Xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng là một bài toán nan giải, cần mất rất nhiều công sức và thời gian mới có thể giải quyết triệt để nợ xấu. Cho dù năm 2017 tỷ lệ nợ xấu đã được đẩy lùi ở mức an toàn nhưng nợ xấu vẫn rình rập đe dọa tăng cao vì các biện pháp đưa ra chưa thực sự hiệu quả để phòng ngừa và xử lý nợ xấu. Việc xử lý nợ xấu không hề dễ dàng, vì vậy việc phòng ngừa nợ xấu là vô cùng quan trọng. Hơn nữa việc này cần được thực hiện ngay từ những khâu đầu tiên của quá trình cấp tín dụng.
Một là, thắt chặt chính sách tín dụng. Nhiều ngân hàng mải mê tranh đua mở rộng tín dụng, chiếm lĩnh thị trường mà cho vay dưới chuẩn. Việc hạ thấp tiêu chuẩn khoản vay gây nên những rủi ro, nguy hại cho ngân hàng. Những khoản vay dưới chuẩn thường đến từ những các nhân, tổ chức yếu kém về khả năng tài chính, tài sản đảm bảo giá trị thấp, khả năng thu hồi nợ rất kém, mầm mống nợ xấu xuất hiện. Để phòng ngừa nợ xấu, tốt nhất là kiểm soát từ gốc rễ. Nâng cao chất lượng khoản vay giúp ngân hàng có những khoản vay chất lượng có khả năng thu hồi cao, tránh được rủi ro nợ xấu. Việc nâng chuẩn cho vay nên được áp dụng với toàn bộ hệ thống chứ không riêng gì ngân hàng nào. NHNN nên có thêm văn bản qui định về chuẩn cho vay, kiểm soát chặt chẽ những ngân hàng vi phạm để có hướng xử lý kịp thời.
Hai là, nâng cao chất lượng tài sản đảm bảo. Tài sản đảm bảo là tài sản quan trọng giúp các NHTM, AMC thu hồi lại để bù đắp khoản nợ xấu. Tài sản bảo đảm có giá trị thấp, khó bán, phát mại sẽ gây khó khăn trong quá trình thu hồi và xử lý tài sản đảm bảo. Vì vậy cần nâng cao chất lượng tài sản đảm bảo, khoản vay càng lớn thì tài sản bảo đảm cho nó phải càng lớn và ít bị sụt giảm giá trị. Có thể nói bất động sản là một tài sản đảm bảo vô cùng phổ biến bởi giá trị lớn và ổn định. Tuy nhiên cần phải chú trọng đến chất lượng của tài sản đó vì vẫn có thể xảy ra sụt giảm theo giá thị trường. Ở đây cũng cần công tác thẩm định giá của các ngân hàng phải minh bạch.
Ba là, đồng bộ về tiêu chuẩn về xếp hạng tín dụng. Các ngân hàng hiện nay đểu có hệ thống xếp hạng tín dụng dựa trên kinh nghiệm (mô hình chuyên gia) bao gồm cả định tính và định lượng. Thông tin định tính thì không chính xác bơi thông tin tại Việt Nam thiếu sự minh bạch, chuẩn xác, hơn nữa việc đưa ra yêu tố định tính thường dựa vào kinh nghiệm, chiến lược từng ngân hàng nên việc đánh giá giữa các ngân hàng chưa có sự đồng nhất. Cùng một khách hàng nhưng qua hệ thống của các ngân hàng khác nhau sẽ cho ra điểm khác nhau. Vì vậy, cần xây dựng hệ thống chấm điểm tài chính, phi tài chính thống nhất các bộ tiêu chuẩn, triển khai áp dụng mô hình xếp hạng tín dụng nội bộ cho toàn hệ thống. Điều này sẽ giúp việc đánh giá khách hàng trở nên khách quan hơn, chính xác hơn. Nên triển khai mới hệ thống xếp hạng tín dụng và thẩm định tự động (CRA) theo thông lệ quốc tế chung cho toàn hệ thống. Ngoài ra có thể xây dựng mô hình đánh giá xếp loại tín dụng tùy theo từng nhóm khách hàng. Nhóm khách hàng cá nhân, doanh nghiệp siêu nhỏ, start-up cũng cần được áp dụng mô hình xếp hạng tín dụng khác, đánh giá về nhiều phương diện hơn so với những doanh nghiệp lớn.
Bốn là, kiểm soát mục đích sử dụng vốn của khách hàng. Khi vay ngân hàng, khách hàng luôn phải cam kết trong hợp đồng tín dụng về mục đích sử dụng vốn của mình. Ngân hàng xem xét mục đích sử dụng vốn, sau quá trình phân tích đánh giá về tính khả thi của phương án sử dụng vốn này mới cho vay. Tuy nhiên nếu sau khi được giải ngân, khách hàng lại sử dụng vốn sai mục đích, thì toàn bộ những thẩm định đánh giá phương án sử dụng vốn của ngân hàng không còn giá trị. Lúc này rủi ro lại tăng do việc sử dụng vốn của khách hàng sai mục đích ban đầu có thể dẫn đến thua lỗ, không có khả năng trả được nợ. Như vậy, trong quy trình tín dụng cần kiểm soát chặt chẽ hoạt
động sau vay của khách hàng để có biện pháp phù hợp khi khách hàng sử dụng vốn sai mục đích, đồng thời kịp thời xử lý, hỗ trợ, tránh mất mát cho cả hai bên.
Năm là, giám sát khoản vay thường xuyên định kì. Để có thể kịp thời chuyển nhóm nợ, xử lý nợ xấu, thì các NHTM cần phải giám sát khoản vay chặt chẽ, định kì, khi có phát hiện bất thường thì cần có biện pháp ngay. Hai đối tượng mà ngân hàng nên kiểm tra thường xuyên để phát hiện nợ xấu và hướng giải quyết kịp thời:
Dòng tiền: Dòng tiền được giải ngân và chuyển khỏan đúng mục đích vay theo phương án bên vay đã trình bày với ngân hàng, dòng tiền có từ doanh thu, phải đảm bảo giám sát thời hạn khi nào tiền về, kỳ hạn dòng tiền phù hợp với kỳ hạn khế ước vay, giám sát chất lượng khỏan phải thu ....đặc biệt là dòng tiền thu từ hoặt động trả chậm. Đặc biệt là với khoản vay sản xuất kinh doanh, ngân hàng phải thường xuyên kiểm tra dòng tiền của doanh nghiệp, để biết được tình trạng sức khỏe tài chính của doanh nghiệp, đồng thời tránh việc ôm nợ bỏ trốn của khách hàng.
Giá trị tài sản đảm bảm: Thông thường với vay trung hạn 1 năm định giá lại 1 lần, ngắn hạn 6 tháng 1 lần, hoặc tùy loại tài sản đảm bảo mà có biện pháp kiểm tra thường xuyên. Nếu tài sản là hàng hóa cầm cố thì phải kiểm kê số lượng và chất lượng hàng thường xuyên định kỳ hàng tháng thông qua báo cáo nhập, xuất, tồn của doanh nghiệp. TSBĐ chính là chiếc phao cuối cùng giúp ngân hàng có thể thu hồi lại được giá trị khoản nợ. Vì vậy việc đánh giá lại giúp ngân hàng có thể xác định trước những tổn thất, từ đó trích lập DPRR phù hợp.