăng quy mô.

- Đối với các doanh nghiệp vay nợ đang giao dịch trên Sàn Chứng khoán Thái Lan (Stock Exchange of Thailand - SET), TAMC tái cơ cấu và khôi phục lại giá trị cổ phiếu của một số doanh nghiệp đứng đầu ngành để tạo hiệu ứng tích cực cho các doanh nghiệp nhỏ hơn thuộc ngành đó.

1.4.2.2. Điểm sáng trong hoạt động xử lý nợ xấu của Thái Lan

Áp dụng mô hình AMC tập trung

Chính phủ Thái Lan đã có những nhận định kịp thời và đưa ra quyết định đúng đắn khi chuyển AMC ở mô hinh phân tán sang mô hình tập trung. Ở mô hình phân tán, khu vực tư nhân, nợ chỉ chuyển từ các ngân hàng mẹ sang AMC con, rồi lại mất chi phí để thuê công ty nước ngoài quản lý tài sản AMC, vì vậy nợ xấu không thực sự tách nợ xấu khỏi bảng cân đối của các ngân hàng. Các ngân hàng phải duy trì mức an toàn vốn cho cả nợ xấu hiện có và các AMC, khiến cho tài sản cần đáp ứng tăng gấp đôi. Còn với mô hình tập trung, TAMC phát hành trái phiếu để xử lý nợ nên ngân hàng có thể tách nợ xấu ra khỏi bảng cân đối kế toán.

Nguyên tắc chia sẻ lỗ lời của TAMC với ngân hàng

Nguyên tắc chia sẻ lỗ lời của TAMC và các ngân hàng: nếu nợ xấu sinh lời thì ngân hàng hưởng 80% lợi nhuận, nếu nợ xấu tạo lỗ thì ngân hàng chỉ phải chịu 20% khoản lỗ ấy. Nguyên tắc này đã giúp san sẻ gánh nặng cho TAMC. Nếu như ở Trung Quốc AMC phải chịu thiệt thòi khi trước năm 2004, phải mua lại toàn bộ khoản nợ với giá trị sổ sách nhưng thu hồi chẳng được bao nhiêu thì ở Thái Lan, việc thu hồi được hay không cũng có ngân hàng chia sẻ cùng.

Hỗ trợ các doanh nghiệp có khả năng phục hồi

TAMC đã hỗ trợ các “con nợ” phục hồi hoạt động, tư vấn cho các doanh nghiệp đã trải qua quá trình tái cấu trúc nợ để họ có thể tiếp cận các nguồn tài chính bổ sung. Đặc biệt, khoảng 27 công ty niêm yết trên sàn chứng khoán Thái Lan đã được hưởng lợi lớn từ các hoạt động của TAMC. Như vậy vừa khiến ổn định nền kinh tế, vừa biến các khoản gần như mất khả năng thu hồi nay có khả năng thu hồi lại được.

Đưa ra giải pháp cụ thể cho từng ngành

TAMC đã đưa ra từng giải pháp riêng cho mỗi loại nợ theo từng ngành cụ thể. Nhờ đó các biện pháp được sát sao với tình hình thực tiễn, giúp cho việc xử lý nợ càng nhanh chóng, hiệu quả.

Một phần của tài liệu Giải pháp xử lý nợ xấu của hệ thống NH thương mại việt nam khoá luận tốt nghiệp 168 (Trang 30 - 33)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(78 trang)
w