Như vậy, khoa học tiến triển từ mô thức này tới mô thức khác. Vậy khi làm như thế liệu chúng ta có tới gần được chân lí hơn không? Tôi nghĩ là có. Về điều này tôi không đồng ý với Kuhn khi ông vứt bỏ khái niệm về mục tiêu của khoa học (mặc dù ông chấp nhận khái niệm mục tiêu của tiến bộ). Với tôi, khoa học luôn hướng tới một mục tiêu rất xác định, đó chính là chân lí. Nó tiến tới chân lí một cách tiệm cận, tức là luôn tiến tới gần hơn nhưng không bao giờ đạt tới. Ví dụ, cách mà thực tại được mô tả trong thuyết tương đối của Einstein là gần với chân lí hơn so với cách của lí thuyết Newton, nhưng lí thuyết này lại sẽ không đầy đủ bằng một lí thuyết tương lai về hấp dẫn lượng tử - lí thuyết thống nhất cơ học lượng tử và thuyết tương đối. Thuyết Big Bang mô tả sự ra đời và phát triển của vũ trụ chắc chắn là tinh vi và gần với thực tại hơn là vũ trụ có Trái Đất là trung tâm của Ptolemy hay vũ trụ với Mặt Trời làm trung tâm của Copernicus. Mô thức này khi thay thế một hình mẫu cũ không nhất thiết là vứt bỏ hoàn toàn cái cũ. Như tôi đã nói, mô thức Einstein phải bao gồm tất cả những gì đã có của mô thức Newton khi vận tốc rất nhỏ so với vận tốc ánh sáng và cường độ trường hấp dẫn không quá lớn.
Vũ trụ của Big Bang là vũ trụ mới nhất trong chuỗi dài các vũ trụ được phát hiện bởi con người, bắt đầu từ vũ trụ thần linh, qua các vũ trụ huyền thoại, toán học và địa tâm. Chắc chắn nó chưa phải là vũ trụ cuối cùng được sinh ra từ trí não con người: khó có chuyện chúng ta là người được cất lên tiếng nói cuối cùng, hay chúng ta là người được chọn để phát hiện ra bí mật giai điệu bí ẩn của thế giới. Trong tương lai sẽ còn một chuỗi dài các vũ trụ ngày càng tiến gần hơn tới vũ trụ thực. Nhưng liệu có bao giờ chúng ta đạt tới mục đích cuối cùng, liệu chúng ta có chạm được tới chân lí tối hậu, khi mà vũ trụ sẽ phát lộ toàn bộ sự huy hoàng của nó? Tôi nghĩ là không. Khoa học khi phát triển cũng sẽ phát hiện ra chính những hạn chế của nó. Cơ học lượng tử đã dạy chúng ta rằng ngay cả hành động quan sát cũng sẽ làm thay đổi thực tại. Định lí bất toàn của nhà toán học người Áo Kurt Godel đã hàm ý việc tồn tại, ít ra là trong toán học, các giới hạn của sự suy luận lí tính. Thực tại nắm bắt được nhờ các dụng cụ đo đạc không tránh khỏi sự diễn giải và biến đổi bởi bộ não, cùng với các định kiến và mô thức của chúng ta.
Nếu vũ trụ là vĩnh viễn không thể với tới, nếu giai điệu của nó vĩnh viễn là bí ẩn, thì liệu có nên thất vọng và từ bỏ cuộc kiếm tìm không? Tôi không nghĩ thế. Trong mọi trường hợp, con người sẽ không bao giờ thoát khỏi nhu cầu cấp thiết là tổ chức lại thế giới bên ngoài thành một sơ đồ gắn bó chặt chẽ và thống nhất. Sau vũ trụ Big Bang, họ sẽ tiếp tục tạo ra nhiều vũ trụ khác, ngày càng tiến gần hơn tới vũ trụ thực mà không bao giờ chạm được tới, nhưng chúng sẽ soi sáng và tôn lên sự tồn tại của nó.