Nguyên lí sáng tạo hay vũ trụ không có điểm khởi đầu?

Một phần của tài liệu vu-tru-va-hoa-sen (Trang 82 - 83)

Vụ cá cược giống Pascal của tôi về một nguyên lí sáng tạo thực ra đi ngược lại với cái nhìn của Phật giáo vốn không chấp nhận ý tưởng về một nguyên lí như thế hay về một Chúa Trời “thợ đồng hồ” đã tạo ra vũ trụ từ hư vô. Do nguyên lí tương thuộc, một thực thể không phụ thuộc vào bất cứ cái gì sẽ

không thể chuyển từ trạng thái không tồn tại thành tồn tại. Phật giáo cũng cho rằng các tính chất của vũ trụ không cần phải điều chỉnh để cho ý thức xuất hiện. Theo Phật giáo, các làn sóng của ý thức và vũ trụ vật chất luôn cùng tồn tại mãi mãi trong một vũ trụ không có khởi đầu. Sự điều chỉnh lẫn nhau và tương thuộc giữa chúng thậm chí còn là điều kiện để chúng cùng tồn tại. Tôi thừa nhận rằng khái niệm tương thuộc đưa ra được một giải thích cho sự điều chỉnh chính xác của vũ trụ để làm xuất hiện sự sống và ý thức. Tuy nhiên, nó ít hiển nhiên hơn trong việc có thể giải thích được câu hỏi hiện sinh của Leibniz: “Tại sao có cái gì đó lại hơn là chẳng có gì? Bởi vì chẳng có gì đơn giản và dễ dàng hơn rất nhiều so với có cái gì đó”. Tôi muốn thêm rằng: tại sao các định luật vật lí lại như thế mà không khác đi? Chẳng hạn, chúng ta có thể hình dung rất rõ sống trong một vũ trụ chỉ được mô tả bởi các định luật Newton sẽ như thế nào. Thế nhưng thực tế lại không phải như vậy: chính các định luật của cơ học lượng tử và thuyết tương đối mới giải thích được vũ trụ ta biết.

Quan điểm Phật giáo nêu lên các câu hỏi khác. Nếu như không có nguyên lí sáng tạo, vũ trụ không thể được tạo ra. Không gì có thể xuất hiện mà không có nguyên nhân và điều kiện, nói cách khác, không gì có thể bắt đầu tồn tại hay ngừng tồn tại. Big Bang sẽ không còn là một vụ nổ nguyên thủy, mà chỉ là sự bắt đầu của một vòng tuần hoàn trong một chuỗi không bắt đầu không kết thúc của vô số các vòng như thế. Vũ trụ khoa học duy nhất tương thích với quan điểm này là vũ trụ tuần hoàn (cyclic), bao gồm một chuỗi vô hạn các Big Bang và Big Crunch. Tuy nhiên, việc vũ trụ một ngày nào đó sẽ co sập lại còn lâu mới được thiết lập một cách khoa học.

Theo lí thuyết chuẩn về Big Bang, các quan sát thiên văn chỉ ra rằng tổng lượng vật chất sáng và tối trong vũ trụ không đủ lớn để lực hấp dẫn đảo ngược được sự dãn nở của vũ trụ và dẫn tới một Big Crunch. Trái lại, một lực đẩy kì bí được gây ra bởi “năng lượng tối” sẽ tiếp tục pha loãng vũ trụ trong một thời gian vô hạn, điều này sẽ loại bỏ khái niệm vũ trụ tuần hoàn và do đó bất đồng với tư tưởng Phật giáo về một vũ trụ không có khởi đầu. Nhưng các nhà vật lí, dựa theo lí thuyết dây (theo lí thuyết này, các hạt cơ bản không phải là một điểm không có quảng tính về không gian mà là các đoạn dây vô cùng bé rung động), đã đưa ra một kịch bản tuần hoàn đối với vũ trụ, theo đó Big Bang chỉ là một chặng trong một vòng vô tận các va chạm khổng lồ giữa vũ trụ của chúng ta với một vũ trụ song song. Dù sao chăng nữa, hiện tại, kịch bản này giống với khoa học viễn tưởng hơn là khoa học, bởi lí thuyết dây chưa được kiểm chứng bằng thực nghiệm. Vậy thì vũ trụ có khởi đầu hay không có khởi đầu? Trong mọi trường hợp, với tư cách một nhà khoa học, tôi theo phán quyết của khoa học.

Một phần của tài liệu vu-tru-va-hoa-sen (Trang 82 - 83)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(93 trang)