Tiếng gọi của bầu trờ

Một phần của tài liệu vu-tru-va-hoa-sen (Trang 25 - 26)

Bước tiếp theo sẽ là gì đây? Sau bằng tiến sĩ vật lí thiên văn, thường tiếp theo sẽ là hai năm nghiên cứu sau tiến sĩ để làm nghiên cứu. Đây là thời gian lí tưởng cho một nhà nghiên cứu trẻ trưởng thành về mặt khoa học và bắt đầu tạo dựng danh tiếng trong lĩnh vực của mình. Do không còn là sinh viên, nên không phải đi học và thi cử nữa, và cũng chưa phải là một giáo sư, nên cũng không phải dành nhiều thời giờ để chuẩn bị bài giảng, hướng dẫn luận án, thực hiện các nhiệm vụ hành chính hay tham gia các ủy ban khoa học. Tôi hoàn toàn có thể tập trung vào công việc nghiên cứu, đây là điều không thể xảy ra lần thứ hai trên con đường sự nghiệp. Nhưng nơi để tiếp tục nghiên cứu sẽ là ở đâu? Tôi vừa trải qua bốn năm làm việc cường độ cao tại Princeton, chỉ để nghiên cứu lí thuyết. Luận án của tôi dựa trên các tính toán và mô hình toán học. Tôi đã học được rất nhiều, và không có gì để nghi ngờ, đây là khoảng thời gian tuyệt vời cho sự trưởng thành của trí tuệ. Nhưng đối với tôi, thiên văn học không thể chỉ quy về các phương trình, các con số và các khái niệm. Tôi mong muốn được tiếp xúc trực tiếp với bầu trời. Tôi cần lại được kinh ngạc trước vòm trời sao tráng lệ mà chỉ thấy được ở những đài thiên văn đặt trên các đỉnh núi cao, cách xa ánh đèn nê-ôn thành phố, xa tiếng ồn và sự cuồng nộ của con người. Tôi muốn cảm nhận lại cảm giác khôn tả về sự hiệp thông với vũ trụ khi ánh sáng của bầu trời rót vào kính thiên văn của tôi. Tôi muốn một lần nữa được run lên với ý nghĩ rằng các hạt ánh sáng tới kính thiên văn của tôi đã bắt đầu cuộc hành trình xuyên thiên hà và giữa các vì sao từ hàng tỉ năm trước, khi các nguyên tử tạo nên cơ thể của tôi vẫn còn chưa được sản xuất trong lò luyện hạt nhân của một ngôi sao. Tiếng gọi của bầu trời mạnh mẽ và không thể cưỡng nổi đến mức tôi đã chấp nhận đề nghị của James Gunn, một giáo sư thiên văn học của Caltech, đã cấp cho tôi một học bổng sau tiến sĩ để làm việc với ông về vũ trụ học.

Vũ trụ học đã luôn cuốn hút tôi. Qua tất cả thời đại và trong tất cả các nền văn hóa, đối mặt với thế giới bao quanh, con người luôn cố gắng gạt bỏ nỗi lo âu và hoang mang của mình trước không gian vô tận bằng cách tổ chức và gán cho nó một khuôn mặt quen thuộc. Việc tổ chức thế giới bên ngoài đó, khi áp dụng cho toàn vũ trụ, được gọi là “vũ trụ học”. Đây là môn học đặt ra những câu hỏi về số phận của vũ trụ, kích thước của nó, hình thức và nội dung của nó từ khi ra đời cho tới khi chết đi. Tôi là một nhà vũ trụ học khi tôi cố gắng lắp ghép một cách hài hòa các mẩu thông tin bề ngoài tưởng như rời rạc như bình minh và hoàng hôn, các pha của mặt trăng, bầu trời đầy sao hoặc sự thay đổi của các mùa trong năm, từ cái nóng nhớp nháp của mùa hè tới sắc vàng của mùa thu, từ cái lạnh băng giá của mùa đông tới sự bừng nở của mùa xuân. Bằng cách xây dựng một hệ thống ý tưởng liên kết chặt chẽ để giải thích thế giới bên ngoài, với tư cách là thành viên của một xã hội và một nền văn hóa, ta đã tạo ra một vũ trụ. Vũ trụ này cung cấp cho chúng ta một ngôn ngữ chung và góp phần làm nên sự gắn kết xã hội, bằng cách cho chúng ta cùng một niềm tin về một nguồn gốc và sự tiến hóa tập thể. Tuy nhiên, vũ trụ mà chúng ta tạo ra sẽ biến đổi theo từng nền văn hóa và thời đại.

