Ngẫu nhiên hay tất yếu?

Một phần của tài liệu vu-tru-va-hoa-sen (Trang 80 - 81)

Cần phải có thái độ như thế nào trước sự điều chỉnh chính xác đến như vậy? Theo tôi, chúng ta có một sự lựa chọn giữa ngẫu nhiên và tất yếu. Những người ủng hộ ngẫu nhiên đã viện tới lí thuyết “đa vũ trụ”, theo đó vũ trụ của chúng ta chỉ là một bong bóng trong vô số các bong bóng khác trong một siêu vũ trụ. Mỗi vũ trụ bong bóng này sẽ có một tổ hợp các hằng số vật lí và điều kiện đầu riêng; đa số những vũ trụ đó không có sự sống có ý thức - bởi chúng không có một tổ hợp đúng - trừ vũ trụ của chúng ta, chủ yếu do sự ngẫu nhiên đã có một tổ hợp “trúng”, và chúng ta đang có mặt để nói về nó. Điều này cũng giống như việc tất cả chúng ta đều mua một vé xổ số: một trong số các vé đó sẽ trúng độc đắc. Tồn tại nhiều lí thuyết khoa học tiên đoán về sự tồn tại của đa vũ trụ. Chẳng hạn, một trong những lí thuyết đó muốn rằng mỗi thăng giáng trong vô số các thăng giáng của bọt lượng tử của không - thời gian ban đầu - sẽ được khuếch đại để cho ra đời một vũ trụ bong bóng trong số vô vàn các vũ trụ bong bóng khác trong siêu vũ trụ. Về phần mình, những người ủng hộ cho tất yếu tin rằng không đòi hỏi phải có vô số các vũ trụ, và rằng vũ trụ của chúng ta là duy nhất, và sự điều chỉnh chính xác đến mức như thế là để xuất hiện người quan sát không thể chỉ là kết quả của ngẫu nhiên mà là sự biểu thị của một nguyên lí tổ chức tinh tế, được thể hiện trong các định luật của tự nhiên.

Hiện tại, khoa học chưa có cách nào để quyết định giữa hai giả thuyết này. Cả hai đều tương thích với những gì chúng ta biết về vũ trụ. Chúng ta đành phải tự dấn thân và đặt cược, như Pascal đã làm. Về phần mình, tôi đặt cược cho tất yếu vì nhiều lí do. Với các kính thiên văn, chúng ta chỉ có thể quan sát được vũ trụ của mình. Đưa ra sự tồn tại của vô số các vũ trụ song song nhưng hoàn toàn biệt lập với vũ trụ của chúng ta, tức là hoàn toàn không thể kiểm chứng được, đã làm xúc phạm tới sự nhạy cảm của người quan sát vũ trụ như tôi. Thiếu sự kiểm chứng bằng thực nghiệm thì khoa học sẽ nhanh chóng lún sâu vào siêu hình học. Hơn nữa, tôi tán thành nguyên lí tiết kiệm có tên là “lưỡi cạo Occam”. Việc đưa ra vô số các vũ trụ cằn cỗi và không thể kiểm chứng, cốt chỉ để có một vũ trụ có ý thức về mình là đi ngược hoàn toàn với nguyên lí tiết kiệm này.

Một lí do khác để tôi phản đối giả thuyết ngẫu nhiên là tôi không thể chấp nhận rằng mọi vẻ đẹp cũng như sự hài hòa và thống nhất của thế giới chỉ là sản phẩm của ngẫu nhiên, và sự tổ chức tuyệt vời của vũ trụ mà tôi quan sát bằng kính thiên văn là hoàn toàn vô nghĩa. Vũ trụ rất đẹp: từ những vườn trẻ các ngôi sao đến các thiên hà xoắn ốc, từ các đỉnh cao tuyết phủ tới những đồng bằng bao la xanh mướt, từ các buổi hoàng hôn rực đỏ tới sự tráng lệ của các đêm đầy sao, từ bầu trời xanh thẳm tới các cực quang tuyệt vời, vũ trụ làm ta rung động tới tận sâu thẳm của tâm hồn. Vũ trụ là hài hòa bởi các định luật vật lí chi phối nó có vẻ bất biến theo thời gian và không gian. Các định luật quy định hành vi của các hiện tượng xảy ra trên Trái Đất, một hạt cát nhỏ trong đại dương vũ trụ mênh mông, cũng giống như các định luật chi phối các thiên hà xa xăm nhất. Chúng ta biết điều đó bởi các kính thiên văn chính là cỗ máy thời gian, càng nhìn xa ta càng nhìn sâu được về quá khứ.

Cuối cùng, có một sự thống nhất sâu sắc trong vũ trụ. Theo mức độ tiến triển của vật lí, các hiện tượng tưởng như hoàn toàn rời rạc, chẳng có quan hệ gì với nhau, lại có thể thống nhất với nhau. Vào thế kỉ 17, Newton thống nhất bầu trời và mặt đất: lực hấp dẫn phổ quát chi phối trái táo rơi cũng như chuyển động các hành tinh xung quanh Mặt Trời. Tới thế kỉ 19, Maxwell đã chứng minh được rằng điện và từ chỉ là hai mặt của cùng một hiện tượng: bằng cách chứng minh các sóng điện từ chính là sóng ánh sáng, ông đã thống nhất được điện từ và quang học. Đầu thế kỉ 20, Einstein đã thống nhất không gian và thời gian, khối lượng và năng lượng. Vào buổi bình minh của thế kỉ 21, các nhà vật lí đang miệt mài để thống nhất bốn lực cơ bản của tự nhiên (lực hấp dẫn, lực điện từ và hai lực hạt nhân mạnh và yếu) thành một siêu lực duy nhất. Vũ trụ hướng tới cái một.

Một phần của tài liệu vu-tru-va-hoa-sen (Trang 80 - 81)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(93 trang)