Tôi may mắn được làm việc trong một lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, nơi tri thức đạt được là vì sự vinh quang của trí tuệ nhân loại, chứ không phải vì mục đích vụ lợi. Rất may mắn là giới quân sự chưa tìm thấy những ứng dụng quân sự từ Big Bang và lỗ đen! Nhưng có những nghiên cứu khoa học có các hệ quả ngay lập tức và nghiêm trọng đối với nhân loại, và các nhà nghiên cứu phải đối mặt với những vấn đề ở tầm mức luân lí và đạo đức cấp thiết hơn nhiều và ngày càng trở nên lớn lao hơn: phát triển hạt nhân, phá hủy môi trường, nhân bản vô tính, biến đổi gen và có thể cả việc chọn lọc một số loại người.
Vậy liệu có phải vì thế mà cần phải kiểm soát công việc nghiên cứu? Tôi không nghĩ như thế. Tôi tin một cách vững chắc vào sự tự do nghiên cứu. Trí tưởng tượng cần phải được giải phóng, nếu không nó sẽ bị tàn úa. Sự sáng tạo cần phải được thể hiện một cách tự do, không ràng buộc, nếu không nó sẽ chết. Ta đã thấy những hậu quả thảm hại mà các chế độ cực quyền, như Liên Xô cũ và Trung Quốc, đã gây ra cho các hoạt động khoa học. Vụ Lyssenko, ở Liên Xô cũ, là một ví dụ nổi bật. Vì ông ta có thể
bịt miệng mọi sự đối lập, và với sự hậu thuẫn của Stalin và Đảng Cộng Sản, nhà khoa học Trohm Lyssenko đã áp đặt từ năm 1932 tới 1964 ý tưởng cho rằng các gen là không tồn tại, mà hoàn toàn không có một bằng chứng thực nghiệm nào, và do vậy đã làm cho những tiến bộ của sinh học và di truyền học Xô Viết chậm lại nhiều thập kỉ, gây ra những nạn đói khủng khiếp do các phương pháp của ông ta trong lĩnh vực nông nghiệp bị thất bại hoàn toàn. Do vậy, về mặt tiên nghiệm, tôi không ủng hộ việc kiểm soát nghiên cứu. Nếu như vì những nguy hiểm tiềm tàng của một số nghiên cứu khoa học mà chúng ta nghiêm cấm nghiên cứu, chúng ta sẽ có nguy cơ bỏ qua rất nhiều lợi ích mà chúng có thể sẽ mang lại cho chúng ta. Nói chung, với những nghiên cứu khoa học cơ bản, chúng ta sẽ không bao giờ có thể đoán trước được phát minh này hay phát minh kia sẽ có những hậu quả gì. Nhà vật lí Scotland James Maxwell hẳn sẽ rất ngạc nhiên khi biết rằng tất cả các thiết bị điện tử làm nên tiện nghi vật chất của chúng ta hoạt động được là nhờ vào các định luật điện từ đã được ông thiết lập vào thế kỉ 19: đèn điện, máy fax, GPS (hệ thống định vị toàn cầu), đài, ti vi, Internet, điện thoại di động, Wifi… Nhà vật lí người Pháp Sadi Carnot, khi miệt mài nghiên cứu về nhiệt động lực học, hoàn toàn không nghĩ tới việc nó sẽ dẫn tới một trong số những phát minh quan trọng nhất của thế giới hiện đại: đó là ô tô.
Nói thế nhưng về mặt hậu nghiệm, việc kiểm soát là hoàn toàn cần thiết. Ngay khi nhà khoa học nhận ra một ứng dụng có nguy cơ gây nguy hiểm, ông ta có trách nhiệm trao đổi với những nhà lãnh đạo và cảnh báo cho công chúng. Một cách lí tưởng nhất, sự điều tiết này phải được thực hiện đồng thời bởi các nhà khoa học và một công chúng đã nắm rõ tình hình để gây áp lực với các nhà chính trị. Việc hình thành các hội đồng đạo đức, có thành phần gồm các nhà khoa học lớn trong mọi tình vực, đại diện cho mọi quan điểm, kể cả các nhà thần học và các triết gia, là điều cần thiết. Nhưng cũng cần tới sự có mặt của công chúng để làm đối trọng với các quyết định của các nhà chính trị. Sự xuất hiện của các khái niệm khoa học và công nghệ ngày càng phức tạp và khó hiểu tạo ra một nguy cơ đáng lo ngại: sự thống trị của một nhóm người có đặc quyền tiếp xúc với tri thức và như vậy sẽ nắm được quyền lực. Để có tiếng nói của mình, công chúng cần phải nắm được rõ tình hình nếu không sẽ bị dắt mũi bởi truyền thông hay những kẻ mị dân ranh ma, với các mục đích chính trị tầm thường. Đó là tại sao, như tôi đã giải thích ở trên, tôi coi một trong những trách nhiệm thiêng liêng của nhà khoa học là phổ biến các phát minh của mình, phải truyền đạt tri thức của mình tới công chúng và cảnh báo cho công chúng những ứng dụng có nguy cơ nguy hiểm.
