Kinh nghiệm xử lý nợ xấu của Hàn Quốc

Một phần của tài liệu Giải pháp xử lý nợ xấu của hệ thống NH thương mại việt nam khoá luận tốt nghiệp 168 (Trang 33 - 36)

Tại Hàn Quốc, giai đoạn từ 1980- 1990, kinh tế tăng trưởng nhanh và mạnh. Nhiều doanh nghiệp nhân cơ hội đó và đầu tư quá mức mà không phân tích kĩ rủi ro. Nhiều ngân hàng nước ngoài đã vay ngắn hạn bằng ngoại tệ để tài trợ cho các khoản vay dài hạn bằng nội tệ, một phần là tài trợ cho các khoản vay mới. Sự bất cân xứng về thời hạn và tiền tệ đã gây nên những rủi ro và hình thành những khoản nợ xấu là điều không tránh khỏi.

1.4.3.1. Biện pháp xử lý nợ xấu của Hàn Quốc

Chính phủ Hàn Quốc đã thực hiện 3 biện pháp xử lý nợ xấu như sau

Hình thành quỹ công chúng và công ty quản lý tài sản Hàn Quốc - Korean Assent Management Corporation (KAMCO).

KAMCO được biết đến là một công ty quản lý nợ thuộc Ngân hàng phát triển KDB. Để xử lý toàn bộ nợ xấu, Chính phủ Hàn Quốc đã thay đổi về chức năng của KAMCO, cho phép mua bán nợ xấu trong hệ thống các tổ chức tín dụng.

KAMCO được sở hữu bởi ba đơn vị: bộ Tài chính và kinh tế (đóng góp 42,8% vốn), KDB (28,6%), và các định chế tài chính khác (28,6%), dưới sự giám sát điều hành của bộ Tài chính và kinh tế, bộ Kế hoạch và ngân sách, uỷ ban Giám sát tài chính, hiệp hội các ngân hàng, công ty bảo hiểm tiền gửi KDB và ba chuyên gia độc lập. KAMCO quản lý quỹ NPA - quỹ quản lý nợ xấu được huy động chủ yếu từ việc phát hành trái phiếu do chính phủ bảo lãnh, còn lại vay KDB và các định chế tài chính khác

KAMCO phân các tài sản mua thành 2 loại: tài sản thông thường và tài sản đặc biệt. Tài sản thông thường là những khoản nợ xấu không chắc chắn thanh toán được. Tài sản đặc biệt là những khoản nợ xấu của các công ty đang trong quá trình tái cơ cấu. Vì vậy các khoản nợ đặc biệt được gia hạn thời gian trả nợ và hưởng lãi suất thấp hơn. KAMCO ưu tiên mua các khoản nợ mà có thể dễ dàng chuyển giao quyền thu nợ, các khoản nợ có thể giúp các TCTC khôi phục lại hoạt động và hình ảnh trước công chúng, và các khoản cho vay đồng tài trợ.

Sau khi mua lại, KAMCO sẽ thực hiện xử lý nợ bằng các cách: - Bán nợ cho các nhà đầu tư thông qua đấu giá quốc tế

- Chứng khoán hóa các khoản nợ có đảm bảo bằng tài sản đảm bảo của các khaorn nợ xấu

- Chuyển nợ thành cổ phần nhằm tái cơ cấu, tài trợ tài chính cho những công ty vẫn có khả năng phục hồi sinh lợi nhuận.

Biều đề 1.1: Mô hình hoạt động của KAMCO

Nguồn: www.sbv.gov.vn

Lượng mua nợ xấu của KAMCO vẫn tăng qua các năm nhưng tỷ lệ nợ xấu còn lại thì ngày càng giảm, từ 88,6% xuống 24% (giai đoạn 1997 - 2001). Đến năm 2001, quá trình xử lý nợ xấu ở Hàn Quốc đã gần như được hoàn thành. Điều này cho thấy hiệu quả hoạt động của KAMCO trong nhiệm vụ xử lý nợ xấu được giao.

Tái cơ cấu doanh nghiệp

Thành lập công ty tái cơ cấu doanh nghiệp CRC tạo điều kiện cho quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp và ngành tài chính theo nguyên tắc thị trường. Công ty tương tự quỹ thu mua chứng khoán, mua cổ phiếu hoặc mua lại nợ xấu để chuyển thành cổ phần và nắm quyền quản lý công ty. Điều này giúp các công ty đang mang nợ xấu có cơ hội được vực dậy, tiếp tục kinh doanh để mang lại lợi nhuận, trả các khoản nợ cũ.