Các hệ thống vũ trụ do đó đã liên tiếp xuất hiện trong suốt lịch sử, làm phát sinh những huyền thoại cũng đa dạng như những cộng đồng con người.

nữa, mà dựa trên những quan sát rất chính xác. Khái niệm về một vụ bùng nổ không gian vào lúc ra đời của vũ trụ - tức Big Bang - xuất phát từ sự phát hiện ra chuyển động dãn nở của vũ trụ bởi Hubble năm 1929. Hiệu ứng của vụ nổ này vẫn còn tiếp tục cho tới ngày nay, thể hiện ở sự chạy trốn ra xa nhau của các thiên hà. Tuy nhiên, lí thuyết Big Bang không phải đã được tất cả công nhận ngay lập tức. Ý tưởng về một sự khởi đầu của vũ trụ, có thể được coi như thời điểm “sáng thế”, mang quá nhiều hàm ý tôn giáo. Một số nhà nghiên cứu đưa ra những lí thuyết khác, chẳng hạn như vũ trụ tĩnh (dừng). Vũ trụ này, về phương diện nào đó, đã lấy lại ý tưởng của Aristotle về tính bất biến của các tầng trời, theo đó vũ trụ ở mọi thời điểm là tương tự nhau, không có khởi đầu cũng không có kết thúc. Nó loại bỏ khái niệm “sáng thế”, vứt bỏ sự thay đổi và tiến hóa cố hữu trong lí thuyết Big Bang. Cú đòn quyết định đánh gục lí thuyết này (và tất cả các lí thuyết đối thủ khác của Big Bang) là phát hiện của Penzias và Wilson vào năm 1965 về ánh sáng hóa thạch (hay bức xạ nền) đến chúng ta từ màn đêm sâu thẳm của thời gian, khoảng 380 ngàn năm sau Big Bang. Vì lí thuyết vũ trụ tĩnh bác bỏ ý tưởng về một sự khởi đầu nóng và đặc, nên nó không thể giải thích được bức xạ hóa thạch tràn ngập trong toàn bộ vũ trụ.

Sự tuôn trào bức xạ hóa thạch đã đánh dấu một bước ngoặt quyết định trong tư tưởng vũ trụ học hiện đại của các nhà vật lí thiên văn. Một sự thay đổi hình mẫu đã diễn ra. Từ nay, lí thuyết Big Bang trở thành biểu tượng mới của thế giới. Một số nhà vũ trụ học vẫn cho rằng, “Big Bang là một huyền thoại, có lẽ là một huyền thoại tuyệt vời, xứng đáng có được vị trí danh dự trong bảo tàng cùng với huyền thoại Hindu về vũ trụ luân hồi, quả trứng vũ trụ của Trung Quốc, hay huyền thoại trong Kinh Thánh về sự Sáng Thế trong sáu ngày và nhiều huyền thoại khác nữa”. Nhưng đối với tôi, lí thuyết Big Bang có ưu thế hơn nhiều. Nó đã đạt tới tầm cỡ của một khoa học. Với một tầm vóc mạnh mẽ, tới nay nó đã chống chọi lại được rất nhiều cuộc tấn công, và hiện tại nó là sự mô tả tốt nhất về vũ trụ. Nếu một ngày nào đó chúng ta cần thay thế Big Bang bằng một lí thuyết vũ trụ tinh xảo hơn, thì lí thuyết mới này cần phải bao hàm được tất cả những cái đã đạt được bởi Big Bang, giống như cách mà vật lí Einstein đã tích hợp được tất cả các thành tựu của vật lí Newton.

Một phần của tài liệu vu-tru-va-hoa-sen (Trang 25 - 26)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(93 trang)