Tuy nhiên, một số nhà bác học không hề nghi ngờ những căn cứ của các nghiên cứu của họ, mặc dù sự lạm dụng có thể thấy trước. Thường chỉ khi điều xấu đã xảy ra họ mới thấy hối hận, như trong trường hợp các cha đẻ của bom nguyên tử. Những người khác thậm chí không nấp sau tính trung lập của nghiên cứu cơ bản mà còn cộng tác chặt chẽ, chẳng hạn, trong việc tạo ra các vũ khí vi trùng. Số khác nữa còn thực hiện, mà không biểu hiện bất cứ tâm trạng nào, những thí nghiệm trên cơ thể con người. Chẳng hạn, từ năm 1936 tới 1976, chính quyền Thụy Điển đã triệt sản 60 ngàn người bị coi là “thấp kém”. Từ năm 1932 tới 1972, 400 người Mỹ của bang Alabama, tất cả đều là người da đen nghèo khổ, đã bị Public Health Service (Dịch vụ y tế công cộng) sử dụng làm vật thí nghiệm để nghiên cứu sự phát triển dài hạn của bệnh giang mai. Chỉ tới năm 1997 Tổng thống Bill Clinton mới đưa ra lời xin lỗi nhân danh nhân dân Mỹ.
Trong một số lĩnh vực khoa học, các ứng dụng là ngay lập tức và việc kiểm soát hậu nghiệm là không đủ. Chẳng hạn, các tiến bộ đáng kinh ngạc của sinh học hiện đại đặt ra nhiều vấn đề nghiêm trọng về đạo đức và luân lí. Việc giải mã bộ gen người đã được hoàn thành vào năm 2001. Các nhà khoa học đã học cách tìm ra các gen gây ra một số bệnh di truyền, phát hiện ra các gia đình có nguy cơ và “hí hoáy chữa” gen, theo ngôn từ của nhà sinh học người Pháp François Jacob, để khắc phục một số khiếm khuyết. Từ nay, người ta đã biết cách biến đổi gen để lựa chọn giới tính, kích thước, màu mắt hay tóc của trẻ sắp sinh. Việc hí hoáy sửa chữa di truyền này có nguy cơ vượt khỏi tầm kiểm soát, và khi vào tay kẻ xấu, có thể làm xuất hiện lại chủ nghĩa ưu sinh của phát xít: phân cấp “chủng tộc”, phòng giữ các phần tử ưu tú, loại bỏ những kẻ “bị sai lệch và thấp kém”. Câu chuyện “những đứa trẻ Nobel” là minh chứng cho điều đó: vào đầu những năm 1980, ở California, những phụ nữ có chỉ số thông minh cao đã được thụ tinh bởi tinh trùng của những người đoạt giải Nobel được giữ ở một “Ngân Hàng” để tạo ra những đứa trẻ siêu việt. Ý tưởng này dựa trên giả thuyết trí thông minh được di truyền, mà điều này chưa bao giờ được kiểm chứng một cách khoa học. Con người ngày nay có khả năng nhân bản các động vật (chúng ta đều nhớ vụ nhân bản động vật có vú thành công đầu tiên, cừu
Dolly, năm 1997) và một số nhà nghiên cứu đã làm việc về nhân bản con người, cần phải cấm tuyệt đối việc nhân bản người hay có thể cho phép dưới một số điều kiện nào đó?
Đối mặt với các vấn đề luân lí và đạo đức như thế, nhà khoa học phải có trách nhiệm không được quên đi nhân tính của mình. Đối với tôi, một phương pháp tinh thần không giáo điều, như của Phật giáo, là điều rất căn bản. Với một người theo đạo Phật, cái tốt và cái xấu không tồn tại tự thân. Chỉ có cái tốt và cái xấu thông qua hạnh phúc và đau khổ gây ra cho mình hay cho người khác. Nếu tôi có thể làm sinh ra trong mình một lòng vị tha để có thể quan tâm một cách sâu sắc tới hạnh phúc của người khác, thì sự vị tha này sẽ trở thành kim chỉ nam chắc chắn nhất cho sự xét đoán của tôi. Đối mặt với cuộc sống thường nhật, đặc biệt là với công việc khoa học, tôi sẽ dễ dàng hơn trong việc đánh giá đâu là những quyết định và hành động sẽ tạo ra nhiều hạnh phúc hơn và giảm đi nhiều đau khổ hơn. Cần phải hiểu rõ rằng ở đây tôi nói tới một kinh nghiệm sống và trực tiếp, chứ không phải mớ lí thuyết hay các châm ngôn đạo đức. Kinh nghiệm này đòi hỏi một sự quan tâm liên tục tới những tư tưởng làm động lực cho tôi. Phật giáo so sánh tinh thần với pha lê sẽ nhuộm màu của nơi người ta đặt nó. Nó là trung tính, và chính những ý định sẽ quyết định đặc điểm thực sự của các hành động của chúng ta. Tôi đưa ra tiêu chuẩn của sự lựa chọn những gì tôi cần phải làm và phải tránh như sau: tôn trọng nhân loại và hệ sinh quyển bằng mọi giá.