Hỗ trợ từ Chính phủ

Để khuyến khích khả năng bán các khoản nợ xấu, chính phủ Hàn Quốc đã ban hành những luật thuế đặc biệt:

(1) Giảm thuế trên thặng dư vốn: Thặng dư vốn thu được từ việc chuyển đổi các tài sản sở hữu bởi các tổ chức tài chính như KAMCO hay KDIC đều được giảm 50% thuế.

(2) Tính vào chi phí: Khi TCTD có số nợ xấu nhiều hơn mức dự phòng mất vốn, TCTD được phép bù phần nhiều hơn đó với dự phòng định giá lại tài sản. Phần bù đó được tính vào chi phí khi tính thu nhập chịu thuế của TCTD.

(3) Miễn giảm thuế giao dịch chứng khoán: Khi KAMCO, KDIC hay tổ chức tài chính nào mua cổ phiếu của các tổ chức tài chính mất khả năng thanh toán để tổ chứ lại tổ chức này và chuyển đổi lượng cổ phiếu đó cho bên thứ ba sẽ được miễn giảm thuế.

1.4.3.2. Điểm sáng trong hoạt động xử lý nợ xấu của Hàn Quốc

Tái cơ cấu doanh nghiệp

Công ty tái cơ cấu doanh nghiệp CRC phục vụ cho quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp và ngành tài chính theo nguyên tắc thị trường giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động trì trệ. Việc tái cơ cấu doanh nghiệp qua việc bán cổ phần chuyển nợ cho các nhà đầu tư nước ngoài cũng là biện pháp hiệu quả vừa giúp doanh nghiệp hoạt động tốt hơn lại xử lý được món nợ xấu.

Định giá khi mua các khoản nợ xấu

KAMCO mua các khoản nợ xấu của các TCTD không dựa theo giá trị sổ sách như Trung Quốc mà dựa trên các tiêu chí nhất định, bằng nhiều phương pháp phân tích đánh giá để đàm phán giá bán cuối cùng. Lúc đầu, KAMCO định giá dựa trên khả năng mất vốn của khoản nợ, sau này thì tiếp tục tiến hành định giá nợ xấu dựa trên đặc điểm từng khoản nợ. KAMCO chỉ trả cho các khoản nợ xấu có thế chấp giá trung bình bằng 67% giá trị sổ sách, còn các khoản nợ xấu không có thế chấp thì được trả giá trị trung bình khoảng 11% giá trị sổ sách.

Như vậy so với Trung Quốc thì mô hình công ty quản lý tài sản như này cũng giúp giảm bớt gánh nặng xử lý nợ cho công ty do không phải mua với giá quá cao (bằng giá trị sổ sách) mà được tự định giá để mua.

Hình thành một thị trường mua bán nợ xấu

KAMCO cũng có chiến lược đúng đắn khi định giá cao hơn mức giá trung bình trong giai đoạn đầu rồi sau đó định giá sát với thị trường hơn, thường là giảm so với ban đầu. Việc này kích thích các công ty mua bán nợ xấu tư nhân mua lại các khoản nợ này.

KAMCO đã kết nối giữa người bán và các nhà đầu tư mua nợ xấu, thuyết phục các nhà đầu tư quốc tế lớn quan tâm đến việc mua nợ xấu tham gia vào thị trường Hàn Quốc qua các chiến dịch marketing, các buổi giới thiệu. Có thể nói KAMCO đã biến các khoản nợ xấu chẳng ai quan tâm thành một “sản phẩm” thực sự mà nhiều người phải đấu giá mới mua được. Các nhà đầu tư nước ngoài thậm chí đã đổ xô đến các cuộc đấu giá nợ xấu này vì KAMCO thực hiện rất minh bạch và giá rẻ. Khi thấy các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, các nhà đầu tư trong nước cũng đến tìm cơ hội đầu tư ở đây, làm cho thị trường trở nên cạnh tranh, sôi động hơn. Ngoài ra, KAMCO cũng đã thành lập những liên doanh với các nhà đầu tư nước ngoài để tái cấu trúc tài sản xấu. Cùng với đó KAMCO thực hiện đầu tư ở nước ngoài, cũng tư vấn xử lý nợ xấu cho Trung Quốc, Nga, giúp Việt Nam thành lập công ty xử lý nợ xấu.

Một phần của tài liệu Giải pháp xử lý nợ xấu của hệ thống NH thương mại việt nam khoá luận tốt nghiệp 168 (Trang 33 - 36)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(78 trang)
w