Bài học cho Việt Nam từ kinh nghiệm quốc tế

Một phần của tài liệu Giải pháp xử lý nợ xấu của hệ thống NH thương mại việt nam khoá luận tốt nghiệp 168 (Trang 36 - 40)

Từ những thành công và ưu việt trong biện pháp xử lý nợ xấu của các quốc gia như Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc có thể rút ra những bài học sâu sắc dành cho Việt Nam trong việc xử lý nợ xấu.

Một là, nâng cao chất lượng tài sản đảm bảo. Điển hình như ở Trung Quốc, các AMC hoạt động khá tốt nhưng lại thu hồi được rất ít từ việc thanh lý tài sản đảm bảo bởi chất lượng tài sản đảm bảo kém, khả năng thanh lý tài sản để thu hồi nợ là thấp. Để tránh xảy ra việc này thì Việt Nam cần định giá kĩ lưỡng, chính xác các tài sản đảm bảo, tính toán cả những hao hụt có thể xảy ra với tài sản. Từ đó đưa ra quyết định tín dụng đúng đắn.

Hai là, thành lập công ty quản lý tài sản. Việc thành lập các công ty quản lý tài sản giúp các ngân hàng bớt được gánh nặng xử lý nợ để có thể tiếp tục hoàn thiện và

phát triển. Cả Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc đều sử dụng biện pháp này. Tuy nhiên để các AMC hoạt động thực sự hiệu quả thì phải giao cho AMC một nguồn ngân sách nhất định, gắn với một thời hạn cụ thể để giúp xử lý các khoản nợ xấu đang ở mức cao, giống như KAMCO ở Hàn Quốc. Với mục tiêu và nguồn tài chính rõ ràng, các AMC sẽ dễ dàng thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu hiệu quả.

Phải xác định rõ ràng AMC không phải là nơi trữ lại nợ xấu của các NHTM để làm đẹp sổ sách cho các ngân hàng, mà AMC là nơi thực sự giải quyết được các khoản nợ xấu, thu hồi về cho ngân hàng. AMC cần sử dụng các biện pháp xử lý hiệu quả như: bán đầu giá (giúp tăng giá trị thu về, phát triển thị trường mua bán nợ, công khai, minh bạch các khoản nợ), chứng khoán hóa các khoản nợ (phát triển thị trường chứng khoán, thu hút nhà đầu tư với những khẩu vị rủi ro khác nhau), hoán đổi nợ thành cổ phần (tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động, cũng là cơ hội để ngân hàng lấy lại khoản nợ không có khả năng thu hồi).

AMC cũng không nên mua nợ theo giá trị số sách như ở Trung Quốc mà nên tự định giá theo khả năng thu hồi được nợ như KAMCO của Hàn Quốc. Điều đó giúp chia sẻ bớt gánh nặng cho AMC, cũng làm cho AMC nhanh chóng thu hồi giá trị các khoản nợ hơn. Hay nguyên tắc chia sẻ lỗ - lời của Thái Lan cũng nên được học hỏi.

Ba là, xây dựng và phát triển thị trường mua - bán nợ xấu. Điểm thành công nhất trong các biện pháp xử lý nợ xấu của Hàn Quốc chính là đã xây dựng được một thị trường mua bán nợ xấu vô cùng sôi động. Thị trường mua bán giúp chuyển khoản nợ từ chủ thế này sang chủ thế khác. Đương nhiên mỗi chủ thể muốn mua khoản nợ đều có lý do và họ phải có lợi nhuận họ mới mua. Việc xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường mua bán nợ xấu sẽ giúp cho các chủ thể trong nền kinh tế tham gia thoải mái sôi động, các khoản nợ xấu được mau bán dễ dàng, đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu.

Việc xây dựng thị trường mua bán nợ cũng rất quan trọng vì nếu chỉ có AMC độc quyền giải quyết các khoản nợ có thể tiềm ẩn những tiêu cực, vấn đề về minh bạch mà Trung Quốc đã gặp phải.

Để xây dựng và phát triển thị trường mua bán nợ, phải đưa nó trở thành một thị trường sôi động bằng cách sử dụng các chiến thuật marketing, kêu gọi các nhà đầu tư từ nước ngoài.

Bốn là, hỗ trợ các doanh nghiệp có khả năng phục hồi. Giống như Thái Lan, Việt Nam nên kịp thời hỗ trợ tư vấn, hỗ trợ tài chính cho một số doanh nghiệp có nợ xấu. Đây phải là những doanh nghiệp lớn có khả năng phục hồi tốt mang lại giá trị lợi nhuận cao sau này. Được cấp tín dụng đúng lúc sẽ giúp các doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng, tập trung vào duy trì và mở rộng phát triển sản xuất kinh doanh.

Năm là, tái cấu trúc doanh nghiệp. Qua kinh nghệm của Hàn Quốc, có thể thấy rằng nâng cao hiệu quả và chất lượng doanh nghiệp là việc làm cần thiết nếu không muốn nợ xấu tăng cao. Và các doanh nghiệp nhà nước thường là nguyên nhân của nợ xấu do cách quản lý còn quan liêu, trì trệ. Vì vậy, xử lý nợ xấu phải đi đôi với tái cấu trúc doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp ở những ngành mũi nhọn của nền kinh tế. Có thể giảm tỷ lệ sở hữu của nhà nước của một doanh nghiệp thông qua việc bán cổ phần chuyển nợ cho các nhà đầu tư khác.

Các AMC ngoài việc mua nợ còn trực tiếp tham gia vào quá trình quản lý, tái cấu trúc doanh nghiệp, nhằm giúp doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả hơn, tạo giá trị thặng dư.

KẾT LUẬN CHƯƠNG 1

Chương 1 trình bày tổng quan về những lý luận cơ bản của nợ xấu, đi từ khái niệm, phân loại, bộ chỉ tiêu, nguyên nhân hình thành và các ảnh hưởng xấu của nợ xấu gây ra trong hoạt động tín dụng ngân hang, đồng thời đưa ra các biện pháp có thể xử lý nợ xấu. Cùng với đó, việc học hỏi, rút kinh nghiệm từ một số quốc gia trên thế giới như Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc - những quốc gia đã vô cùng thành công trong việc xử lý nợ xấu, đặc biệt là Trung Quốc với mô hình tổ chức hệ thống ngân hàng khá tương đồng với Việt Nam, áp dụng vào Việt Nam, sẽ giúp cho công tác xử lý nợ xấu ngày càng hiệu quả hơn. Trên cơ sở các vấn đề lý luận cơ bản, chương 2 đi sâu vào thực trạng nợ xấu hiện nay của Việt Nam, nguyên nhân và những nỗ lực ban đầu trong công tác giảm thiểu và giải quyết nợ xấu.

CHƯƠNG 2

THỰC TRẠNG NỢ XẤU VÀ XỬ LÝ NỢ XẤU CỦA HỆ THỐNG NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI VIỆT NAM

Một phần của tài liệu Giải pháp xử lý nợ xấu của hệ thống NH thương mại việt nam khoá luận tốt nghiệp 168 (Trang 36 - 40)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(78 trang)
w